Ăn tôm cùng với thức ăn có vitamin C: Có chết được không?

Trên mạng đang lan truyền thông tin: tại Đài Loan, một phụ nữ chết thình lình với dấu hiệu chảy máu mũi, miệng, tai và mắt do ăn tôm luôn vỏ với uống vitamin C cùng lúc.

 

Lý do tin đồn đưa ra: vỏ tôm chứa thạch tín (asen) và khi ăn chung với dùng vitamin C thì xảy ra ngộ độc trầm trọng. Thực ra đây chỉ là tin giật gân.

Tội đâu ở Vitamin C

Hằng ngày cơ thể chúng ta phải được cung cấp đầy đủ 13 loại vitamin, trong đó có vitamin C (acid ascorbic). Không như hầu hết các loài động vật khác, cơ thể con người không thể tự sản xuất vitamin C. Thiếu hụt vitamin C đưa đến bệnh scorbut với triệu chứng kinh điển: chảy máu nướu răng, chậm lành vết thương, có các vết thâm tím rộng trên da (tức các mảng xuất huyết dưới da, dân gian thường gọi là “vết ma cắn”), cơ thể dễ bị nhiễm trùng.

Vitamin C có nhiều trong các loại rau xanh như bông cải xanh, cà chua, có nhiều trong các loại nước quả tươi như nước cam, chanh, quít, bưởi… Chức năng chủ yếu của vitamin C là giúp sản xuất collagen, một protein chính của cơ thể có ảnh hưởng đến làn da, tham gia sản xuất một số chất dẫn truyền thần kinh và hormon, giúp hấp thụ và sử dụng các yếu tố dinh dưỡng khác. Vitamin C cũng là chất chống ôxy hoá rất quan trọng (bên cạnh vitamin E, bêta-caroten và chất khoáng selen).

Hiện nay, vitamin C được bày bán dưới dạng thuốc và thực phẩm chức năng. Nhiều người thấy vitamin C được bán như thực phẩm chức năng cứ nghĩ đây là loại dùng tuỳ tiện. Cần lưu ý, không được lạm dụng vitamin này vì nhu cầu vitamin C hàng ngày cho cơ thể chỉ là 60mg; dùng viên vitamin C liều cao (quá 1g/ngày) có nguy cơ gây tiêu chảy, loét đường tiêu hoá (nếu uống vào lúc bụng trống), sỏi thận oxalate (do dehydroascorbic chuyển thành acid oxalic tạo sỏi), tiêu chảy, rối loạn tiêu hoá, giảm độ bền hồng cầu. Trong khi đó, một dạng thuốc được dùng khá nhiều hiện nay là viên thuốc sủi bọt chứa 1g (tức 1.000mg) vitamin C, hơn 16 lần nhu cầu hàng ngày!

Ăn tôm cả vỏ uống vitamin C: Có chết được không?

Cũng cần nhắc lại là những người bị tăng huyết áp tuyệt đối không dùng dạng thuốc dạng sủi bọt nói chung, trong đó có viên C sủi, vì bất cứ thuốc sủi bọt nào cũng chứa natri trong khi người bị bệnh tăng huyết áp buộc phải kiêng muối (muối ăn là natri clorid).

Hiểu đúng về thạch tín

Thông tin một phụ nữ chết thình lình do ăn tôm luôn vỏ với uống vitamine C cùng lúc, được lý giải là “vỏ mềm của tôm chứa nhiều postasium 5 tổng hợp với thạch tín arsenic oxide (As2O5). Những thực phẩm tươi này cũng không độc đối với cơ thể con người. Tuy nhiên, ngay lúc đó uống vitamin C vào, phản ứng hoá học xảy ra, arsenic oxide sẽ chuyển thành ADB arsenic anhydride (As2O3) là chất thường dùng để vẽ viền vàng các chén đĩa. Chất arsenic độc này làm tê liệt các mạch máu nhỏ của tim, gan, thận, ruột và biểu mô, gây xuất huyết tai, mắt, mũi, miệng”.

Thông tin này hoàn toàn không đáng tin cậy, bởi thạch tín (asen) là độc chất đối với sinh vật nhưng nếu xâm nhiễm quá ngưỡng vào cơ thể mới gây hại. Trong cơ thể con người vẫn có thạch tín với lượng rất ít, thậm chí Đông y còn dùng thạch tín làm thuốc trừ đờm, chữa sốt rét, còn Tây y từng có thuốc bổ chứa arsenic oxide lượng rất nhỏ làm thuốc kích thích ăn ngon. Vỏ tôm không thể nào chứa lượng thạch tín nhiều đến độ gây độc cho chính con tôm, ngoại trừ trường hợp rất hiếm là tôm sống trong vùng nước ô nhiễm chứa quá nhiều thạch tín (như những nơi sản xuất hoá chất công nghiệp), nhưng người ta cũng không thể ăn lượng vỏ tôm nhiều đến độ “chết thình lình với dấu hiệu chảy máu, mũi, mồm, tai và mắt” như thông tin giật gân mô tả. Hơn nữa, nếu vitamin C theo thông tin trên mạng phản ứng hoá học với vỏ tôm vì là acid, thì có biết bao chất có tính acid khác trong thức ăn như chanh, khế, giấm... sao không phản ứng với vỏ tôm mà gây hại?

PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức, giảng viên chính bộ môn Dược lâm sàng, khoa Dược, đại học Y dược TP.HCM

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại