Người dân tộc thiểu số Toraja ở Indonesia có một cái nhìn rất khác về cái chết.
Đối với người Toraja, cái chết không phải là điều gì đó đáng sợ mà nó là một phần của cuộc sống này và cần phải dành sự chăm sóc tốt nhất cho thi thể của người chết khi đưa tiễn họ đi sang thế giới bên kia.
Người Toraja có dân số hàng trăm nghìn sống ở Nam Sulawesi, Indonesia. Địa hình nơi đây chủ yếu là núi non và khí hậu nhiệt đới, nhiệt độ có thể lên cao và mưa lớn mỗi ngày.
Người Toraja không tiếp xúc nhiều với thế giới bên ngoài kể từ sau khi Hà Lan xâm chiếm lãnh thổ của họ vào năm 1906.
Người Toraja đặt niềm tin vào linh vật, không phải con người mà là động vật, cây cối và đồ vật vô tri vô giác. Quan trọng nhất là dân tộc thiểu số này tin rằng tổ tiên của họ là những người đến Trái đất bằng một cầu thang đặc biệt.
Hầu hết người Toraja sống ở những ngôi làng nhỏ được dẫn vào từ những con đường đất ở cao nguyên Salawesi và nhà của họ được gọi là tongkonan. Điều đặc biệt của dân tộc thiểu số này là cách họ đối xử với người đã khuất.
Lễ tang của người Toraja mất một thời gian dài để chuẩn bị và trong thời gian đó, thi thể của người chết sẽ được bảo quản tại gia.
Khi một người qua đời, họ sẽ được các thành viên trong gia đình chăm sóc, thay quần áo, cho ăn uống mỗi ngày và đuổi những con ruồi nhặng muốn bâu vào thi thể họ trong suốt hàng tuần hoặc thậm chí hàng năm trời để chờ đến khi lễ tang được chuẩn bị xong xuôi.
Tất cả những việc làm đối với người đã khuất trên đều vô cùng xa lạ với suy nghĩ của hầu hết chúng ta nhưng với văn hóa người Toraja thì hoàn toàn bình thường.
"Chúng tôi làm vậy bởi vì chúng tôi yêu thương và kính trọng cha rất nhiều" - một người đàn ông Torajan có tên là Yokke nói với National Geographic về người cha đã qua đời của mình.
Lễ tang của người Toraja cũng là một cách để thể hiện sự giàu sang của gia đình người đã khuất.
Đó là một thủ tục vô cùng đắt đỏ và quan trọng khiến nhiều người rơi vào cảnh nợ nần chỉ vì muốn tổ chức một lễ tang đàng hoàng cho người thân của mình.
Chi phí thấp nhất cho một lễ tang của người Toraja tiêu tốn khoảng 50.000 USD (khoảng 1,1 tỷ đồng) và đắt nhất là 500.000 USD (11,1 tỷ đồng).
Một người đàn ông sẵn sàng từ bỏ việc kết hôn nếu như phát hiện cô vợ sắp cưới của mình có người thân sắp qua đời.
Lễ tang ở đây được gọi là Rambu Solo, một sự kiện đòi hỏi sự tham gia của toàn thể dân trong làng và thường được tổ chức vào khoảng tháng 8 hay tháng 9 hàng năm.
Nó có thể kéo dài vài ngày hoặc vài tuần tùy theo địa vị của người đã khuất. Hoạt động trong lễ tang bao gồm: cầu nguyện, ca hát, nhảy múa, hiến tế trâu nước và thậm chí là đá gà.
Mọi người tin rằng việc hiến tế càng nhiều trâu nước thì người quá cố càng nhanh chóng được đưa đến vùng đất của linh hồn.
Ngày cuối cùng của lễ tang, thi thể người chết được đưa đến nơi yên nghỉ, thường là ngôi mộ trên vách đá hay tháp mộ của tổ tiên.
Những ngôi mộ này cao đến hơn 30m và được xây dựng bởi những người có thể leo núi mà không cần dụng cụ bảo hộ. Chiều dài của ngôi mộ được thiết kế phù hợp với cơ thể người đã khuất.
Trong trường hợp người chết là một em bé chưa đến tuổi mọc răng, chúng sẽ được đặt trong một phần rỗng trên thân cây. Những "cây con" này được tin là sẽ hấp thụ linh hồn của những đứa trẻ khi chúng tái sinh.
Một yếu tố quan trọng trong lễ tang là những hình nộm được làm bằng gỗ hoặc tre được gọi là tau tau thường được đặt trước ngôi mộ của người chết.
Tuy nhiên, vài gia đình chịu chi một khoản tiền không nhỏ để làm một hình nộm mô phỏng chi tiết người thân quá cố đặt ở nhà để tránh bị mất cắp.
Ngoài thủ tục lễ tang rình rang trên, người Toraja còn có một nghi thức khác gọi là ma'nene. Trong đó, các gia đình sẽ vệ sinh cho xác người thân của họ và các ngôi mộ mỗi 3 năm 1 lần, thường là vào tháng 8.
Những người nào đã qua đời hơn 1 thập kỷ sẽ được đưa ra khỏi mộ, làm sạch, thay quần áo và lau khô từ đầu đến chân.
Việc làm này cũng giúp cho những người ở lại kiểm tra xem tình trạng của thi thể người chết. Họ tin rằng xác chết được bảo quản tốt chính là một điềm lành.
Quan trọng hơn, việc làm lễ tang lần thứ 2 sẽ giúp cho thế hệ con cháu có cơ hội kết nối với tổ tiên của chúng.
Không lạ khi nhìn thấy những người Toraja trẻ cùng hút thuốc với ông cố đã chết hoặc chụp ảnh selfie với người bà quá cố của họ.
Người Toraja tin rằng cái chết không phải là kết thúc. Cái chết không đáng sợ mà thay vào đó, nó chỉ là một phần của hành trình cuộc sống.
Chính vì vậy nên gia đình không cố níu kéo cuộc sống của người thân mắc bệnh bằng các phương pháp chữa trị hiện đại mà cho phép cái chết được xảy đến tự nhiên.
Người Toraja cũng tin rằng cái chết chính là một hình thức giúp gắn kết nhân loại lại với nhau.