Lần đầu tiên khi bước chân vào khu điều trị bệnh nhân tâm thần nữ Khoa 6 – Bệnh viện tâm thần TƯ I sống lưng tôi lạnh toát. Chị bạn cùng đi kéo tay tôi lại “thôi, hay là về”.
Những tiếng hát ỉ ôi như ai oán vọng lại từ những ô cửa sổ. Những bộ mặt chật chội nỗi khổ và ánh mắt đờ đẫn đến vô hồn làm cả hai đều chững lại.
“Cho tôi xin 2 nghìn đi mua rượu cho chồng uống. Nhanh lên”. Người đàn bà gào vào mặt khách lạ rồi chạy mất hút. Tôi nhìn theo chị. Ám ảnh.
Chiều muộn, khu nhà của khoa 6, nơi điều trị những bệnh nhân nữ tĩnh lặng đến đáng sợ. Dọc hành lang những người phụ nữ ngồi bệt tiều tụy. Họ nhìn nhau, chẳng nói chẳng rằng, hếch đôi mắt thắc mắc như dò xét khách lạ.
Tiến sĩ Tô Thanh Phương – Phó Giám đốc Bệnh viện tâm thần TƯ cho biết: “ Những bệnh nhân nữ vào khoa nhập viện đa phần do áp lực từ phía gia đình.
Nhiều người bị dồn nén cảm xúc, ức chế tâm lý mà hóa điên, hóa dại. Mỗi người một hoàn cảnh, chẳng ai giống ai”.
19 ngày vừa yêu vừa cưới
Người “đàn bà” trẻ nhất trong khoa là Nguyễn Hà Trang, 19 tuổi, dân tộc Thái Trắng. Trang và chồng quen nhau qua lời mai mối của 1 chị gần nhà. Cả hai hẹn nhau, liên lạc qua số điện thoại.
Anh chị gặp mặt, qua lại, yêu nhau và cưới vẻn vẹn trong 19 ngày. Mọi người trong gia đình ngăn cản: “ Mày phải tìm hiểu kỹ vào, vội vàng gì mà quen nhau có 19 ngày đã lấy”. Trang bỏ ngoài tai lời của tất cả. Trang “nhắm mắt” chọn chồng.
Không công ăn việc làm, việc học hành của chị cũng bỏ dở vì vội vàng đi tới hôn nhân. Những ngày đầu tiên làm dâu, với Trang cuộc sống đầy màu sáng.
Đến tuần thứ 4 thấy Trang không đi làm, mẹ chồng càu nhàu bóng gió. Bà lườm nguýt “Con gà còn đi tìm hạt kê, hạt thóc để kiếm ăn. Đằng này…”
Chồng Trang đi phụ hồ, ngày công được 80 nghìn đồng nhưng rót hết vào xới bạc, đề đóm. “Có những đêm say khướt lôi em ra hành hạ.
Anh đánh em, bắt “quan hệ” nhiều lần và làm đủ những trò khiến em hoảng loạn. Thể xác và tinh thần bị dày vò, em rối trí và phát dại. Em không về đấy nữa đâu, em lại bị đánh, bị điên lại khổ bố mẹ e lắm, tiền không có.
Bố làm bốc vác, mẹ thì làm công nhân. Bao giờ viện cho về em sẽ kiếm tiền đi học thêm. Em mơ làm nghề dạy trẻ, ao ước lắm nhưng chưa được thực hiện. Tạm thời, em ở đây thích hơn chẳng lo bị đánh”.
Trường hợp chị Đào Thị Thủy (Hưng Yên) cũng nhập viện, hóa điên do áp lực gia đình. Lấy chồng từ năm 19 tuổi, mẹ chồng chị mất khi bố chồng hơn 40 tuổi.
Một mình ông gà trống nuôi con nên nhiều áp lực về tâm sinh lý. Ông lôi các con để chì chiết “hành hạ”.
Chị là giáo viên đến trường cả ngày, có hôm buổi trưa ở nhà mẹ đẻ ăn cơm, bố chồng cứ nghi ngờ là con dâu đi họp, đi dạy học hay đi cặp bồ hú hí. Cứ đến giờ chị đi làm, ông mở ti vi thật to rồi nói cạnh khóe.
Con chó nhà chị lên cơn dại, leo lên tầng nhà ông ngã chết. Ông gọi bạn về thịt chó. Ông nói bóng gió chị “con chó này nếu đi chữa thì sẽ không khỏi mà sẽ bị tâm thần, dở người”.
Đến giờ nghỉ trưa, ông ra đằng sau nhà phát tàu lá chuối nói vọng vào: “Mày bướng à, ông cho mày chết, mày cứng cổ à, ông cho mày chết này”. Những áp lực từ bố chồng chất lên thành núi. Chị hoảng loạn và xin chồng vào nhập viện.
Giường bệnh đầu tiên trong khoa 6 có trường hợp chị Nguyễn Thị Quân (SN 1979, Hà Nội) là nặng và đặc biệt nhất. Chị cũng phát điên vì những khoản nợ từ chồng chơi bời.
Chị thuê nhà bán rau ở chợ Văn Điển, anh làm xe ôm. Anh hiền lành, không đánh chửi chị bao giờ nhưng tiền ném vào lô đề nhiều quá khiến chị uất ức mà hóa điên. Những ngày đầu, Quân thường xuyên cào cấu người nhà.
Ai nói gì cũng chửi lại, gào lên. Thời gian đầu tiên “phát bệnh”, Quân cởi quần áo một cách tự do không phân biệt đâu là ở nhà, đâu là ngoài đường.
Chị thường xuyên mất ngủ, có hôm thức trắng cả đêm và ảo tưởng nói nhảm: “ Ai họ cứ chụp ảnh, rủ con đi đâu. Có cô 9,10 cứ rủ đi. Mẹ cho con đi lên chùa”.
Quân sợ nước không cho người thân tắm. Mẹ đẻ lên trông con cứ múc một chậu nước đầy thì chị đổ đầy xà phòng vào chậu, đóng kín cửa và giẫm bọt cho lênh láng khắp phòng.
Nhiều lần phá cửa gọi con, Quân luôn trong trạng thái ngồi cười hềnh hệch, khua múa chân tay. Khi sinh hoạt cá nhân hay uống nước Quân không ngồi yên mà thổi phì phì vào mặt người trong nhà ném bát đũa.
Năm đầu tiên khi phát bệnh và chưa đưa xuống viện tâm thần, tình trạng bệnh rất nặng. Có những khi chị đuổi đánh cả bố mẹ: “ Tao không cần thiết đến ai, mặc kệ tao”.
Quân đập phá mọi thứ trong nhà, sợ những gì màu đỏ, Đặc biệt khi được người nhà dỗ uống thuốc viên con nhộng lại hét toáng và hoảng loạn: “Chúng mày cho em uống máu tươi à”.
Quân vào bệnh viện điều trị lần đầu tiên vào năm 2009, do không chịu được áp lực từ chồng. Ngày chúng tôi đến thăm, trên giường bệnh của chị ngổn ngang những đồ đạc, giấy tờ của hai mẹ con.
Chị bảo, xin bác sĩ được rồi, cuối tuần này sẽ xuất viện. Chị về nhà cho khuây khỏa rồi năm bữa, nửa tháng nữa lại vào. Ở trong này, những lúc tỉnh táo chị lại nhớ con, nhớ nhà da diết.
Quân, Trang và Thủy là 3 trong số trường hợp bệnh nhân nặng tại khoa 6, Bệnh viện tâm thần. Những ngày đầu tiên vào viện đa phần bị hoảng loạn và rối loạn cảm xúc nặng nhất.
Điều trị 2,3 tuần các chị có thể ổn định hơn và có thể trò chuyện với mọi người bình thường. Tuy nhiên khi bị kích động, những triệu chứng của bệnh tái phát trở lại khiến công tác điều trị ở viện gặp khó khăn.
Các chuyên gia nói gì về chứng bệnh tâm thần?
Trao đổi với phóng viên, Thạc sĩ La Đức Cương - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TƯ I cho biết: “Người mắc chứng tâm thần phát bệnh chủ yếu do 2 nguyên nhân:
Một nhóm do không vượt qua nổi những cú sốc bất ngờ trong chuyện tình cảm, nhóm còn lại do áp lực tâm lý gia đình kéo dài quá lâu, đến một lúc nào đó không chịu đựng nổi cũng đành nhập viện.
Ngoài một số bệnh lý chưa rõ căn nguyên như tâm thần phân liệt, loạn trầm cảm..., các bệnh tâm thần xuất hiện chủ yếu do 2 nguyên nhân sau:
- Tổn thương não và các tổ chức thần kinh trung ương do tai nạn, nhiễm trùng thần kinh, nhiễm các chất độc trong nước thải công nghiệp và thuốc trừ sâu, diệt cỏ...
- Sang chấn tâm lý: Sự cạnh tranh gay gắt, việc phải xử lý một lượng thông tin lớn, không giải quyết được các mâu thuẫn trong cuộc sống... có thể gây ra sự căng thẳng về tâm lý và dẫn đến các bệnh tâm thần (như suy
Theo Tiến sĩ Tô Thanh Phương - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TƯ I: “Sống trong môi trường gia đình, đặc biệt là là môi trường gia đình nhà chồng nhiều áp lực khiến những người phụ nữ mắc các sang chấn mang tính trường diễn, kéo dài, âm ỉ.
Người bệnh luôn sống trong trạng thái căng thẳng, che giấu nỗi buồn. Khi không giải tỏa, chia sẻ được với mọi người tâm lý sẽ bị dồn nén, ức chế không chịu đựng được nữa nên phát bệnh”.
Ngoài sang chấn mang tính trường diễn, một nhóm bệnh nhân tâm thần khác có những biểu hiện cấp tính, nặng nhất của trạng thái này bệnh nhân có thể tự tử. Biểu hiện tâm thần cấp gặp ở bệnh nhân nữ hơn.
Đặc biệt trong những hoàn cảnh như: khi người con gái rất tin tưởng người yêu, tin tưởng đến mức tuyệt đối nhiều khi thành thần tượng nhưng cuối cùng bị ruồng rẫy, phụ bạc.
Bác sĩ Phương cho biết thêm, triệu chứng bệnh tâm thần rất đa dạng từ các triệu chứng nhẹ nhất giống như suy nhược thần kinh đến các triệu chứng loạn thần.
Giai đoạn đầu thường biểu hiện các triệu chứng nhức đầu, mất ngủ, thức trắng đêm. Bệnh nhân hay bị kích động, khó tập trung, trễ nải trong học tập và công tác.
Có nhiều trường hợp buồn chán làm mọi cách để thu mình lại và ngại tiếp xúc với mọi người.
Bệnh nhân rơi vào trạng thái hoang tưởng luôn có cảm giác có người khác theo dõi, đầu độc, ám hại mình.
Có người cho là mình mắc bệnh hiểm nghèo mà thực ra không có, có người buồn chán nằm vùi đầu suốt ngày, có người vui vẻ quá mức múa hát làm huyên náo, có người bồn chồn đứng ngồi không yên, đập phá, xung động tấn công mọi người xung quanh.
Người bệnh nếu được phát hiện sớm (khi có dấu hiệu trầm cảm) có sự động viên, giải tỏa, tháo nút thì sẽ ổn định tinh thần nhanh chóng. Gia đình, người thân và bạn bè làm tâm lý tốt sẽ giúp bệnh nhân quên đi những sang chấn mà vui vẻ dần.
Trong trường hợp người bệnh mất ngủ 2,3 đêm liên tiếp nên cho uống chút an thần nhẹ. Tình trạng kích động kéo dài khoảng 3,4 tuần cần đưa bệnh nhân đến ngay bệnh viện để điều trị kịp thời.
Chú ý thêm, trong trường hợp bệnh nhân sang chấn trong chuyện tình cảm yêu đương, các thầy thuốc nên tế nhị, khéo léo trong cách dùng liệu pháp tâm lý và biết cách động viên quan tâm tạo cảm xúc dương tính cho người bệnh.