Nội dung chia sẻ này được trích từ buổi Giao lưu trực tuyến với TS Nguyễn Hữu Khai: Thải độc cơ thể, phòng chống ung thư, do Báo Trí Thức Trẻ, Soha.vn tổ chức sáng 9/12/2015.
Hỏi: Thưa lương y Nguyễn Hữu Khai, cháu có đọc các bài báo thì bảo uống nước nhiều rất tốt cho sức khỏe, là cách thải độc trong cơ thể hiệu quả.
Nhưng hôm nọ cháu lại đọc 1 bài bảo không nên uống nhiều nước mà tùy người thôi, và không uống nhiều một lúc, uống ít một và uống liên tục nhiều lần.
Vậy cho cháu hỏi bây giờ uống nước lúc nào, uống thế nào mới là tốt, và chỉ uống nước lọc thì có thải độc được không? ([email protected])
Lương y Nguyễn Hữu Khai: Trước hết chúng ta phải hiểu, khi nước uống vào trong dạ dày rồi nó sẽ đi đâu. Nhiều người không hiểu điều đó mà tưởng nước đi giống như là đồ ăn.
Có người hỏi tôi: Tại sao tôi bị táo bón một ngày uống 5 lít nước mà phân vẫn khô táo?
Bởi người ta tưởng rằng uống nước vào dạ dày, nước sẽ qua ruột non rồi xuống đại tràng. Hoàn toàn không phải vậy. Muốn đưa nước vào đại tràng làm cho phân khỏi khô táo thì phải thụt từ hậu môn lên.
Còn khi chúng ta uống nước vào dạ dày thì nước dừng lại ở đó (không xuống ruột).
Nước sẽ ngấm qua niêm mạc dạ dày rồi chuyển vào khắp cơ thể để tưới tắm cho toàn bộ các tế bào, sau đó thu gom “rác thải” đưa về thận, thận có nhiệm vụ lọc và đưa những thứ không cần dùng vào bàng quang rồi đi tiểu ra ngoài.
Ngoài ra, nước còn được tiết ra ngoài cơ thể qua các lỗ chân lông, đó là mồ hôi. Nhiệm vụ chính của nước là như vậy.
Xin trả lời câu hỏi của cháu: Chúng ta chỉ nên uống nước khi khát. Cơ thể của chúng ta khi cần đến nước là thông tin bằng cảm giác khát.
Khi không cần nước thì sẽ không có cảm giác khát (loại trừ những người lớn tuổi mắc bệnh mất cảm giác khát thì phải chú trọng đến định lượng nước hàng ngày để uống vào cơ thể).
Lượng nước vào cơ thể không chỉ bằng nước uống mà chúng ta ăn cơm, ăn trái cây và nhiều thứ khác đều đã có nước. Vì thế, người ta chỉ cần uống nước trà sau bữa ăn là đã đủ lượng nước cần cho cơ thể.
Khi lao động nặng, mồ hôi tiết ra nhiều mất nhiều nước thì cũng phải uống nước để bù vào. Một cơ thể bình thường thì không cần quan tâm đến việc định lượng nước cho mình mà cơ thể cần là nó đòi mình phải uống bằng cảm giác khát.
Vì thế, nếu ta cố tình đưa nhiều nước vào thì sẽ gây nên quá định lượng làm cho thận phải vất vả lọc một cách vô ích.
Hỏi: Hiện nay nhiều người áp dụng phương pháp uống nước ấm (có thể pha với chanh và mật ong) vào buổi sáng lúc chưa ăn gì để thanh lọc cơ thể. Phương pháp này có tốt và có cơ sở khoa học không? (Hiền Nguyễn, Thái Bình)
Lương y Nguyễn Hữu Khai: Trước hết, tôi xin trình bày ý nghĩa của bốn chữ “thanh lọc cơ thể”.
Thanh có nghĩa là làm mát cơ thể, lọc có nghĩa là làm trong sạch những dòng chất lỏng trong cơ thể.
Vậy muốn thanh lọc thì bằng biện pháp ăn uống và nhiều biện pháp khác làm sao cho cơ thể mát và các chất lỏng trong cơ thể lưu thông. Giống như nước, nếu ở ao tù thì sẽ ô nhiễm nhưng ở dòng suối thì luôn trong veo.
Trong cơ thể chúng ta có những dòng suối lớn đó là hệ tuần hoàn và hệ bài tiết. Nếu như máu không bị ngưng trệ, luôn lưu thông bình thường thì máu đã tự sạch và không bị nhiễm bệnh.
Đông y có câu: “Huyết hành thì phong tự hết”, mọi chứng bệnh Đông y đều quy do Phong, thế mà Phong tự hết tức là đã thanh toán được rất nhiều loại bệnh tật.
Dòng suối lớn thứ hai đó là đường đi tiểu.
Nếu như chúng ta đi tiểu bình thường (lượng nước tiểu bình thường và khi đi cũng cảm thấy bình thường) thì dòng chảy coi như là lưu thông, chứng tỏ nước đã gom “rác thải” về thận rồi được thận lọc một cách bình thường.
Như vậy, muốn thanh lọc thì chúng ta phải tìm cách làm cho cơ thể mát và 2 dòng suối nói trên lưu thông.
Câu hỏi của cháu dùng nước ấm pha mật ong và chanh có thanh lọc được hay không thì qua phân tích trên cháu đã tự trả lời được rồi. Muốn thanh lọc cơ thể là phải quan tâm đến việc lưu thông huyết mạch và lưu thông niệu đạo (hệ bài tiết).