Giữa những ngày hè bỏng rát, ngôi nhà của lương y Nguyễn Đức Hai dường như càng chật chội, oi bức thêm bởi hầu hết chỗ trống đều dành để các bao tải đựng các loại lá thuốc quý ông tìm mua và đặt về từ khắp nơi chiếm dụng.
Lương y, thầy thuốc Nguyễn Đức Hai (Ảnh: Kỳ Phi).
Phòng bên ngoài chỉ đủ kê một chiếc bàn để ông khám bệnh và một chiếc ghế dài dành cho bệnh nhân ngồi. Bước vào không gian ấy, chúng tôi không thể tin nổi đó lại là nơi sinh hoạt và bốc thuốc cứu người của vị lương y đang sở hữu bài thuốc gia truyền hỗ trợ điều trị ung thư nổi tiếng. Như nhận thấy sự ngạc nhiên của tôi, ông Nguyễn Đức Hai lý giải “Có ai làm giàu được từ nghề làm thuốc này đâu”.
Cha là... “chuột bạch”
Cha của thầy thuốc Nguyễn Đức Hai là cụ lương y Hân, nguyên là Trưởng khoa Đông y Bệnh viện Việt Trì và Chủ tịch Hội Đông y Vĩnh Phú (cũ). Năm 2004, cụ Hân bị tai biến mạch máu não cấp cứu ở Bệnh viện Việt Trì, lương y Nguyễn Đức Hai đã dùng phương thuốc Đông y, kết hợp với Tây y, chữa trị cho cụ, sau ít ngày thì cụ tự đạp xe về nhà.
Đến năm 2006, 2 lần liền, cụ lại có những triệu chứng như lần tai biến trước. Thấy triệu chứng như vậy, lương y Đức Hai mới bắt mạch cho cha thì phát hiện thấy 2 phổi của cụ có 2 khối u khá lớn. Lương y Hai đưa cha đi chụp cắt lớp (năm 2004, chụp cắt lớp là một dịch vụ rất xa xỉ) thì kết quả đúng như bắt mạch. Hai cha con vội vàng đưa nhau xuống khoa ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai điều trị.
Nhận định về trường hợp của cụ Hân, bác sĩ nhận định, chỉ tia xạ cho cụ đến lần thứ 5 thì cụ sẽ ra đi, cụ có thể đi trước Tết (lúc đó là giữa tháng 10 âm) bởi bệnh tình cụ nặng đến mức đã làm cụ bị lẫn. Mỗi lần vào nhà vệ sinh là thể nào khi ra ngoài, cụ sẽ quên mất việc mặc quần áo.
Xác định “không còn gì để mất”, lương y Hai đưa bố về nhà chữa xem có kéo dài được không. Thời điểm ấy, ông nghỉ ở nhà trông bố, cứ lúc nào có thời gian là ông lại đọc sách, tối chong đèn mày mò không thiếu loại sách nào để tìm ra phương thuốc cải thiện sức khỏe cho bố. Một tia sáng lóe lên khi ông tự phân tích “truyền hóa chất trong Tây y hiện nay đang là lấy độc trị độc”. Ngay lập tức, ông cũng áp dụng thuyết lấy độc trị độc trong việc tìm ra phương thuốc cứu bố.
Ông quyết định dùng cam toại, đại kích và nguyên hoa (với tỉ lệ rất thấp so với các vị thuốc khác) kết hợp với nhau để thăm dò. Ban đầu, ông chỉ sắc thuốc trong chiếc ấm rất nhỏ, rồi tự mình nếm thử 1-2 thìa và nghe ngóng cơ thể. Thấy không có hiện tượng gì, hôm sau ông lại tăng lượng thử lên 5 thìa, 10 thìa, rồi nửa cốc. Đến khi uống hết cả một cốc mà không thấy có hiện tượng gì xấu, ông mới bắt đầu cho bố uống với liều lượng ít một vì sức đề kháng của cụ lúc ấy vẫn còn rất yếu.
Bên cạnh các vị thuốc cấm kết hợp với nhau như vậy, bài thuốc của ông còn bao gồm một số vị thuốc khác như thổ phục, đẳng sâm, nếu chữa u phổi thì có thêm hắc quế (chuyên chữa viêm đường tủy), nhân trần, trần bì, ngũ vị (đặc biệt với vị thuốc này người thầy lang phải biết tẩm với muối để có thể kéo khí về chân thận, giúp hắc quế làm tốt vai trò thông từ thận nên não), cát cánh, thạch xương bồ... Bài thuốc có khoảng 14-15 vị, nhưng ông tùy vào loại u gan, u thận hay u phổi để thêm vị thuốc và pha trộn tỉ lệ cho thích hợp.
Không ngờ, cụ lang Hân uống được 15 ngày thì bắt đầu có tiến triển. Cụ đã có ý thức trở lại, tự rót thuốc từ ấm ra để uống. Sau 1 tháng, da dẻ cụ hồng hào dần và ăn uống tốt hơn. Khi bệnh tình ổn định, cụ Hân đòi về Việt Trì. Từ thời điểm ấy, cứ cuối tuần, ông Nguyễn Đức Hai lại cho những túi thuốc đã được sắc sẵn vào bao mang về cho bố uống. Sau 8 tháng uống thuốc của con trai, cụ Hân vào Bệnh viện Việt Trì làm xét nghiệm sinh thiết, kết quả không còn thấy khối u nữa.
