Cách đánh bật lưu huỳnh ra khỏi măng khô

Ph. Thúy |

Gần tết cổ truyền, nhu cầu sử dụng măng khô, mộc nhĩ, nấm hương của các gia đình ngày càng nhiều. Tuy nhiên nỗi lo các đồ khô bị tẩm hóa chất luôn thường trực trong tâm trí bà nội trợ.

Măng khô, nấm hương và mộc nhĩ là những thực phẩm không thể thiếu trong dịp Tết.

Chính vì thế, để chuẩn bị cho lượng hàng lớn, những người chế biến măng khô và nấm hương đã chuẩn bị trước để tránh mốc. Thông thường người làm xông lưu huỳnh để chống nấm mốc, ẩm cho măng, nấm, mộc nhĩ.

Lưu huỳnh là chất hóa học có thể bay hơi nhưng lại ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng cũng như người xông trực tiếp vào sản phẩm.

Trước đây, lưu huỳnh được dùng một lượng nhỏ để xông thuốc bắc, thuốc lá tránh ẩm mốc. Tuy nhiên, gần đây người ta thường lạm dụng nguyên tố hóa học này.

Theo tổ chức WHO khuyến cáo, hàm lượng lưu huỳnh không được vượt quá 20mg/kg sản phẩm.

Nếu người tiêu dùng sử dụng sản phẩm có chứa lưu huỳnh nồng độ cao lâu dài sẽ tổn thương về thần kinh, hành vi, hệ tuần hoàn, chức năng tim mạch, tổn thương mắt, giảm thị lực, chức năng sinh sản, nhiễm độc máu, suy thận,...

Các chuyên gia về thực phẩm đều khuyên người tiêu dùng nên chọn các sản phẩm an toàn, tránh những loại măng khô, mộc nhĩ bị xông lưu huỳnh.

Khi mua phải các sản phẩm này tốt nhất nên ngâm nước và thay nước thường xuyên.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, ĐH Bách Khoa cho biết ngày trước, người dân thường sơ chế các loại măng khô, mộc nhĩ, nấm hương… phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Khi nào khô két người dân mang bỏ vào túi đóng gói kỹ.

Tuy nhiên việc bảo quản sản phẩm khô, không ẩm mốc rất khó và nếu khô ngon thì sẽ không có lợi nhuận nên người ta thường khử trùng nấm mốc bằng cách xông lưu huỳnh.

Ngày trước, lưu huỳnh được phép sử dụng với một lượng nhỏ nhất định không chỉ với các loại măng khô, nấm hương, mộc nhĩ mà người dân còn xông lưu huỳnh với các loại quả sấy khô.

Xông lưu huỳnh dưới dạng khí rất tốt vì khí này có thể len lỏi vào từng diện tích của sản phẩm để khử khuẩn tốt hơn.

Tuy nhiên, dù xông ở dạng khí lỏng bay hơi nhưng lưu huỳnh vẫn đọng lại trên sản phẩm nếu sử dụng quá nhiều.

Nguy hại của việc xông lưu huỳnh thường ảnh hưởng trực tiếp đến người thực hiện nếu xông không đúng kỹ thuật.

Đồng thời, người tiêu dùng cũng rất dễ nhận dạng ra những sản phẩm có xông lưu huỳnh quá lượng bởi khi đó sản phẩm sẽ có mùi khét rất đặc trưng của lưu huỳnh.

Để loại bỏ lưu huỳnh ra khỏi các thực phẩm khô, ông Thịnh cho biết cách đơn giản nhất là người làm cần ngâm sản phẩm trong nước.

Theo nguyên tắc hóa học, lưu huỳnh hoàn toàn có thể tan ra trong nước hoặc bay hơi. Vì vậy để loại bỏ dư chất lưu huỳnh có trong sản phẩm chúng ta hoàn toàn có cách.

Khi ngâm sản phẩm cần thay nước thường xuyên. Với măng khô cũng tương tự. Măng khô phải ngâm và luộc. Khi luộc măng chúng ta phải thay nước liên tục càng nhiều lần càng tốt và nên mở vung.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại