Tại khoa niệu của các bệnh viện, người ta thường thấy treo một danh sách các món ăn có thể gây sỏi thận để bệnh nhân theo đó mà tránh. Đó là một “bảng phong thần” đủ để gây khó khăn cho các nhà nội trợ tài ba nhất, vì gần như món gì cũng gây sỏi!
Cách đơn giản để phòng ngừa sỏi thận là uống thật nhiều nước. Ảnh: Lê Kiên
Chớ kiêng cữ thái quá
Theo đó, thủ phạm gây sỏi thận được điểm mặt gồm: canxi (có nhiều trong xà lách soong, hạt dẻ, quả ôliu, trái vải, mận, hạnh nhân, sữa (các loại), phomát, sôcôla, đậu trắng, đậu tương, đậu Hà Lan, rau dấp cá, trứng, tôm, cua, ngao, sò, ốc, hến…; urate (có nhiều trong cật heo, cá chày, cá đối, thịt bò, bê, tôm hùm, gan (các loại), tôm, cua ngao, sò, ốc, hến…); phosphat (có trong cacao, đậu nành, đậu tương, đậu Hoà lan, cá mòi, bơ các loại, gan các loại...); oxalate (có nhiều trong dưa chuột, củ cải đỏ, măng tây, dâu tây, trà đặc, me chua, hạt tiêu…).
Không những chỉ có các thức ăn cao cấp như tôm hùm, phomát, quả ôliu… mà cả những món hết sức bình dân như rau dấp cá, me chua cũng không thoát khỏi. Rất nhiều bệnh nhân không thể theo nổi chế độ tiết thực khắc nghiệt như vậy nên đành bỏ. Một số người khác trở lại tái khám trong tình trạng “thon thả quá độ” vì chỉ dám ăn cơm với rau muống, cà pháo!
PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên, chủ tịch hội Tiết niệu – thận học Việt Nam; phó giám đốc bệnh viện Bình Dân TP.HCM cho biết đa số các món ăn trong danh sách nói trên tuy mang hàm lượng chất gây sỏi cao, nhưng việc giảm ăn chúng có kết quả hết sức hạn chế, nhất là đối với loại thức ăn có oxalate.
“Việc giảm ăn sau khi điều trị chỉ cần nghiêm ngặt đối với các món như: sữa và các sản phẩm từ sữa (bơ, kem, phomát, yaourt) vì chúng làm tăng sự hấp thu canxi qua ruột. Khi dùng 100mg canxi trong thức ăn, chỉ có vài gram số đó qua được niêm mạc ruột. Nhưng nếu có sữa kèm theo thì mức hấp thụ đó tăng lên khoảng 20 lần. Nên nhớ là canxi trong thuốc (thuốc bổ, canxi viên...) đã được điều chế thành các muối để sự hấp thu gần như 100%. Các loại tôm, cua, ngao, sò, ốc, hến thì thỉnh thoảng dùng cũng không sao”, PGS Chuyên nói.
Theo PGS Chuyên, nguyên nhân gây ra sỏi thận chưa được biết chính xác, trong đa số các trường hợp là do nhiều nguyên nhân phối hợp. Hơn 90% sỏi được cấu tạo bởi chất vôi canxi (calcium) hoặc manhê (magnesium) phối hợp với phosphat hoặc oxalate, số còn lại là sỏi hữu cơ như: cystine, axít uric. Những nguyên nhân sau đây được biết có ảnh hưởng lên sự hình thành sỏi: sự hiện diện quá nhiều những chất tương đối kém hoà tan trong nước tiểu như calcium, oxalat, cystine, axít uric; sự biến đổi của nước tiểu về mặt lý tính (số lượng nước tiểu, độ kiềm toan của nước tiểu); sự bế tắc đường tiểu.
Cần phát hiện và điều trị thật sớm
PGS Chuyên cho biết sỏi thận là một bệnh có nhiều biến chứng với mức độ nguy hiểm rất cao. Việc phòng ngừa các biến chứng rất quan trọng bằng cách cố gắng phát hiện và điều trị thật sớm. Những bệnh nhân đã từng bị sỏi thận cần được theo dõi phòng ngừa tái phát. Phương thức phòng ngừa dựa trên cấu tạo hoá học của sỏi. Do đó, khi tiểu ra sỏi hoặc được điều trị bằng phẫu thuật, nội soi hoặc tán sỏi, hòn sỏi cần được gửi phòng xét nghiệm để phân chất. “Có khoảng 30% số người bị tái phát sỏi vì không nắm được các thức ăn chủ yếu cần phòng ngừa cho thích hợp. Vì vậy, bệnh nhân nên biết loại sỏi mình đã bị để có cách phòng thích hợp nhất”, PGS Chuyên lưu ý.
Nếu không có phân chất sỏi, người bác sĩ niệu khoa có thể dựa trên các yếu tố sau để quyết định cách phòng ngừa cho bệnh nhân: tính chất sỏi trên phim X-quang, loại tinh thể tìm thấy trong nước tiểu, trắc nghiệm tìm cystine và alpha nitrogen trong nước tiểu, bất thường trong phân chất máu. Lưu ý, có rất nhiều loại sỏi được hình thành với nhiều cơ chế đối nghịch nhau.
Nếu dùng lầm một loại thuốc phòng ngừa sỏi khác không đúng quy cách thì hậu quả có thể là sỏi còn nhanh chóng hình thành hoặc to thêm. Do đa số các hòn sỏi thuộc loại phối hợp nhiều thành phần với nhau mà đôi khi các công thức phòng ngừa cho từng loại lại đối nghịch nhau, người bác sĩ chuyên khoa bắt buộc phải chọn thành phần sỏi nào là chủ yếu để chọn chiến thuật thích hợp nhất.
“Có hai điều người dân cần lưu ý: hãy làm theo lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa, không nên dùng thuốc theo sự mách bảo của người khác. Sau khi được mổ lấy sỏi, xin đừng hỏi phẫu thuật viên: “Thưa bác sĩ, cục sỏi của tôi đâu cho xin”, mà hãy hỏi “Xin cho biết kết quả phân chất hòn sỏi của tôi”, PGS Chuyên dặn dò.