Ông Hai khẳng định: “Trong suốt quá trình nghiên cứu ra bài thuốc này, tôi có niềm tin sẽ chữa được bệnh ung thư, vấn đề chỉ còn là tỉ lệ kết hợp giữa các vị thuốc cấm ấy với nhau thôi, đấy chính là mấu chốt quyết định sự thành công của bài thuốc, bởi nếu tỉ lệ ấy chỉ chênh lệch ít nhiều thôi, thì sẽ không thành công”.
Lương y Nguyễn Đức Hai đang khám bệnh (Ảnh: Kỳ Phi).
Những câu chuyện lạ... trong phòng khám
Ông Hai bảo, trong số các bệnh nhân, ông nhớ nhất ông Lê Văn Hồng (Công ty Xăng dầu Điện Biên). Ông Hồng được các bệnh viện chuẩn đoán có u não, nằm giữa não nên các bệnh viện bó tay, không thể mổ được. Ông tìm đến phòng khám của lương y Hai, sau khi bắt mạch, lương y kết luận u phổi di căn lên não. Gia đình lấy thuốc về uống theo chỉ định.
Do buồn chán vì bệnh hiểm nghèo, ông Hồng uống gần gấp 3 lần chỉ định với ý định “uống cho chết sớm” đi. Uống được vài tháng thì người nhà ông Hồng nhắn tin cho biết “ông Hồng đã khỏe hơn nhiều, ăn uống tốt”. Kể đến đây, ông Hai lại cười: “Đấy, nó kỳ lạ vậy đấy, có người muốn uống cho chết đi thì lại sống. Nhưng phải nói thực với nhau rằng, bệnh nhân ung thư có bệnh thì vái tứ phương, đến khi có tiến triển thì cũng không thể biết đích xác khỏi nhờ bài thuốc nào”.
Một trường hợp khác là ông Phạm Văn Tĩnh, 50 tuổi (Yên Thành, Nghệ An) có u lồi ngay hai bên cổ, đau ăn không nuốt được. Ông Tĩnh đã nộp tiền để điều trị theo phương pháp Tây y ở bệnh viên K, nhưng lại bỏ vì thấy nhiều bệnh nhân đã mổ, truyền hóa chất nhưng không mang lại kết quả gì.
Ông Tĩnh có kể lại, anh trai ông đã chết vì u, chị gái Phạm Thị Thành ung thư vòm họng, di căn phổi phải và gan, đã chữa đủ cả đông tây y kết hợp trong khoảng 5 năm nhưng vẫn rất yếu. Ông Tĩnh quyết định theo phương pháp chữa Đông y. Ông uống được 2 tháng thì thông báo một khối u một bên cổ đã biến mất, khối u còn lại sau 4 tháng sinh thiết thì cho ra kết quả lành tính. Và uống xong thuốc tháng thứ 5, thì ông Tĩnh đã sang Lào làm việc bình thường.
Không chỉ là những câu chuyện của bệnh nhân, ở phòng khám Đông y này còn nhiều chuyện lạ nữa, qua những cuốn sổ của thầy thuốc Nguyễn Đức Hai. Dở vài quyển sổ ghi chép bệnh án của bệnh nhân trên bàn, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi bắt gặp những dòng chữ “còn nợ 1,2 triệu đồng” hoặc “còn nợ 500.000 đồng”, có những trang bệnh án có dòng ghi nợ ngay từ lần đầu tiên đến khám.
Đôi khi là những dòng ghi chú “bệnh nhân uống thuốc bị say nên trả lại”, bên cạnh là dòng chữ “đã nhận lại đủ tiền” và chữ ký của bệnh nhân; Cũng có trường hợp, bệnh nhân mới lấy thuốc thì ra đi, ông vẫn nhận lại số thuốc của họ và trả lại số tiền mà họ chưa kịp dùng đến.
Những câu chuyện trên đây được PV báo GĐ&XH Cuối tuần ghi lại tại phòng khám của lương y Nguyễn Đức Hai. Tuy nhiên, bài thuốc hỗ trợ điều trị ung thư hiệu quả mà ông nắm giữ, thì đến giờ vẫn chưa được kiểm nghiệm khoa học một cách nghiêm túc.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng nên sớm vào cuộc. Nếu bài thuốc của lương y Nguyễn Đức Hai công hiệu đúng như thực tế, thì rất đáng để phổ biến, nhân rộng cho các bệnh nhân nan y. Còn nếu không, kết luận từ cơ quan điều tra sẽ giúp chấm dứt những tin đồn, lời rỉ tai nhau ngày càng nhiều của các bệnh nhân xung quanh vị lương y này.
Khoa học thế giới cũng bàn đến vị thuốc thạch xương bồ
Trao đổi cùng PV báo GĐ&XH Cuối tuần, tiến sĩ, lương y Nguyễn Hoàng, nguyên giảng viên khoa Dược liệu, Đại học Dược Hà Nội cho rằng:
“Theo y văn cổ, đúng là cam toại, đại kích, nguyên hoa là những vị thuốc cấm, không được dùng với nhau nhưng nếu dùng với tỉ lệ rất thấp thì sẽ không gây ra nguy hiểm gì. Thực ra, tôi chưa thử kết hợp bao giờ nên không dám nói là chữa được hay không được.
Tuy nhiên, gần đây y học thế giới đang bàn đến vị thuốc thạch xương bồ mà vị lương y đã dùng trong bài thuốc, vì trong vị thuốc ấy có chất beta azaron, là một thành phần gây ung thư. Có thể, vị lương y đã kết hợp lấy độc trị độc ở đây chăng? Hơn nữa, vị thuốc cát cánh có tác dụng tán kết, cũng có thể là nhờ tác dụng tán kết này mà làm tan dần các khối u trong cơ thể".