Bột tẩy trắng + axit + thuốc tím + phèn chua = miến

50% các hộ làm miến dùng chất tẩy trắng bột bằng Natri hydro sulphat, axit HCL, thuốc tím, 50% số hộ dùng phèn chua để làm dai bột.

Thời gian qua, những thông tin liên tiếp về thực phẩm không an toàn, trong đó có thông tin miến nhuộm phẩm màu đã tạo ra nỗi ám ảnh không nhỏ cho đông đảo người tiêu dùng. Vậy, có hay không chất nhuộm màu trong miến và chất loại miến nhuộm phẩm đó ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng ra sao?

Tràn lan miến nhuộm...

Tại các chợ ở Hà Nội hiện bày bán rất nhiều loại miến có màu sắc khác nhau: từ vàng ươm, trắng đục đến miến có màu hanh hao vàng, được nhập từ nhiều nơi nhưng chủ yếu vẫn thuộc các xã ở Hà Tây (cũ) như Tân Hòa, Minh Khai, Dương Liễu...

Bột tẩy trắng + axit + thuốc tím + phèn chua = miến 1

Nên chọn mua miến của những cơ sở sản xuất có uy tín, bảo đảm ATVSTP. Ảnh: Q.Nam

Loại miến có màu trắng đục là miến mộc không sử dụng thuốc tím để tẩy, còn miến vàng là loại sau khi tẩy trắng người làm sẽ nhuộm vàng cho miến bằng bột màu thực phẩm tạo thành màu vàng suộm hay vàng nhạt. Đặc biệt, loại miến có màu vàng suộm bó cả bó được dùng nhiều trong các hàng, quán ăn. Giá các loại miến không bao bì không nhãn mác, không hạn sử dụng và địa chỉ nhà sản xuất dao động từ 4.500 - 5.000 đồng/lạng. Có loại lên tới 10.000 đồng/lạng được đóng gói, bao bì ghi tên nhà sản xuất cùng dòng cam kết: Miến sạch không hóa chất không phẩm màu, tuy nhiên loại miến này rất ít hàng bày bán.

Những người bán hàng khi được hỏi tại sao miến có màu vàng, trong khi đó nguyên liệu làm miến là củ dong có màu trắng đục, thường giải thích, miến cũng nhuộm phẩm màu, nhưng mà ít, mà là loại được phép dùng trong thực phẩm, nếu có ăn cũng không gây hại gì cho sức khỏe…

... Màu gì cũng có

Xã Dương Liễu (Hoài Đức - Hà Nội), có nghề làm miến lâu đời. Hiện cả xã có đến hàng trăm hộ làm miến. Thời điểm này, sản xuất miến ở Dương Liễu đang vào mùa vì càng về cuối năm lượng người sử dụng miến tăng đáng kể. Theo đó, sản lượng miến ở Dương Liễu tăng gấp 2 - 3 lần so với các thời điểm khác trong năm. Miến Dương Liễu thường có hai loại: miến mộc và miến vàng. Tuy nhiên, miến mộc đang là mặt hàng hiếm tại Dương Liễu. Nếu muốn mua, khách phải đặt trước vì tất cả các cơ sở sản xuất miến trong xã Dương Liễu đều làm miến vàng để bán ra thị trường từ Bắc vào Nam. Nhiều người làm hàng cho rằng, miến phải có màu vàng mới dễ bán còn miến mộc khó bán hơn. Do nhu cầu của thị trường nên các hộ đều dùng phẩm để đổi màu miến.

Bột tẩy trắng + axit + thuốc tím + phèn chua = miến 2
 

Miến ở đây thường được bán ra với giá 27 - 28 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên cũng có thời điểm giá dong đắt, theo đó miến dong được bán với giá 35 - 37 nghìn đồng/kg. Người mua miến thích màu gì sẽ được chủ sản xuất chiều theo ý màu đó.

Theo lời một người đã làm miến lâu đời thì miến chủ yếu được làm từ dong nên thường có màu xám đen. Để tẩy màu của miến, người làm nghề thường dùng một loại hóa chất gọi là chất tẩy tím. Thành phần của chất này thế nào, có lợi hay hại đến sức khỏe của người tiêu dùng thì hầu như không ai được biết. Đa số những người sản xuất miến đều làm theo lời mách bảo, truyền miệng từ người nọ cho người kia.

“Mua 200 nghìn phẩm màu là có thể dùng cả năm. Chỉ cần cho một ít phẩm vào thùng bột khuấy đều và bật máy hút lên giàn là xong”, người này cho biết. Để có miến màu vàng đẹp, tươi tạo cảm giác thật, người làm miến thường phải pha vài ba loại bột phẩm với nhau theo kinh nghiệm của người làm nghề

Ngoài phẩm màu nhuộm trong miến, tại các cơ sở làm miến còn sử dụng một loại axit (chưa rõ tên), thuốc tím, axit sunfuaric dùng để khử những tạp chất trong miến. Khi cho những chất này vào tinh bột làm miến thì chất bẩn sẽ nổi lên trên, tinh bột lắng xuống dưới, tráng qua 4 - 5 lượt nước thì sẽ không còn độc hại nữa!?

Bột tẩy trắng + axit + thuốc tím + phèn chua = miến 3

Bột tẩy trắng + axit + thuốc tím + phèn chua = miến

Hãy là người tiêu dùng thông thái

Trước thông tin miến nhuộm phẩm màu đăng tải trên báo chí, nhiều người dân đã lựa chọn rất kỹ khi phải mua mặt hàng này, nếu mua họ cũng chỉ mua miến có màu trắng đục, mặc dù vậy, đa số người dùng đều vẫn chưa yên tâm, thậm chí nhiều người tiêu dùng còn hạn chế, thậm chí không sử dụng mặt hàng này nữa.

Tại một số cửa hàng bán đồ khô, người bán hàng cho biết: Miến mộc có màu đục, không đẹp mắt, thậm chí trước đây nhiều người còn chê “bẩn”, tuy nhiên, loại miến này giờ lại bán chạy nhất, vì nhiều bà nội trợ cho rằng, màu miến càng “xấu” thì càng an toàn.

Cho đến nay, tác hại của chất tẩy và tạo màu trong công nghệ sản xuất miến đối với sức khỏe người tiêu dùng vẫn chưa được giải đáp. Chính vì vậy, để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình, khi mua mặt hàng miến, người tiêu dùng nên chọn loại miến mộc có màu trắng đục của những cơ sản xuất có uy tín, có tên, địa chỉ liên hệ cụ thể.

Mới đây trong một khảo sát của Trung tâm kỹ thuật ATVSTP về kiến thức thực hành của người sản xuất miến tại xã Minh Khai (Hà Nội) cho thấy: 50% các hộ dùng chất tẩy trắng bột bằng Natri hydro sulphat, axit HCL, thuốc tím, 50% số hộ dùng phèn chua để làm dai bột. Thêm vào đó 100% người làm nghề chưa tham gia tập huấn kiến thức vệ sinh ATTP.

Theo số liệu của Cục ATVSTP, Bộ Y tế, hiện cả nước mới có hơn 133.000 cơ sở (chiếm 40%) được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP. Như vậy, 60% cơ sở còn lại luôn thường trực là “thủ phạm” gây tổn hại cho sức khỏe người tiêu dùng…

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại