Ăn trầu kèm thuốc lào: Tăng nguy cơ ung thư miệng gấp 3 lần

Ăn trầu có khả năng gây ung thư khoang miệng và nguy cơ này sẽ cao gấp 3 lần nếu cho thêm thuốc lào”, PGS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội phòng chống ung thư Việt Nam cho hay.

Một trong 3 nguyên nhân chính gây ung thư miệng

Ăn trầu là một thói quen có từ xưa, hiện còn phổ biến ở những người cao tuổi. Thành phần của miếng trầu gồm lá trầu không, quả cau và rễ cây hoặc vỏ cây chay, vôi tôi. Một số nơi còn có thói quen cho thêm thuốc lào vào miếng trầu.

Theo nghiên cứu tại Đài Loan (một trong những nơi có tỷ lệ người ăn trầu nhiều nhất thế giới) mỗi năm có khoảng 4.700 người mắc bệnh ung thư vòm họng, trong đó 80% bệnh nhân có thói quen ăn trầu cau.

Báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu ung thư Quốc tế (International Agency for Research on Cancer – IARC) cho thấy, ăn trầu làm tăng tỷ lệ ung thư miệng gấp 8,4 lần, nếu ăn kèm với thuốc lào tỷ lệ này sẽ cao hơn nữa.

Bạn không nên lạm dụng ăn trầu cau mà quên việc vệ sinh răng miệng. Ảnh minh họa

Thông tin này khiến nhiều người lo lắng. Song không ít người cho rằng, đã ăn trầu mấy chục năm mà không ảnh hưởng gì, răng lại chắc khỏe.

Đứng về phương diện khoa học, PGS.TS Nguyễn Bá Đức – Phó Chủ tịch Hội phòng chống ung thư Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện K cho biết, không phải ai ăn trầu cũng bị ung thư.

Việc có mắc bệnh hay không còn tùy thuộc vào cơ địa của từng người và nhiều yếu tố khác. Nhưng ăn trầu cau sẽ phát sinh nhiều bệnh tật không thể lường trước được, trong đó có bệnh ung thư miệng.

Ung thư miệng là loại u ác tính xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trong miệng: Môi, lưỡi, lợi, vòm, sàn miệng, niêm mạc bên trong má…

Ở nước ta chưa có số liệu rõ ràng về ung thư môi, miệng do thói quen ăn trầu gây ra nhưng các tài liệu ung thư quốc tế thì đã chứng minh rõ mối liên hệ giữa hai yếu tố này.

Ăn trầu là nguyên nhân chỉ đứng sau nghiện rượu và thuốc lá dẫn tới bệnh ung thư miệng - một trong 10 loại ung thư thường gặp. Đặc biệt, những người ăn trầu cho thêm thuốc lào có nguy cơ bị ung thư cao gấp 3 lần người chỉ ăn trầu têm vôi.

“Khi người ăn trầu nhai, do tác dụng trực tiếp của miếng trầu hoặc do cọ xát của miếng trầu trong lúc nhai khiến niêm mạc có thể bị tổn thương. Niêm mạc miệng bị bỏng, tróc vảy ở lớp thượng bì hay có những vết trầy xước”, PGS.TS Nguyễn Bá Đức cho hay.

Đồng quan điểm, BS Võ Trương Như Ngọc (Trường ĐH Răng Hàm Mặt) cho biết, ăn trầu là một thói quen văn hóa, tập tục của từng dân tộc.

Thói quen ăn trầu với thuốc lào có thể đem đến những tác hại rất nguy hiểm. Bản thân chỉ lá trầu không nguy hiểm, ung thư miệng thường là hậu quả của sự kết hợp giữa cau, trầu, vôi và thuốc rê.

Về tác dụng chắc răng của việc ăn trầu, BS Trần Thuấn – Trưởng khoa Đông y (BV Xanh Pôn) cho biết: Lá trầu, quả cau đều là vị thuốc có tác dụng chữa bệnh riêng trong Đông y.

Bản thân các thành phần có trong miếng trầu có tính diệt khuẩn cao nên đa phần người ăn trầu không bị sâu, răng chắc hơn. Lá trầu không có vị cay, tính ấm, có tác dụng trừ phong thấp, sát khuẩn, tiêu viêm, trừ đờm, trừ phong thấp.

Ngoài ra, nó còn dùng để đánh gió, trị cảm mạo, mụn nhọt… Còn quả cau có nhiều tanin, alcahoit, arecoli. Chất chát trong quả cau sẽ làm cho chân răng co lại, ôm sát chân răng cho hàm răng chắc, không lung lay.

Tuy nhiên, BS Trần Thuấn cũng khuyến cáo không nên lạm dụng ăn trầu cau luôn miệng, nhất là khi ăn trầu cau mà không chú ý vệ sinh răng miệng sẽ vô ý làm bỏng niêm mạc miệng, ứa máu răng.

Nên đi khám răng miệng định kỳ

PGS.TS Nguyễn Bá Đức cho biết, hầu hết các bệnh nhân bị ung thư miệng không có cảm giác đau ở giai đoạn sớm nên bệnh nhân thường chủ quan.

Người bệnh thường bỏ qua các triệu chứng sớm của ung thư vì nghĩ miệng bị lở loét, đau rát có thể do trợt niêm mạc, cơ thể nóng… Thậm chí, khi vết loét đã lan rộng, người bệnh vẫn không đến bệnh viện mà tự mua thuốc uống khiến bệnh càng nặng thêm.

Các biểu hiện của bệnh ung thư miệng có thể được nhận biết từ sớm khi trong miệng có những thay đổi bất thường khi nhai, nuốt, nói dù chỉ là những tổn thương rất nhỏ.

Hốc miệng người bệnh thường nổi lên vết sùi, vết loét có màu trắng hoặc màu hồng bằng hạt gạo, hạt ngô. Các vết loét này có thể đau, chảy máu nhưng có trường hợp lại không gây khó chịu gì.

Các chuyên gia khuyên, mọi người khi thấy miệng có vết loét trong vòng 3 tuần mà không lành, nhất là phụ nữ từ 50 tuổi trở lên cần phải đi khám ngay.

Nếu được phát hiện sớm, bệnh nhân ung thư miệng có thể được bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối u kết hợp với xạ trị bổ sung nhằm tăng tỷ lệ sống và đạt hiệu quả điều trị cao nhất.

Ở giai đoạn sớm, được điều trị tích cực thì tỷ lệ sống trên 5 năm của bệnh nhân ung thư miệng có thể đạt trên 95% thậm chí khỏi bệnh hoàn toàn.

Để tránh mắc bệnh, mỗi năm nên đến nha sĩ khám răng 1-2 lần để vệ sinh răng miệng, lấy vôi răng, nhổ răng sâu, phát hiện và ngừa bệnh kịp

thời. Đồng thời, phải đánh răng ngay sau mỗi bữa ăn để tránh mắc ung thư hốc miệng dù không ăn trầu.

“Không ít người quan niệm nhai trầu sẽ khiến răng miệng thơm, sạch, có thể thay thế cả việc chải răng. Bởi vậy họ thường không để ý đến vệ sinh răng miệng hoặc đi khám định kỳ.

Đây là quan điểm sai lầm vì lâu ngày ăn trầu khiến vôi răng tích tụ ngày càng nhiều tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, răng vàng ố.

Để đảm bảo sức khỏe, không nên lạm dụng thói quen ăn trầu, nhất là lại ăn kèm với thuốc lào vì dễ gây nhiễm độc. Việc vệ sinh răng miệng đúng cách sẽ khiến hàm răng khỏe, trắng đẹp hơn”.

PGS.TS Nguyễn Bá Đức

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại