“Ông tôi, bố tôi khi trước đều không biết tên gọi chính xác của bệnh là sỏi thận mãi đến khi tôi vào bộ đội, trong thời gian nằm điều trị vết thương, tôi dò hỏi các y tá thì mới biết những biểu hiện của đái buốt, đái ra máu, đái đục là hiện tượng chuẩn bị tích sỏi”, ông Hứa Văn Dụ ở thôn Na Làng, xã Tô Hiệu huyện Bình Gia (Lạng Sơn) tâm sự.
Bài thuốc gia truyền của họ Hứa
Đang loay hoay hỏi đường đến nhà ông lang Dụ, chúng tôi được bác Lý Văn Chanh người cùng thôn hỏi ngay “Đến chữa sỏi thận phải không?”. Không chờ câu trả lời, bác Chanh cười thân mật chia sẻ: “Bác cách đây chục năm cũng bị sỏi thận phải nhờ đến thuốc của ông Dụ mới chữa khỏi. Chỉ vài thang thôi nhưng hiệu quả lắm”, nói rồi bác nhiệt tình dẫn chúng tôi đến tận nơi.
Người lính già Hứa Văn Dụ đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn kể lại: “Tôi trước là lính của đơn vị 308 Bảo vệ thủ đô, năm 1972 bị thương ở Quảng Trị. Cũng trong năm đấy, tôi xuất ngũ về nhà. Lúc bấy giờ bố tôi đã ngoài 80 tuổi, ông không thể tự mình leo núi tìm cây thuốc được nữa”. Nhưng thời gian đầu truyền nghề lại cho con, ông cụ vẫn cố gắng lên rừng hướng dẫn ông Dụ nhận biết các cây thuốc cần thiết cho việc trị bệnh. Sau đó, mỗi ngày cụ chỉ sai ông Dụ lên tìm đúng một cây thuốc và nửa năm sau ông Dụ đã thành thạo việc tìm nguyên liệu. Ông cười vui vẻ: “Tôi đang truyền nghề cho thằng con trai lớn, tính ra bài thuốc nhà tôi đã sang đời thứ tư rồi đấy”. Chỉ vào đứa cháu nội mới 13 tuổi vừa đi học về ông còn vui hơn: “Nó cũng đã biết phân biệt cây thuốc nhưng còn ham chơi lắm chưa truyền nghề được, thỉnh thoảng khách qua nhà lấy thuốc nó cũng biết lấy giúp tôi rồi”.
Ông Dụ nói thêm: “Trước đây, cả ông và bố tôi đều không biết tên gọi chính xác của bệnh là sỏi thận. Thấy người làng thường xuyên mắc phải bệnh có triệu chứng như đái buốt, đái ra máu mà không được chữa trị do ở quá xa trung tâm y tế huyện, ông nội tôi đã tự mày mò tìm hiểu ra bài thuốc gia truyền chữa sỏi thận hiện nay. Mãi đến khi vào bộ đội, trong thời gian nằm điều trị vết thương, tôi dò hỏi các y tá thì mới biết những biểu hiện trên là hiện tượng chuẩn bị tích sỏi”.
Bài thuốc nam hiệu quả
Một thang thuốc ông Dụ bốc có 12 vị chia làm 3 gói nhỏ uống trong 8 ngày. Trước kia, khi chưa có phim chụp ở bệnh viện thì ông bắt bệnh bằng kinh nghiệm của cha ông truyền lại: “Nếu chỉ đi đái buốt, đái rát là bệnh mới chớm, viên sỏi chưa to, nếu bệnh lan ra đau lưng, đau dưới rốn hoặc đau cả háng là bệnh nặng lắm rồi”. Theo ông, bệnh nhân sỏi nhỏ dưới 1cm thì uống ít nhất 1 thang thuốc là sỏi tan ra, lớn hơn 1cm thì uống 5 - 6 thang là hết bệnh. Điều cơ bản cho việc điều trị sỏi thận là trong thời gian uống thuốc cần phải kiêng rượu bia, ăn cá, ngan, ngỗng.
Hiện tại, ông Dụ đã 74 tuổi, trong người còn nhiều mảnh đạn khiến cơ thể thường xuyên đau nhức vào những ngày trái gió trở trời nên ông chỉ ở nhà bốc thuốc. Hầu như ngày nào cũng có người đến lấy nhưng cây thuốc thì ngày một ít đi. Trước kia, ông Dụ chỉ cần quanh quẩn mấy quả núi trước nhà cũng đủ thuốc bốc cho mọi người, nhưng mấy năm trở lại đây khó khăn hơn nhiều. Vì vậy, ông thường huy động con cái lúc rảnh rỗi lên rừng tìm thuốc. Bởi thế, trong nhà ông ai cũng biết ít nhiều đến các vị thuốc cần có cho việc chữa sỏi thận. Ông luôn dặn người nhà, khi hái cây thuốc thì cần phải để lại một hai rễ cho nó phát triển tiếp. “Thuốc khó tìm, có vị phải đi mua nên tôi bán hơi đắt, 120 nghìn đồng/thang”, ông Dụ thật thà tâm sự.
Được biết, ở vùng núi Lạng Sơn này toàn núi đá vôi nên số lượng người mắc bệnh sỏi thận nhiều. Có trường hợp ở dưới Bình Gia, bệnh nặng tới mức sỏi nằm ở dây cầu thận, lúc bệnh nhân phát hiện ra viên sỏi đã dài tới 6cm, uống thuốc ông Dụ bốc một thời gian sau đã đẩy được viên sỏi ra to như hột trám. Ông Dụ tự hào khi những bệnh nhân ở xa như trong Đắc Nông hay gần hơn là Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội… cũng đến nhà ông lấy thuốc.