Khi được hỏi: “Có bài thuốc quý, sao không giữ riêng cho mình mà lại sẵn sàng chia sẻ?”, ông Khánh bảo: “Làm nghề y, cái chính là phải có đức. Niềm vui của lương y là thấy người bệnh được chữa trị.
Đối với những cặp vợ chồng hiếm muộn đến gặp, tôi thấu hiểu khao khát có một mụn con của họ. Tôi chia sẻ bài thuốc với hy vọng, những lương y khác xem xét, tham khảo, và sẽ có nhiều cặp vợ chồng được thỏa nguyện”.
Bài thuốc quý…
Trong quá trình tìm hiểu hoạt động đông y tại TP. Đà Nẵng, PV đã tìm gặp lương y Nguyễn Đình Khánh (SN 1954, TP. Đà Nẵng), Chủ tịch hội Đông y quận Thanh Khê, người sở hữu hai bài thuốc chữa vô sinh quý hiếm
. Trò chuyện với chúng tôi, ông không ngần ngại chia sẻ: “Trong quá trình làm nghề, tôi tiếp nhận nhiều bài thuốc của các bậc tiền bối.
Thông qua nghiên cứu của chính mình, tôi áp dụng các bài thuốc ấy cho riêng từng người, tùy theo thể trạng, bệnh tình...”.
Ông Khánh bên tủ thuốc của gia đình.
Lương y Khánh cho hay, trong thời đại hiện nay, tình trạng các cặp vợ chồng khó khăn trong việc sinh con ngày càng tăng.
Đó cũng chính là lý do ngoài việc chữa trị các bệnh thông thường, ông chú trọng vào hai bài thuốc chữa trị vô sinh, mong muốn những đóng góp nhỏ bé của mình sẽ giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn có được niềm hạnh phúc làm cha mẹ.
Ông thừa nhận, các bài thuốc của mình không phải là “thuốc tiên”, nên không thể chữa lành cho tất cả mọi người.
Đối với căn bệnh hiếm muộn cũng vậy, khi khám, ông tìm nguyên nhân, do vợ hay chồng rồi kê đơn thuốc phù hợp.
Đối với những trường hợp nhận thấy không thể thành công, ông kiên quyết từ chối, bởi ông không muốn để cho họ kỳ vọng rồi lại thất vọng.
Khi PV hỏi về hai bài thuốc chữa bệnh vô sinh, ông Khánh không chút giấu nghề.
Ông chia sẻ, đối với phụ nữ, ông dùng bài thuốc “Thiểu phúc trục ứ thang”, gồm có tiểu hồi hương, can khương, nguyên hồ mộc dược, xuyên khung, đương quy, quan quế, xích dược, bồ hoàng, ngủ linh chi.
Thang thuốc được nấu với 900ml nước cho đến khi còn khoảng 200ml thì lấy ra dùng, uống hai lần trong một ngày vào lúc đói.
Uống được năm thang thì phải nghỉ. Nếu sau năm thang mà có thai thì ngưng dùng, trường hợp chưa có thai, lại tiếp tục dùng năm thang tiếp theo.
Tuy nhiên, thụ thai không có nghĩa chỉ đơn thuần do người phụ nữ. Nhiều cặp vợ chồng, không có con là do nguyên nhân từ người đàn ông.
Trong các trường hợp cụ thể, ông thường kết hợp cho người chồng uống để bổ thận, tăng tinh trùng, gồm các vị thục địa, sơn thù, sơn dược, đơn bì, phục linh, trạch tả, nhục thung dung, phúc bồn tử, thố tư tử, ngũ vị tử, cao quy bản, phụ tử, nhục quế, ba kích.
Sắc uống ngày một thang, hoặc làm hoàn viên mật. Mỗi ngày uống 20 gram chia làm hai lần.
Lương y Khánh lưu ý, hai bài thuốc trên không phải được dùng giống nhau cho tất cả các trường hợp. Tùy vào bệnh tình, sức khỏe, thể trạng... của từng người mà được áp dụng, gia giảm với lượng khác nhau.
Chẳng hạn, gầy thì cho thêm nhân sâm, dưỡng sinh; kém ăn, khó ngủ thì cho thêm quy tì mới hiệu quả.
Nhiều cặp vợ chồng thỏa ý nguyện
Theo danh sách những bệnh nhân hiếm muộn đã sinh con sau khi được ông Khánh chữa trị, chúng tôi tìm gặp vợ chồng anh Lê Văn Dũng (45 tuổi) và chị Trần Hữu Thanh Phương (41 tuổi, cùng ngụ phường Thạc Gián, quận Thanh Khê).
Anh Dũng không giấu được niềm vui kể lại, năm 2007, hai vợ chồng kết hôn. Chờ đợi mãi, chị Phương vẫn không đậu thai nên hai vợ chồng đi khám thì được bác sỹ cho biết, mình thuộc diện hiếm muộn.
Hy vọng có đứa con bồng bế, anh chị dồn tiền chữa trị nhiều nơi nhưng tình hình vẫn không thay đổi.
Anh chị dồn tiền, tìm đến các bác sỹ Thái Lan để chữa trị, nhưng vẫn lủi thủi ra về khi kết quả không như mong muốn. “Ngày ấy, có lúc, vợ chồng tôi cảm thấy nhụt chí, sợ rằng, suốt đời không thể có con”, anh nói.
Cuối năm 2009, anh được một người bạn giới thiệu đến nhờ ông Khánh chữa trị. Sau khi khám, ông Khánh cho biết sẽ bốc thuốc cho cả hai vợ chồng uống nhưng không dám đảm bảo chữa trị thành công.
