Dụng cụ làm bếp bằng gỗ
Thớt, muỗng canh, muỗng xào… sau một thời gian sử dụng, gỗ sẽ bị nứt, trên bề mặt xuất hiện nhiều lỗ nhỏ li ti, khiến vi khuẩn dễ xâm nhập. Đặc biệt, vi khuẩn e.Coli dễ bám vào khi bạn chế biến thực phẩm sống như thịt, cá…
Làm sạch: Thỉnh thoảng đem ngâm dụng cụ bếp bằng gỗ trong nước có pha giấm khoảng một giờ, sau đó rửa lại bằng nước sạch, đem phơi khô để không bị ẩm mốc.
Tủ lạnh
Trong ngăn tủ lạnh, nhất là ngăn trữ rau quả có lượng vi khuẩn nhiều nhất như vi khuẩn E.Coli, Salmonella, Listeria… có thể gây ngộ độc thực phẩm.
Làm sạch: Thỉnh thoảng bạn chỉnh nhiệt độ ở chế độ thấp nhất (dưới 4oC) để giảm sự phát triển của vi khuẩn. Không để thức ăn sống và chín cùng chỗ. Thường xuyên vệ sinh các ngăn tủ bằng dung dịch làm sạch dành cho tủ lạnh.
Ảnh minh họa
Điện thoại di động
Vi khuẩn E.Coli có rất nhiều trong điện thoại di động.
Làm sạch: Lau chùi điện thoại bằng khăn đa năng; sử dụng dung dịch vệ sinh thiết bị điện tử để làm sạch sâu bên trong mà không ảnh hưởng đến chất lượng máy móc.
Đồ chơi, thú nhồi bông
Thú nhồi bông thường có chất liệu vải bông hoặc các loại vải bông xù nên dễ bám bụi, nhưng ít khi được giặt giũ sạch sẽ. Tương tự, các đồ chơi bằng nhựa, gỗ cũng ít được lau chùi mà chỉ quét bụi qua loa. Đây là nơi lý tưởng cho vi khuẩn trú ẩn.
Làm sạch: Với đồ chơi bằng nhựa, gỗ, cần sát trùng định kỳ; riêng với các loại thú nhồi bông, cần giặt sạch bằng xà bông và phơi khô, hoặc giặt hấp ở tiệm.