Nghiêm trọng chưa từng có
Đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo Cơ quan Đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR), chỉ trong vòng 2 ngày (từ 31.7-1.8) tại 4 nước (Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone) đã ghi nhận thêm 163 trường hợp mắc Ebola. Tính từ đầu năm đến nay, bệnh Ebola đã khiến 1.603 người mắc, trong đó 887 người tử vong và đang có nguy cơ lây lan “xuyên biên giới”
TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, bệnh Ebola xuất hiện tại châu Phi từ năm 1976 với hơn 600 người mắc, với tỷ lệ tử vong lên đến 90%. Sau đó các ca mắc chỉ rải rác với số mắc nhỏ. Tuy nhiên, hiện nay dịch Ebola đang phát triển rất nhanh, được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá là lớn nhất, phức tạp nhất và khó khăn nhất từ trước tới nay.
Trung tâm Phòng chống - Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) cũng đã đưa ra cảnh báo du lịch ở "cấp độ 3" - mức nghiêm trọng nhất – cho 4 nước đang có bệnh Ebola. CDC khuyên các du khách không nên du lịch đến các nước này vì nguy cơ lây nhiễm rất cao. Đặc biệt, hơn 100 nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc bệnh nhân cũng đã mắc Ebola, trong đó gần 70 người đã tử vong. Các chuyên gia đánh giá nếu Ebola lan rộng, nó sẽ nghiêm trọng hơn cả đại dịch HIV/AIDS.
Theo TS Phu, Ebola lây truyền từ động vật sang người khi tiếp xúc với máu, chất tiết của các động vật bị nhiễm virus như tinh tinh, gorila, dơi ăn quả, khỉ, linh dương, nhím... Tuy nhiên, điều nguy hại là virus này sau khi truyền sang người lại tiếp tục có khả năng lây truyền từ người sang người. Cơ chế lây khi người lành tiếp xúc trực tiếp với máu, các chất tiết của người mắc bệnh, hoặc các vết xước trên da, niêm mạc của người lành tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, các chất tiết của người nhiễm virus. “Các nguồn lây bệnh rất đa dạng nên khả năng người mang bệnh lây qua người khác là rất lớn” – TS Phu khẳng định.
Cảnh giác với người đi từ vùng dịch
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trong thời đại thông thương như hiện nay, Việt Nam cũng không loại trừ khả năng có du khách mang Ebola vào trong nước.
TS Long cho biết, Bộ Y tế đã xây dựng 3 phương án để ứng phó với Ebola:
Trong tình huống 1, khi chưa có ca bệnh tại Việt Nam: Các cửa khẩu cần phải tăng cường kiểm tra sàng lọc có trường hợp nghi ngờ để kịp thời cách ly, đặc biệt với người đến/về từ vùng dịch. Phương áp sàng lọc là bằng máy giám sát thân nhiệt và quan sát, nếu nghi ngờ sẽ cách ly và lấy mẫu xét nghiệm. Còn tại cộng đồng thì cần điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp thuộc diện nghi ngờ.
Tình huống 2, khi có ca bệnh vào Việt Nam thì cần giám sát, theo dõi, lấy mẫu xét nghiệm không chỉ với ca bệnh mà tất cả những người tiếp xúc gần với người bệnh.
Còn với tình huống 3, khi bệnh lan ra cộng đồng thì cần phải khẩn trương phát hiện các trường hợp mắc mới, xử lý triệt để ổ dịch, cách ly và lấy mẫu tất cả các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Theo TS Long, việc cấp thiết Việt Nam cần làm hiện nay là tăng cường kiểm dịch y tế biên giới nhằm kịp thời phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh thì mới ngăn chặn được Ebola vào Việt Nam và bùng phát ra cộng đồng.