Thế nhưng, vợ chồng anh vẫn cứ gieo hy vọng. Năm thang thuốc đầu tiên vẫn không có kết quả. Ông Khánh tiếp tục động viên: “Chữa bệnh này phải kiên nhẫn”.
Vợ chồng anh lại bốc thêm năm thang nữa uống. Sau đó, vợ anh bất ngờ có thai và sinh hạ một cậu con trai.
Đến nay, quý tử của anh tròn 5 tuổi, khá bụ bẫm. Hàng ngày, anh làm thợ máy, vợ làm công nhân, hạnh phúc vui vầy bên con.
Bất ngờ hơn, anh Dũng chia sẻ: “Em gái ruột của tôi cũng được thầy Khánh chữa trị thành công”. Anh kể, em gái anh là Lê Thị Thanh Bình lấy chồng ở TP.HCM.
Sau khi kết hôn, vợ chồng chị Bình đi khám và được biết họ rơi vào trường hợp hiếm muộn. Vợ chồng chị chữa trị nhiều nơi, thậm chí vào bệnh viện Từ Dũ và mất rất nhiều tiền bạc nhưng đều không có kết quả.
Cách đây bốn năm, trong một lần về thăm quê, chị Bình tâm sự chuyện buồn của mình cho anh trai và được anh Dũng giới thiệu đến gặp ông Khánh.
Sau ba tháng uống thuốc theo chỉ dẫn, chị Bình điện thoại thông báo đã mang thai. Cách đây vài tháng, gia đình chị Bình vừa làm lễ sinh nhật cho con trai tròn 3 tuổi.
Một trường hợp khác là cô giáo Trần Thị Hương (phường An Khê, quận Thanh Khê). Khoảng 5 năm trước, nghe tiếng tăm lương y, cô tìm đến chạy chữa mong có được mụn con.
Vợ chồng đã có một đứa con và muốn có thêm đứa nữa để vui cửa vui nhà. Thế nhưng, dù cô mang thai nhiều lần, đến tháng thứ 3, 4 thì lại hỏng.
Sau khi bắt mạch, hỏi rõ ngọn nguồn, ông Khánh bốc đơn thuốc phù hợp cho cô Hương. Cô uống đến thang thứ 10 thì mang thai, sau đó sinh hạ được một cậu con trai kháu khỉnh.
Tự mày mò... thành lương y giỏi
Ông Khánh sinh ra trong một gia đình làm nông ở Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam).
Năm học lớp 3, ông theo chân cha đến nhà một người bác họ chơi. Hình ảnh bác làm nghề y, xem mạch cứ lưu vào tâm trí. Ông tự hứa với lòng: “Sau này, mình cũng sẽ trở thành một thầy thuốc”.
Năm đệ tam (nay là lớp 10), học ở trường Kỹ thuật Đà Nẵng, ông đi mua sách vở thì bắt gặp bộ sách “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” do Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác biên soạn.
Sách gồm lý, pháp, phương, dược và biện chứng luận trị về nội khoa, ngoại khoa, sản phụ khoa... đạo đức y học, vệ sinh phòng bệnh.
Từ đó, cuốn sách trở thành vật “gối đầu giường” của ông. Mỗi khi rảnh, ông lại lấy ra nghiên cứu, say mê học cách nhận biết và chữa trị các bệnh.
Đến năm 1972, nghe tin chùa Tân Long Hưng ở TP.HCM có nhiều y sư chữa bệnh bằng phương pháp châm cứu và chữa bệnh bằng cây cỏ miền Nam hiệu quả, ông liền vào tầm sư học đạo.
Tại đây, ông được cho mượn quyển “Gia viên dược thảo” và “Châm cứu thượng trúc” mang về chép tay trong một tháng.
Ông cũng được chỉ dạy cách châm cứu và dùng thuốc nam chữa trị trong thời gian ngắn. Trong khoảng thời gian này, ông tự mày mò học chữa bệnh ở sách vở.
Nghe nơi nào có lương y giỏi, ông đều tìm đến diện kiến với hy vọng được học hỏi.
Ông may mắn gặp những vị thầy thuốc có y đức, không ngại ngần chia sẻ kinh nghiệm. “Sau này, tôi nương tựa vào y đức của các thầy ấy để làm điểm tựa nghề cho mình”, ông bồi hồi nhớ lại.
Năm 1977, tổ y học dân tộc ở các phường ra đời, ông được đề đạt vào châm cứu chữa bệnh kiêm thư ký tại phường.
Năm sau, ông được cử đi học khóa Thuốc nam châm cứu. Năm 1986, ông được học khóa Bổ túc lương y trẻ do sở Y tế Đà Nẵng tổ chức.
Được thầy dạy các nét cơ bản, bản thân tham khảo sách vở để tay nghề trưởng thành theo năm tháng, mọi cố gắng của ông đã được những người trong nghề công nhận.
Vào năm 2012, ông đã được đề bạt giữ chức Chủ tịch hội Đông y quận Thanh Khê cho đến nay.
Vị lương y có nhiều cống hiến
Đại diện hội Đông y TP. Đà Nẵng cho biết, ông Khánh là một thầy thuốc có tâm và có tài.
Ông có nhiều cống hiến cho sự nghiệp thừa kế phát huy, phát triển nền Đông y tại TP. Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung.
Suốt nhiều năm qua, ông nhận được khá nhiều giấy khen, bằng khen và kỷ niệm chương của Ban chấp hành Trung ương hội Đông y Việt Nam, hội Đông y TP. Đà Nẵng...