Càng ngày, mọi người càng chú trọng bổ sung canxi cho cơ thể, từ đứa trẻ đang bú mẹ đến các thanh niên mới lớn, phụ nữ có thai, cho con bú đến người già. Tuy nhiên, canxi là con dao hai lưỡi đối với sức khỏe nếu dùng quá liều.
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại canxi với nhiều dạng thuốc viên, siro, cốm… với các tên gọi khác nhau như canxi gluconat, canxi carbonat, canxi photphat... Các canxin này đã có vitamin D giúp cơ thể hấp thu canxi tốt hơn. Nếu dùng các loại canxi không có vitamin D thì phải dùng kèm thêm vitamin D.
Canxi có nhiều trong các loại thực phẩm: ngũ cốc, đậu nành, sữa và các sản phẩm từ sữa, rau dền, xúp lơ xanh, vừng… Vì thế, chỉ cần tăng cường các loại thực phẩm này, cơ thể đã có một lượng canxi cần thiết. Nhiều người thường cho rằng nước xương hầm sẽ có nhiều canxi tuy nhiên, việc ninh xương không làm canxi hòa tan vào nước mà chỉ làm tăng chất béo. Do đó, dùng nước xương không giúp cơ thể có nhiều canxi.
Canxi có nhiều trong các sản phẩm từ đậu nành.
Tuy nhiên, đối với một số người có nhu cầu canxi lớn thì phải bổ sung thêm. Việc thiếu canxi khá nguy hiểm đối với cơ thể. Trẻ em thiếu canxi không chỉ bị còi xương, chậm tăng chiều cao mà còn bị còi cọc, khóc đêm, hay giật mình khóc thét, đổ mồ hôi trộm...
Còn người lớn thiếu canxi thì bị loãng xương, gai cột sống, gai gót chân, hạ canxi máu. Hạ canxi máu không chỉ gây cảm giác lo âu, mệt mỏi, bị chuột rút, co giật toàn thân mà còn khiến người bệnh bị khó thở, ngất xỉu.
Thông thường, bác sĩ sẽ kê đơn caxin cho các trường hợp trẻ còi xương, người già loãng xương hoặc trẻ em đang lớn, bà mẹ mang thai, cho con bú. Những phụ nữ bước vào thời kỳ tiền mãn kinh cũng được khuyến cáo bổ sung canxi để phòng loãng xương.
Tuy nhiên, không phải cứ đến tuổi là bổ sung canxi một cách tùy tiện. Việc uống canxi với liều lượng cao, quá lâu có thể dẫn đến sỏi thận, vôi hóa động mạch. Một số người trung niên thường tự ý bổ sung canxi mà không tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc nên thường bị quá liều. Khi quá tải canxi, người bệnh thường khát nước, đi tiểu nhiều, buồn nôn, rối loạn nhịp tim. Nếu gặp các biểu hiện như vậy, người dùng nên dừng uống canxi và đi khám bác sĩ để được điều trị.
Việc uống canxi cũng phải biết cách, nếu không uống vào cơ thể lại đào thải ra hết.
- Nên uống canxi vào buổi sáng, sau bữa ăn khoảng 1h, vì ánh nắng có thể làm tăng khả năng hấp thụ canxi. Dùng canxi làm nhiều lần trong ngày.
- Không ăn quá mặn vì có thể tăng thải canxi qua nước tiểu.
- Không uống canxi cùng với sữa và các chế phẩm của sữa.
- Không nên uống chung canxi với sắt cũng như một số khoáng chất khác như kẽm, đồng… cùng một lúc mà nên tách ra sáng, chiều, tối…
- Hạn chế sử dụng thuốc lá và rượu vì sử dụng hai thứ này cũng khiến cơ thể khó hấp thu canxi.