Ngôi nhà sàn mộc mạc, cũ mèm của gia đình bà lang Bùi Thị Tiến nằm sâu trong xóm Lồ (Tân Lạc, Hòa Bình), xung quanh nhà được bao bọc bởi khu vườn rậm rạp. Nhìn khu vườn ấy, những người lần đầu đặt chân đến đây không ai tưởng tưởng nổi trong đó đều là cây thuốc quí mà bà đã cất công chăm sóc từ mấy chục năm nay.
Mế Tiến đang trộn các loại dược liệu để bốc thuốc.
Mế Tiến tự hào rằng, nhờ những cây thuốc có trong vườn đã giúp “cải tử hoàn sinh” cho hàng trăm người mắc bệnh hạch, viêm phổi mãn tính và cả xơ gan cổ trướng.
Tám đời bốc thuốc cứu người
Nỗi trăn trở của thầy lang xứ Mường
“Hiện nay, những loại thảo dược quí chữa bệnh ung thư ở khu vực Hòa Bình, Thanh Hóa, Sơn La đang cạn kiệt vì bị khai thác quá mức. Mỗi khi đi hái thuốc, tôi phải lặn lội đến tận những vùng núi xa xôi ở Thanh Hóa, Sơn La mới có thuốc, nếu tôi không đi được thì phải nhờ người dân địa phương hái thuốc giúp rồi tôi mua lại với giá khoảng 50 – 100 ngàn một yến thuốc khô”, mế Tiến cho biết.
Những con đường dốc ngoằn nghèo, lầy lội vì cơn mưa nặng hạt xối xả không thể ngăn chúng tôi băng rừng tìm đến căn nhà sàn nằm sâu trong bản người Mường. Trước khi khăn gói lên đây, chúng tôi đã được nghe kể rất nhiều câu chuyện, thậm chí được nâng tầm thành giai thoại, về tài bốc thuốc chữa bệnh của mế Tiến xứ Mường.
Đồng hành bên cạnh trên con đường đặc quánh vì bùn cuộn lên bánh xe máy nặng trĩu, một thanh niên xóm Lồ chỉ cho chúng tôi hướng về ngôi nhà sàn. Giữa cơn mưa xối xả, nhưng ngôi nhà nhỏ vẫn ồn ã tiếng người. Chàng thanh niên người Mường bảo: “Đó là nhà mế Tiến. Ngày nào, nhà mế cũng có đông khách đến bốc thuốc nên lúc nào cũng có tiếng người ồn ào”.
Nói rồi, anh thanh niên quay đầu xe phi mất hút trong mịt mùng mưa đổ và tôi chẳng kịp cảm ơn.
Thấy chúng tôi, mế Tiến đem chiếc ô ra đầu cổng đón vào nhà. Lúc này trong nhà mế Tiến cũng có 4 người đã vượt hàng trăm cây số từ Sơn La đến để xin thuốc chữa viêm phổi mãn tính. Đôi tay thoăn thoắt phân loại, gói ghém, mế Tiến bảo chúng tôi kiên nhẫn chờ đợi để xử lý xong cho từng người ở xa kịp lấy thuốc mang về.
Mãi khi người bệnh đã đi hết, mế mới trở lại ngồi cùng chúng tôi. Rót bát nước lá rừng mời khách rồi mế mở lời: “Các chú thấy đấy! Ngày nào nhà tôi cũng có người đến xin thuốc, mà mấy hôm nay trời mưa không phơi được thuốc, thành thử nhiều người đến không có thuốc lại phải ra về, thấy mà tội nghiệp”.
Dẫn chúng tôi đến một đống thuốc đang phơi dở, mế Tiến tự hào kể cho chúng tôi nghe về cái nghiệp thầy lang truyền đời của gia đình: “Gia đình tôi đã 8 đời làm thầy lang. Ngày xưa, hễ có ai đau ốm đến kêu cứu thì các cụ lại ra tay lấy thuốc cứu người, khi chữa khỏi bệnh, người ta tạ ơn bằng cách đem đến một cái đùi lợn, đùm xôi, con gà. Nhà nào nghèo không có thì chỉ cần một lời cảm ơn là được. Ở xứ Mường này, nghề thầy lang được rất nhiều người kính trọng, khi ra đường từ người già đến trẻ nhỏ đều cúi phải kính cẩn chào hỏi”.
Vì nghề thầy lang phải đề cao danh dự nên từ tám đời nay, dòng họ mế Tiến có một nguyên tắc chọn người kế nghiệp rất công phu, khắc nghiệt. Thầy lang sẽ chọn ra 10 người rồi tổ chức một khóa học cấp tốc trong vòng 3 ngày, mỗi ngày thầy lang sẽ truyền dạy 3 – 4 bài thuốc. Sau 3 ngày, thầy lang sẽ tổ chức một cuộc thi cấp tốc để chọn ra một người duy nhất được kế nghiệp mình.
Cuộc thi cấp tốc diễn ra trong vỏn vẹn chỉ 1 ngày. Các “thí sinh” phải tự lên rừng lùng tìm cây thuốc đã được dạy, đồng thời phải chỉ rõ công dụng, cách chữa bệnh của mỗi cây thuốc, người nào nhớ được nhiều bài thuốc nhất thì sẽ chiến thắng. Ngoài trí nhớ tốt, người kế nghiệp thầy lang phải có lòng từ bi, thương người, nhanh nhẹn, sáng dạ... Nếu người nào đạt được tất cả các tiêu chí do thầy lang đề ra thì sẽ là người kế nghiệp chính thức và được thầy lang kèm cặp trong vòng 10 năm nữa.
Mế Tiến cho biết: “Sau cuộc thi chớp nhoáng 3 ngày, tôi được chọn làm người kế nghiệp thầy lang của dòng họ. Cả chục năm sau đó, tôi lại phải tiếp tục học hỏi và nhớ được hàng trăm cây thuốc cũng như cách trộn, pha chế các loại cây thuốc với nhau sao cho đảm bảo tác dụng chữa bệnh tốt nhất”.
Ông Phiền đã không còn đau gan và căng bụng như cách đây vài tháng.
Đặc trị ba loại bệnh nan y
Dẫn chúng tôi ra khu vườn thuốc, mế Tiến hái từng lá của từng loại cây và kể về công dụng của từng loại, như cây bỏng thì chữa hạch, cây xạ đen hỗ trợ chữa ung thư, cây bảy lá một hoa, chín lá một hoa chữa viêm phổi...
Mế Tiến cho biết: “Tôi không nhớ rõ mình đã chữa bệnh cho bao nhiêu người, cũng không biết là bài thuốc của tôi có chữa khỏi được cho 100% các bệnh nhân viêm phổi mãn tính, xơ gan, hạch… hay không vì tôi không theo dõi tình hình bệnh tật của họ thường xuyên được. Nhưng mỗi ngày, tôi đều nhận được hàng chục tin nhắn của người bệnh nhắn tin thông báo là đã khỏi bệnh, hoặc đỡ đau hơn so với trước khi uống thuốc...”.
Lần theo những địa chỉ mà bà Tiến cung cấp, chúng tôi tìm đến nhà ông Bùi Văn Phiền ở xóm Lồ, xã Phong Phú. Ông Phiền là người vừa bị bệnh hạch vừa bị xơ gan cổ trướng giai đoạn cuối.
Gặp chúng tôi, ông Phiền cho biết: “Khoảng tháng 2/2012, tôi bị đau gan, bụng chướng lên như người chửa đẻ, cơ thể mệt mỏi, chán ăn và sốt liên miên. Thấy chuyện chẳng lành, gia đình đưa tôi đi bệnh viện khám. Các bác sĩ kết luận là tôi bị xơ gan giai đoạn cuối. Ngoài bệnh xơ gan cổ trướng, tôi còn bị bệnh hạch. Không hiểu sao khắp người tôi bỗng dưng nổi những cái u to như mắt trâu ở khắp cơ thể, đặc biệt là nách, cổ, khuỷu tay, những u đó đau nhức ngày đêm”.
Vì bi quan, ông Phiền đòi các con cho về nhà và chuẩn bị tinh thần… “một hai tháng nữa là về nơi chín suối”. Nhưng vợ và các con ông nhìn thấy tình cảnh đó thì không đành lòng. Họ vẫn chạy đôn đáo khắp nơi tìm phương thuốc hữu hiệu chữa chạy. Chợt nhớ đến mế Tiến, gia đình ông bèn tìm đến xin thuốc chữa hạch.
“Chiều lòng vợ, con tôi cũng uống thuốc vậy chứ chẳng có hy vọng sống nữa. Nhưng không ngờ sau một tuần uống thuốc, tôi thấy không những hạch tan ra mà gan cũng đỡ đau hơn. Tôi kiên trì uống thuốc đến tháng thứ hai thì bụng xẹp dần và ăn được cơm, đến tháng thứ ba thì bụng xẹp hẳn và gan không còn đau như trước đây nữa. Riêng về bệnh hạch thì sau hơn hai tháng vừa uống vừa đắp thuốc, các u, hạch phân hủy và chuyển thành dạng mủ rồi vỡ ra. Đến nay, các hạch trên người tôi đã khỏi hẳn”, ông Phiền nói bằng giọng hồ hởi, rồi không ngại ngần cởi phăng áo ra cho chúng tôi xem.
Những vết sẹo ngang dọc khắp cơ thể đang lên da non, nom sắc diện ông cũng hồng hào khỏe mạnh. Nhìn ông, không ai nghĩ ông là người đã từng bị bệnh gan giai đoạn cuối.
Nói về bài thuốc chữa bệnh có một không hai này, mế Tiến thành thật: “Đó là những thứ lá chữa bỏng, mụn nhọt truyền thống của người Mường, như là đinh lăng, tóp tép... Khi chữa cho ông Phiền, tôi đã trộn lẫn mấy cây thuốc có thể hỗ trợ chữa ung thư vào như xạ đen, ngọn chè, lá quế..., không ngờ ông Phiền lại khỏi cả bệnh xơ gan cổ trướng. Trước đây, tôi chỉ chữa viêm phổi, ung thư phổi chứ đã chữa xơ gan bao giờ đâu. Đó là sự may mắn không chỉ của ông Phiền mà cả chính bản thân tôi nữa, khi phát hiện ra bài thuốc này đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều người bị bệnh xơ gan được chữa khỏi”.
Vết sẹo chi chít trên người ông Phiền sau khi những u, hạch được chữa khỏi.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Phong Phú cho biết:
“Hơn 30 năm nay, mế Tiến vẫn cần mẫn bốc thuốc chữa bệnh cho dân làng. Nhưng việc mế Tiến có chữa khỏi bệnh hiểm nghèo như ung thư hay không, thì xã không biết vì chưa thể kiểm nghiệm được”.
Ông Bình cũng nói thêm rằng xã lâu nay không mấy để ý đến hoạt động bốc thuốc của mế Tiến. Thiết nghĩ, với những gì đã tai nghe, mắt thấy về tâm huyết và những bài thuốc có công hiệu thần kỳ của mế Tiến, các cơ quan chuyên môn địa phương nên sớm vào cuộc thẩm định lại.
Nếu quả thật những bài thuốc của mế Tiến công hiệu như vậy, thì những người bị bệnh xơ gan cổ trướng, như ông Phiền, chắc chắn có thêm một địa chỉ tin cậy để vượt qua bệnh tật.