Cách "khử" hoóc môn tránh thai trong thịt lươn

Vân Anh |

Theo ThS.Nguyễn Thức Tuấn, GV khoa Nông Lâm Ngư, trường ĐH Vinh, hoóc môn tránh thai trong lươn khi nấu chín, thuốc sẽ bị biến đổi và mất tác dụng sinh học.

Trước thông tin lươn tại nhiều cơ sở chăn nuôi ở Nghệ An được “vỗ béo” bằng thuốc tránh thai, nhiều người dân tỏ ra hoang mang, e ngại với món ăn được xem là “đặc sản” xứ Nghệ.

Về thông tin này, Thạc sỹ Nguyễn Thức Tuấn, giảng viên khoa Nông Lâm Ngư, ĐH Vinh (hiện đang nghiên cứu sinh tại Ba Lan) cho biết: Lươn là một loài động vật đặc biệt, có sự biến đổi giới tính trong vòng đời, lúc nhỏ là con cái, khi lớn lên chuyển thành lươn đực (thường là sau khi sinh sản).

Nuôi lươn đực thường có năng suất cao hơn lươn cái vì chúng không phải chia sẻ năng lượng cho việc thành thục và không bị gián đoạn tăng trưởng do sinh sản.


Thạc sỹ Nguyễn Thức Tuấn

Thạc sỹ Nguyễn Thức Tuấn

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số hoóc môn có tác dụng tăng cường đồng hóa, tích lũy protein và lipit trên động vật chỉ bằng một liều lượng rất nhỏ.

Đây chính là cơ sở khoa học để sản xuất các hoóc môn tăng trọng dùng trong ngành chăn nuôi nói chung.

Hiện nay, thuốc tránh thai hàng ngày trên thị trường chủ yếu gồm hai nhóm.

Nhóm thứ nhất là sự kết hợp của 2 loại hoóc-môn: Progestin và estrogen nhân tạo (viên kết hợp); nhóm thứ 2 chỉ chứa progestin. Chúng đều là các hoóc môn thuộc họ steroids.

“Rất có thể thuốc tránh thai được sử dụng trong nuôi lươn ở Nghệ An cũng thuộc một trong hai nhóm này.

Có lẽ vì thuốc tránh thai có giá rẻ, lại khá an toàn nên một số người nuôi đã bất chấp các quy định về đảm bảo an toàn VSTP trong nuôi trồng thủy sản, sử dụng chúng để làm chất kích thích tăng trưởng, đồng thời gây rối loạn sự biệt hóa giới tính hoặc ngăn chặn lươn sinh sản để tăng năng suất trong quá trình nuôi.

Tuy nhiên, điều này cũng cần nghiên cứu để xác minh”, thạc sỹ Tuấn nhận định.

Mặc dù có những hệ lụy nhất định, nhưng việc sử dụng các hoóc môn tăng trưởng không phải là điều mới lạ trong ngành chăn nuôi.

Hơn nữa, các sản phẩm tươi từ động vật, nhất là ở giai đoạn trưởng thành, hầu như ít nhiều đều có chứa các hoóc môn tự nhiên dạng này do động vật tự tiết ra.

Có điều, khi đã qua chế biến với nhiệt độ trên 70 độ C thì các hoóc môn đó sẽ bị oxy hóa, phân cắt, biến tính,... dẫn đến bất hoạt, mất đi hoạt tính sinh học.

Theo thạc sỹ Nguyễn Thức Tuấn cần phải xác định loại thuốc tránh thai, cách thức sử dụng và hàm lượng tồn dư trong lương thành phẩm mới có thể đánh giá tác động của thực phẩm đến sức khỏe người tiêu dùng.

Ông Tuấn cũng khẳng định rằng việc sử dụng thuốc tránh thai trong trường hợp này là biện pháp sai trái, không được phép trong nghề nuôi lươn hiện nay.

Do đó phải kiên quyết ngăn chặn, tránh để dư luận ảnh hưởng xấu đến các hộ nuôi khác tại Nghệ An, cũng như nghề nuôi lươn nói chung trong cả nước.

“Các cơ quan chức năng cần xác định rõ bản chất của thuốc tránh thai đó là gì? Sử dụng ra sao? Hàm lượng tồn dư trong lươn thành phẩm như thế nào?…

Khi làm sáng tỏ được những câu hỏi này thì mới có thể trả lời đầy đủ về việc sử dụng thuốc tránh thai trong nuôi lươn có ảnh hưởng đối với sức khỏe người tiêu dùng hay không.

Trên thực tế, các loại thuốc tránh thai vốn không bền với nhiệt độ, nên luôn được khuyến cáo phải bảo quản trong điều kiện nhiệt độ phòng (15-30 độ C).

Mặt khác, không như việc uống thuốc trực tiếp hoặc sử dụng các sản phẩm tươi sống như sushi, sữa,..., khi thưởng thức các món lươn đã nấu chín, những lo ngại do thuốc tránh thai là hoóc môn gây ra đều đã được loại trừ, không nên quá hoang mang”, thạc sỹ Nguyễn Thức Tuấn cho biết.

 

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại