4 "không" mẹ nào cũng phải ghi nhớ kỹ khi cho con dùng sữa mẹ

Ngọc Thảo |

Sữa mẹ là chất dinh dưỡng quý giá nhất trong những tháng đầu đời của con, không gì thay thế được. Thế nhưng, không phải bà mẹ nào cũng hiểu và làm đúng cách tốt nhất cho con và mẹ.

Từ thời tiền sử tới nay, nhân loại đã tồn tại hàng triệu năm mà không có sữa công thức, không có chuẩn tăng cân và chiều cao, chỉ có người mẹ nuôi con bằng dòng sữa của chính mình một cách hoàn toàn tự nhiên và bản năng.

Ngày nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đưa ra khuyến nghị cho trẻ bú mẹ ngay trong 1 giờ đầu sau sinh, cho bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và tiếp tục bú cho đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn nữa.

Dẫu biết sữa mẹ là chất dinh dưỡng quý giá nhất trong những tháng đầu đời của con mà không gì thay thế được, nhưng không phải bà mẹ nào cũng hiểu và làm đúng cách tốt nhất cho con và mẹ.

Cho con bú càng sớm càng tốt

Khi bắt đầu bú, bé nhận được những dòng sữa đầu tiên, còn gọi là sữa non, giàu dinh dưỡng và kháng thể, giúp cho bé ngừa dị ứng, nhiễm trùng, đào thải phân su và giảm vàng da.

Nếu sinh mổ, bạn vẫn có thể cho con bú ngay sau khi bạn được gặp con. Quá trình tiếp xúc da-tiếp-da càng sớm bao nhiêu, sữa mẹ càng về nhanh bấy nhiêu.

Những ngày đầu, dạ dày của bé chỉ nhỏ như quả nho, chanh, nên đừng lo mình không đủ sữa nuôi con. Tất cả các bà mẹ đều có đủ khả năng sản xuất lượng sữa ấy.

Việc cho bé ăn hoặc uống bất cứ thứ gì khác trước khi bú mẹ như nước, nước đường, mật ong, sữa công thức...tiềm ẩn những nguy cơ có hại cho bé, đặc biệt là những bệnh mãn tính theo con suốt cuộc đời.

Bởi dạ dày bé không đủ các enzim để tiêu hóa những chất này, khó dung nạp thức ăn hoặc bị dị ứng. Bé cũng có thể bị nhiễm trùng và dạ dày của bé không còn chỗ cho sữa mẹ.

Cách cho trẻ bú mẹ trong một giờ đầu sau sinh

Sử dụng sữa mẹ thế nào tốt nhất

Với bà mẹ cho con bú trực tiếp, có 4 tư thế cho con bú cân bằng nhất: Bế ẵm hay còn gọi là bế ngang, nằm nghiêng cạnh trẻ, bế trẻ dưới cánh tay đối diện và bế trẻ dưới cánh tay như động tác ôm bóng bầu dục.

Nên vắt bỏ 2-3 giọt sữa đầu vì yếu tố vệ sinh. Sữa đầu thường nhiều nước, sữa cuối lại đặc hơn, tùy cơ địa mỗi người bạn lưu ý tự cân đối lượng sữa cho con.

Bạn có thể kết hợp cho bé bú một bên, còn bên kia hút sữa vì bao giờ sữa cũng chảy đều cả hai bầu ngực.

Với mẹ vắt sữa tích trữ cho trẻ hoặc trong giai đoạn kích sữa bằng máy sẽ phức tạp hơn. Nên kích sữa đều đặn 8-10 lẫn/ngày ngay trong thời kỳ đầu sau sinh. Việc vắt sữa nên diễn ra sau khi con đã bú.

Bạn có thể bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh bằng bình thủy tinh chuyên dụng hay phổ biến hơn là các túi trữ sữa, ghi ngày tháng hút sữa trên bao bì để tiện theo dõi.

Ở nhiệt độ phòng khoảng 23ºC, sữa có thể sử dụng được trong khoảng 3h. Trong ngăn mát tủ lạnh dưới 4ºC, sữa có thể bảo quản được tới 2 ngày và trong ngăn đông sữa giữ được khoảng 3-6 tháng với tủ chuyên dụng.


Cách bảo quản sữa mẹ trong tủ đông chuyên dụng

Cách bảo quản sữa mẹ trong tủ đông chuyên dụng

Nếu bé bị cách ly do sinh thiếu tháng hay vì bất kì lí do gì, bạn có thể dùng cốc, thìa cho bé ăn sữa mẹ.

Với trẻ bị bệnh, hệ miễn dịch kém, không gì quý hơn cho bé ngoài sữa mẹ giàu kháng thể. Hệ tiêu hóa và miễn dịch non nớt của bé chưa đủ sức để tiếp nhận sữa công thức hay bất cứ thức ăn nào khác.

"4 Không" khi cho trẻ dùng sữa mẹ

- Sữa rã đông nếu không dùng hết phải bỏ đi, hoặc sử dụng vào mục đích khác, không cho trẻ bú lại.

- Không pha sữa vừa rã đông còn thừa với sữa mới vắt.

- Không làm nóng sữa bằng nước sôi, đun trực tiếp trên bếp hay dùng lò vi sóng. Sử dụng lò vi sóng là một vấn đề gay tranh cãi vì các bước sóng ngắn làm thay đổi đảo chiều phân cực nước quá nhanh, có khả năng gây ung thư.

- Không lắc mạnh hoặc thay đổi đột ngột nhiệt độ sữa mẹ vì sẽ làm mất tính năng tự nhiên của một số phân tử protein bảo vệ. Nếu muốn rã đông, hãy cho túi sữa xuống ngăn mát, sau đó là nhiệt độ phòng hoặc nước ấm khoảng 45-50ºC.

* Tổng hợp từ nhiều nguồn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại