Khi thời tiết chuyển lạnh, nhiều người thường bị ho do phế quản bị viêm và tiết dịch nhầy, nhất là trẻ em. Lúc này cần ngăn chặn ngay những triệu chứng ban đầu để bệnh không nặng thêm và vào sâu hơn các cơ quan khác trong hệ hô hấp.
Một trong những cách chữa ho mà Đông y truyền thụ lại là sử dụng gừng và muối để ngâm chân. Bàn chân có dày đặc các đầu dây thần kinh, các huyệt vị có mối quan hệ tới lục phủ ngũ tạng trong cơ thể.
Nếu ngâm chân vào nước thuốc ấm, ảnh hưởng của áp suất nước, độ ấm của nước và tác dụng của thuốc sẽ tác động đến các cơ quan phủ tạng hiệu quả không kém gì uống thuốc.
Tại sao lại sử dụng gừng để ngâm chân chữa ho?
Theo y học cổ truyền, gừng có vị cay, tính ấm, có công dụng làm ra mồ hôi, giải trừ tà khí, làm ấm tỳ vị và cầm nôn, làm ấm đường hô hấp nên có tác dụng giảm ho.
Gừng thường được dùng đơn độc hoặc phối hợp với các vị thuốc khác như phòng phong, kinh giới, ma hoàng, quế chi, tế tân, hành củ... để nấu nước ngâm chân giúp phòng chống cảm mạo phong hàn, viêm đường hô hấp, các bệnh đường tiêu hóa, viêm khớp... do lạnh.
Cách ngâm chân chữa ho bằng gừng:
- Lấy 1 củ gừng giã nát cùng với 1 nhúm muối hạt rồi cho vào chậu, đổ nước sôi vừa đủ để ngâm chân rồi để nguội đến 40 độ.
- Ngâm chân vào chậu nước, dùng tay massage nhẹ ở các ngón chân, gan bàn chân, dọc từ gót chân lên gần ngón chân. Dùng gừng massage vào lòng bàn chân.
- Ngâm khoảng 15 - 20 phút, dùng khăn khô lau sạch chân.
- Trước khi đi ngủ xoa chút dầu khuynh diệp vào gan bàn chân, tiếp tục xoa bóp chân, tập trung vào huyệt dũng tuyền. Sau đó đi tất vào cho ấm chân, dễ ngủ.
Lưu ý:
- Với bài thuốc ngâm chân, nếu ho nhiều thì nên làm nhiều lần trong ngày, cách nhau 3 - 4h, nếu ho giảm thì chỉ cần làm 1 lần trước khi đi ngủ.
- Với cách trị ho này, chỉ cần 3 - 5 ngày là khỏi hẳn. Trong trường hợp không khỏi là bệnh đã nặng cần có sự can thiệp của bác sĩ.
- Bài thuốc này áp dụng được cho cả người lớn và trẻ em. Với trẻ em cần chú ý gia giảm độ nóng của nước cho phù hợp.