Trong khi các chuyên gia y tế đang nỗ lực hết sức để sớm có câu trả lời rằng liệu các loại thuốc đang thử nghiệm có khả năng tiêu diệt loại virut chết người này hay không.
Lo ngại sự lây lan của bệnh dịch, các quốc gia Tây Phi đã tăng cường các biện pháp kiểm soát, nhưng điều này hiện đang khiến hệ thống giao thông hỗn loạn, giá cả các mặt hàng tăng vọt trong khi lương thực rơi vào tình trạng thiếu hụt.
Tổ chức y tế thế giới (WHO) đang họp bàn về việc xây dựng bản dự thảo về hướng sử dụng các loại thuốc đang được thử nghiệm trong một cuộc họp tại Geneva, trong khi đó, số người chết do Ebola đã vượt ngưỡng tồi tệ nhất trong lịch sử là 1000 người. Kết quả cuộc họp sẽ được công bố vào thứ Ba, ngày 12/08.
Trong khi đó, chính quyền Liberia đã yêu cầu được cung cấp thuốc thử và số thuốc này có thể được mua trong nước “bởi một đại diện của chính phủ Mỹ” vào cuối tuần này.
Hiện tại vẫn chưa có loại thuốc chữa hay vacxin nào có khả năng đặc trị Ebola. Điều này đã được nhắc tới khi WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng.
Một nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh dịch lây lan nhanh chóng là do thiếu các trang thiết bị cần thiết cũng như hệ thống chăm sóc sức khỏe kém tại các nước Tây Phi có số ca nhiễm nhiều nhất như Guinea, Liberia và Sierra Leone.
Đại sứ Trung Quốc tại Sierra Leone, Zhao Yanbo đã xác nhận 7 bác sĩ cùng 1 y tá nước này điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Ebola đã bị cách ly, nhưng không chia sẻ thêm về việc liệu các triệu chứng của bệnh này đã xuất hiện trên cơ thể họ hay chưa.
Ngoài ra, Yanbo và Sahr Foday - giám đốc bệnh viện cũng nói thêm rằng 24 y tá tại Sierra Leone, phần lớn thuộc bệnh viện quân sự Connaught hiện cũng đang được cách ly.
Ông Foday cũng cho biết một nhà nghiên cứu kì cựu tại bệnh viện Connaught, Freetown nhiễm Ebola nhưng đã có phản ứng tích cực khi được điều trị. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu virut này cũng đã chết do ảnh hưởng của đại dịch Ebola tháng trước.
Bệnh viện Connaught ở Freetown, nơi điều trị các bệnh nhân bị nhiễm virus Ebola tại thành phố Freetown, Sierra Leone
Việc sử dụng thuốc thử nghiệm có tên ZMapp với 2 người Mỹ và một linh mục người Tây Ban Nha nhiễm virut trong khi đang làm việc tại châu Phi cũng đã mở ra cuộc tranh luận nảy lửa về nguyên tắc sử dụng thuốc.
Loại thuốc này được bào chế bởi một công ty dược tư nhân Mapp, và đã đem lại kết quả hứa hẹn nhưng hiện vẫn đang trong giai đoạn phát triển và mới chỉ được thử nghiệm trên loài khỉ. ZMapp (tên của loại thuốc) hiện không còn nhiều, nhưng việc sử dụng trên những nhân viên phương Tây đã làm dấy lên cuộc tranh luận và cả yêu cầu sử dụng loại thuốc này tại châu Phi.
"Đây là vấn đề đạo đức khi sử dụng thuốc chưa được cấp phép để chữa bệnh, nếu sử dụng, loại thuốc này cần đạt được những chuẩn mực nào, ở mức độ ra sao, và được thử với những đối tượng như thế nào?” Trợ lý giám đốc WHO, Marie-Paule Kieny lên tiếng trong cuộc hôm thứ 2 vừa qua.
Về phần mình, Mapp tuyên bố rằng họ đã gửi tất cả các liều thuốc còn lại tới Tây Phi. "Đáp ứng yêu cầu của một quốc gia Tây Phi cuối tuần trước, nguồn cung cấp thuốc thử Zmapp hiện đã được gửi hết”
"Bất kì quyết định sử dụng Zmapp nào cũng đều phải được đưa ra bởi chính bệnh nhân”. Hãng này nói và cũng nhấn mạnh thêm rằng thuốc này được “miễn phí trong mọi trường hợp”.
Công ty không tiết lộ đất nước nào sẽ nhận được các liều thuốc cũng như số lượng là bao nhiêu, nhưng Liberia thừa nhận đã yêu cầu được nhận các mẫu thuốc và “có thể mua trong nước bởi một đại diện từ chính phủ Mỹ cuối tuần này”.
"Nhà Trắng và Ủy ban lương thực và dược phẩm Hoa Kỳ đã chấp thuận yêu cầu trên nhằm chữa trị cho các bác sĩ người Liberia đang bị nhiễm virut Ebola” Tổng thống Liberia phát biểu.
Đợt bùng phát gần đây còn tệ hơn cả đợt dịch tồi tệ nhất trong lịch sử từ khi Ebola được phát hiện 4 thập kỉ trước, theo WHO. Nó đã cướp đi sinh mạng của 960 người và hiện có khoảng 1800 người nhiễm virut hoặc nghi là nhiễm virut.
Tại Liberia – Ebola đã lấy đi 370 sinh mạng – 1/3 dân số tỉnh Lofa, hiện nơi này đã được đặt trong tình trạng cách ly vào thứ Hai sau khi các biện pháp tương tự được áp dụng tại Bomba và đỉnh núi Grand Cape.
Chôn cất các ca tử vong do Ebola tại Liberia
"Kể từ giờ, không ai được phép tới Lofa, cũng không ai được rời khỏi đây” Chủ tịch Ellen Johnson Sirfleaf tuyên bố. "Chúng tôi muốn bảo vệ các khu vực chưa bị lây nhiễm khác”.
Sirleaf cũng ra lệnh cấm tất cả các quan chức ra nước ngoài trong vòng một tháng và yêu cầu tất cả những ai đang ở nước ngoài trở về nước trong vòng 1 tuần.
Trong khi Guinea, Liberia và Sierra Leone đang kiệt quệ bởi bệnh dịch, đợt bùng phát này cũng đã lan xa tới tận Nigeria. Đất nước đông dân nhất châu Phi hiện đã ghi nhận hai trường hợp tử vong.
Nhiều nước đã áp dụng các biện pháp khẩn cấp, bao gồm cả lệnh cấm bay hay kiểm tra nghiêm ngặt các hành khách.
Thắt chặt an ninh tại sân bay (Nigeria)
Theo một số các động thái mới nhất, giới chức tại Bờ biển Ngà tuyên bố hôm thứ Hai rằng đã cấm tất cả các chuyến bay từ ba đất nước hứng chịu bệnh dịch nặng nhất tới nơi này, đồng thời cũng tuyên bố thêm trong những ngày qua, 100 người Liberia cũng bị trục xuất khỏi đây khi đang cố vượt biên vào Bờ biển Ngà dù không phát hiện thấy có triệu chứng nhiễm Ebola.
Niger, nơi chưa phát hiện ra trường hợp nhiễm bệnh nào cũng đã đề ra một “kế hoạch khẩn cấp” để đào tạo các nhân viên y tế cũng như thắt chặt kiểm tra tại biên giới, sân bay và nhà ga. Togo cũng đẩy mạnh việc kiểm tra sức khỏe.