Theo PGS Nguyễn Hữu Đức – Khoa Dược (ĐH Y Dược TP HCM), diacetyl là hóa chất tạo mùi thơm, nhưng có thể tác động lên phế quản gây hiện tượng co thắt phế quản, gây hen, dùng lâu dài chất này có thể ảnh hưởng đến phổi, thận và gây rối loạn chuyển hóa protein.
“Độc” từ mùi thơm
Trao đổi với PV, PGS Nguyễn Hữu Đức cho hay, khi sản xuất bắp rang bơ người ta cho diacetyl, thành phần hóa học tạo nên mùi bơ để tiết kiệm chi phí do nó có mùi thơm rất giống với mùi bơ thật. Diacetyl là hóa chất tạo mùi thơm, nhưng có thể tác động lên phế quản gây hiện tượng co thắt phế quản, gây hen, dùng lâu dài chất này có thể ảnh hưởng đến phổi, thận và gây rối loạn chuyển hóa protein.
Chia sẻ về điều này, PGS.TS Nguyễn Hữu Đức cho hay, từ năm 2007, dư luận Mỹ đã đòi cấm dùng diacetyl làm chất tạo mùi bơ trong thực phẩm. Trong một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu sức khỏe và an toàn nghề nghiệp Hoa Kỳ tập trung vào thành phần tạo mùi bơ bao gồm diacetyl, người ta đã phát hiện ra diacetyl chính là nguyên nhân gây nên bệnh liên quan đường hô hấp là chứng viêm tiểu phế quản co khít. Diacetyl gây viêm và xơ hóa các tiểu phế quản của phổi khiến các đường thở này bị chít hẹp một phần hay toàn phần. Đây là một chứng bệnh gây mất sức và hiếm gặp được phát hiện ở công nhân làm việc tại các nhà máy sản xuất thực phẩm dùng phụ gia diacetyl tạo mùi bơ…
Ảnh minh họa
Người bị viêm tiểu phế quản do diacetyl sẽ khó thở, thở khò khè, ho khan dữ dội, nếu quá nặng sẽ suy hô hấp và tử vong. Bệnh khó trị và không hồi phục, nếu nặng chỉ có thể chữa bằng cách ghép phổi. Mới đây, một nghiên cứu cũng chỉ ra chất diacetyl có khả năng ảnh hưởng đến protein trong não khiến chúng không phân giải được và sẽ dẫn đến bệnh Alzheimer - chứng mất trí nhớ.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) cũng cho biết, diacetyl là chất lỏng dễ bay hơi thường tìm thấy ở trong rượu, bia và có tính độc hại. Khi lên men không tốt chất này sẽ tự sinh ra. Uống chất này vào sẽ gây nhức đầu, lâu dần ảnh hưởng hệ thần kinh. Còn chất này có trong bắp rang bơ gây hại ra sao thì nước ta chưa có nghiên cứu nào.
Nói về việc nhận diện chất diacetyl, PGS.TS Nguyễn Hữu Đức cho rằng rất khó nhận diện cảm quan hay mùi, vị vì nó có mùi thơm nồng nàn giống với bơ thật. Để biết được chất này phải được lấy mẫu rồi đưa vào các phòng thí nghiệm hiện đại phân tích mới xác định được.
Gây biếng ăn cho trẻ
PGS.TS Nguyễn Hữu Đức khuyến cáo, hiện nay bắp rang bơ thường được sử dụng để ăn vặt, đây là món mà giới trẻ rất thích vì mùi vị thơm ngon. Bình thường cơ thể chúng ta cần hàm lượng chất xơ và bỏng ngô đáp ứng được điều đó. Tuy nhiên, trong bắp rang bơ hiện nay có chứa nhiều các chất phụ gia, bảo quản như chất tạo màu, đường hóa học, chất béo... không tốt đến sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Quá trình chế biến, thành phần dinh dưỡng có giá trị cho sức khỏe sẽ bị hủy đi, lượng đường, muối, chất béo tăng lên làm ảnh hưởng đến sức khoẻ. Tốt nhất là mọi người nên sử dụng bắp tươi để luộc, nướng hoặc bắp hạt xay dùng nấu cháo, xôi bắp để có giá trị dinh dưỡng mà không sợ độc hại.
“Nhiều cha mẹ còn lạm dụng món bắp rang bơ cho con ăn trước bữa ăn. Điều này là không nên vì về mặt dinh dưỡng hoàn toàn không tốt. Trẻ có thể bị phá vỡ những thói quen ăn uống tốt, dễ sinh ra biếng ăn. Cha mẹ cần bổ sung thêm các loại thức ăn khác đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ”, PGS.TS Hữu Đức nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, ngô là một loại thực phẩm lành mạnh, nhiều dưỡng chất, ít chất béo và nhiều chất xơ rất tốt cho sức khỏe. Nó được khuyên nên chọn cho bữa phụ nhưng đó phải là loại bỏng ngô nguyên chất, không thêm bất cứ gia vị nào. Bắp rang bơ lại không hề có lợi cho sức khỏe vì chúng chứa nhiều chất béo, bao gồm cả những chất béo bão hoà không có lợi do được rang nở lớn với bơ và dầu chiên.
Khi ăn dễ gây đầy bụng , khó tiêu và dẫn tới cảm giác chán ăn ngay sau đó. Hơn nữa, cũng có thể khi sản xuất họ dùng bơ ôi cho vào. Chất béo của bơ dễ bị ôxi hóa thành những chất độc peroxit, axeton… gây hại cho cơ thể.