Gần 60 năm trăn trở với nghề bốc thuốc, ông Nam đã tích lũy được kho kiến thức khổng lồ về các loại bệnh lý cũng như cách thức chữa bệnh đơn giản mà hiệu quả. Gặp gỡ PV báo GĐ&XH Cuối tuần, ông tâm đắc chia sẻ về bài thuốc thấp khớp với những dược vị rất phổ biến.
Lương y Trần Hữu Nam luôn thăm hỏi và hướng dẫn tận tình cho các bệnh nhân. Ảnh TG
Tâm niệm với nghề y
Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi được gặp gỡ ông là hình ảnh về một vị lương y tận tụy với nghề và hết lòng vì người bệnh. Những bệnh nhân tới đây đều được ông thăm hỏi và hướng dẫn rất tận tình. Hiện tại, lương y Nam đang là Phó chủ tịch Hội Đông y thành phố Đà Nẵng. Tâm sự với người viết, ông Nam chia sẻ: “Trên giấy tờ thì năm nay tôi mới 75 tuổi. Song tuổi đời thật của tôi đã bước qua con số 80. Tính đến thời điểm hiện tại thì tôi đã có 60 năm gắn bó với nghề thầy thuốc Đông y. Sau khi tốt nghiệp ngành Y học cổ truyền ở trường Đại học y dược TP Hồ Chí Minh, tôi đã trở về làm việc tại bệnh viện Y học cổ truyền TP Đà Nẵng”.
Với nghề thầy thuốc, ông luôn tâm niệm làm sao có thể cứu chữa được nhiều bệnh nhân. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của lương y gắn bó với nghiệp trị bệnh cứu người. Ông Nam cho biết “Hiện nay có 1 số người xấu đang lợi dụng lòng tin và sự thiếu hiểu biết của bệnh nhân rồi tự xưng là thầy thuốc có thể chữa trị được bệnh theo những phương pháp hết sức vô lý. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến uy tín của những người hành nghề y mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng của những người bệnh nhẹ dạ cả tin. Từ xưa tới nay, tôi luôn đặt 3 yếu tố là tính dân tộc, tính khoa học và tính đại chúng lên hàng đầu trước khi nghiên cứu ra các bài thuốc trị bệnh mới. Có như vậy thì hiệu quả trị bệnh mới được nâng cao. Các vị thuốc của tôi dù đơn giản hay phức tạp đều xuất phát từ quan niệm này mà thành”.
Bài thuốc dễ kiếm, dễ dùng
Cây Hy Thiêm ( Cây bách bệnh )
Nói về bệnh thấp khớp, lương y Trần Hữu Nam cho biết, hiện nay chứng bệnh này vô cùng phổ biến. Cứ 10 người thì có 8, 9 người mắc bệnh. Song tùy vào mức độ nặng nhẹ, người bệnh có thể không nhận biết được hoặc khi biết thì bệnh đã biến chứng, rất khó điều trị. Khi bị thấp khớp, dấu hiệu rõ rệt nhất người bệnh cảm nhận được là đau lưng, nhức mỏi, tê nhức chân tay.
Về sau, khi tuổi tác càng cao thì biểu hiện của bệnh ngày càng rõ ràng hơn. Người mắc bệnh sẽ cảm thấy mọi cử động đều khó khăn. Cho đến khi tìm hiểu ra thì họ mới biết đã mắc chứng bệnh này từ rất lâu. “Về cơ bản, bệnh thấp khớp không nguy hiểm đến tính mạng nhưng một khi đã mắc thì sức khỏe của chúng ta bị ảnh hưởng rất lớn. Nếu chúng ta không để ý và chữa trị thì về sau có thể cảm nhận được những tác hại ghê ghớm của bệnh này gây ra. Từ một người khỏe mạnh bình thường, bỗng nhiên càng ngày chúng ta càng cảm thấy chân tay và xương cốt yếu đi.
Về nguyên nhân gây ra bệnh thấp khớp, vị lương y chia sẻ, chứng bệnh này theo Đông y là do phong, thấp, hàn còn gọi là “tam tý chứng” gây nên. Nếu xét về bình diện chữa trị giữa Tây y và Đông y thì phương pháp chữa trị Đông y sẽ có hiệu quả tích cực hơn. Tuy vậy, nếu không có cách trị và những bài thuốc hợp lý thì chữa trị bằng Đông y cũng gặp rất nhiều khó khăn. Căn bệnh có thể sẽ không được trị dứt điểm. Sau nhiều năm tìm tòi và nghiên cứu, ông Nam đã tìm ra được một phương pháp trị bệnh rất hiệu quả nhưng lại vô cùng đơn giản. Đó là sự kết hợp từ những loại cây dễ kiếm trong tự nhiên nhưng tác dụng rất rõ ràng. Sau khi dùng thuốc, bệnh có thể dứt hẳn sau một thời gian ngắn và không để lại bất cứ một di chứng nào. Theo đó, bài thuốc này gồm có 3 loại dược liệu cơ bản: thứ nhất là cây Bạch phấn đàn mà dân gian thường gọi là dây đau xương (loại này mọc rất nhiều ở các vùng quê); thứ hai là cây Huy thiêm (tên gọi thường dùng là cây bách bệnh, lấy cả cây lẫn rễ); cuối cùng là cây Trinh nữ căn (cây ngủ ngày). Cả ba loại cây này đem rửa sạch, phơi khô rồi cắt ra sao với rượu. Sau khi đã hoàn thành các bước trên, chúng ta lấy ra mỗi loại 100g trộn lẫn với nhau đồng thời cắt thêm 5 lát gừng tươi mỏng để vào trong ấm sắc theo phương pháp: nước thứ nhất 3 chén lấy 1 chén. Nước thứ 2 sắc 3 chén lấy nửa chén, sau đó hòa với 1 ly rượu. Người bệnh uống một ngày 3 lần, duy trì liên tục trong một thời gian thì ắt hẳn bệnh sẽ không còn.
Ông Nam cho biết, có rất nhiều trường hợp tìm đến hỏi ông về bệnh này và ông đã hướng dẫn họ về tự bào chế thuốc. Tỷ lệ khỏi bệnh lên đến trên 95%. Thời gian trị liệu thường không kéo dài. Tùy theo mức độ nặng nhẹ nhưng trường hợp cao nhất cũng không quá một tháng là khỏi. Hơn nữa khi dùng thuốc Nam, người bệnh phải kiên trì trị liệu một cách liên tục mới có kết quả: “Dược liệu của phương thuốc này hoàn toàn là các loại cây dễ tìm lại không có bất kỳ một tác dụng phụ nào. Vì thế, người dùng có thể yên tâm trong việc ăn uống mà không cần phải lo kiêng cữ gì. Tôi chỉ yêu cầu là người dùng phải uống thuốc thường xuyên theo hướng dẫn. Đây là một phương pháp trị bệnh mà hiệu quả của nó đã được kiểm nghiệm thực tế. Chính vì hiệu quả cũng như nguyên liệu đơn giản, bài thuốc này của tôi đã được Bộ Y tế trao giải thưởng về các bài thuốc hay của Việt Nam”, lương y Trần Hữu Nam chia sẻ.