Theo trang Newsweek, EKLIPSE là một cơ quan đánh giá do EU tài trợ chuyên nghiên cứu về các chính sách có thể tác động đến sự đa dạng sinh học và hệ sinh thái.
Trong phân tích mới của mình, EKLIPSE đã xem xét hơn 97 nghiên cứu về bức xạ điện từ có thể ảnh hưởng đến môi trường như thế nào.
Báo cáo kết luận bức xạ này thực sự có thể gây ra nguy cơ tiềm tàng cho khả năng định hướng của chim và côn trùng và sức khỏe thực vật.
Đây không phải là một phát hiện mới, vì các nghiên cứu từ nhiều năm qua cũng đã có kết luận tương tự. Trong thực tế, một nghiên cứu từ năm 2010 thậm chí còn cho rằng bức xạ điện từ có thể góp phần gây suy giảm một số quần thể động vật và côn trùng nhất định.
Sóng vô tuyến có thể làm gián đoạn chiếc "la bàn" điện từ mà nhiều loài chim và côn trùng di cư đang sử dụng, khiến các sinh vật có thể bị mất phương hướng.
Bức xạ điện từ cũng làm gián đoạn sự định hướng của côn trùng, nhện và động vật có vú, và thậm chí có thể phá vỡ sự trao đổi chất ở thực vật.
Theo kết quả của phát hiện gần đây nhất, tổ chức từ thiện Buglife của Anh nhấn mạnh rằng các kế hoạch lắp đặt trạm tín hiệu 5G có thể "tác động nghiêm trọng" lên môi trường.
Vì lý do này, Buglife gợi ý các trạm truyền tín hiệu không được đặt trên đèn đường LED, vì nó sẽ thu hút côn trùng và tăng tính tiếp xúc của côn trùng với công nghệ.
5G là công nghệ không dây thế hệ thứ năm có thể truyền dữ liệu ở tốc độ cao. Nó được các trạm thu phát tín hiệu di động sử dụng để thực hiện cuộc gọi điện thoại, tin nhắn văn bản và lưới Internet.
Ngoài ra, tổ chức từ thiện Buglife còn kêu gọi nghiên cứu thêm về mối đe dọa này. "Chúng ta áp dụng giới hạn cho tất cả các loại ô nhiễm để bảo vệ môi trường sống của chúng ta, nhưng ngay cả ở châu Âu, giới hạn an toàn của bức xạ điện từ vẫn chưa được xác định", Matt Shardlow, Giám đốc điều hành của Buglife, nói. Tại Mỹ, AT&T dự định là hãng đầu tiên ra mắt mạng 5G, và công ty sẽ ra mắt mạng lưới tại 12 thành phố vào cuối năm nay.