Sống cạnh loa phường, nhẹ cũng bị đau tai

Bác sĩ Trần Văn Phúc |

Tôi thấy những ngôi nhà có loa chĩa thẳng vào, cửa sổ bao giờ cũng đóng im ỉm. Ở nhiều nước, người ta đã cấm dùng loa phóng thanh gây ô nhiễm tiếng ồn.

Những năm chiến tranh xa xưa

Dù tiếng súng nổ ở cách rất xa nhưng tất cả chúng tôi, từ trẻ con cho đến cụ già, luôn ở trong tình trạng báo động.

Mẹ tết cho tôi một cái mũ rơm. Bố cùng những người đàn ông đi đào hố cá nhân suốt dọc con đường làng để tránh bom. Ban đêm, bố cùng mẹ đào cạnh bờ ao một căn hầm bí mật hình chữ A.

Ủy ban cho treo bốn cái loa đại lên đỉnh cây gạo cổ thụ. Những cây tre cũng được dựng lên để làm cột mắc loa. Tôi nhớ mỗi lần tiếng loa phóng thanh cất lên, bố lại ôm tôi lao ngay xuống căn hầm tối.

Trong chiến tranh, loa phóng thanh đã cứu được rất nhiều mạng sống.

Thực sự, loa phóng thanh là một loại vũ khí vô cùng quan trọng, nó không phải là khoa học mà là nghệ thuật chiến đấu. Loa phóng thanh vừa chiến đấu chống lại kẻ địch, vừa thực hiện công tác tuyên truyền.

Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn. Bởi vậy mà loa phóng thanh đòi hỏi phải có đội ngũ nhân lực với trình độ hiểu biết cao, năng động và tích cực, có khả năng tích hợp với các đơn vị hỗ trợ.

Xuất hiện vào khoảng những năm 1960, loa phóng thanh đã nhanh chóng phát triển, trở thành một lực lượng đủ mạnh để truyền đi những thông điệp rõ ràng của cuộc chiến, làm nên những thành tích vang dội.

Mỗi người Việt Nam từng đi qua lửa đạn sẽ không bao giờ quên những câu nói đơn giản: "Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội 30km. Đồng bào nhanh chóng xuống hầm trú ẩn. Các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu".

Sống cạnh loa phường, nhẹ cũng bị đau tai - Ảnh 1.

Người dân Hà Nội nghe tin tức từ chiếc loa đặt trên đường Đinh Tiên Hoàng năm 1960. Ảnh: TTXVN.

Tháng 12 năm 1984...

Cứ 4 giờ chiều, tôi cùng những đứa trẻ trong xóm tụ tập lại dưới chân cột điện, dỏng tai nghe bình luận viên Đình Khải và Hoài Sơn tường thuật trực tiếp Giải bóng đá các nước Xã hội Chủ nghĩa anh em SKDA.

Tôi nhớ cả làng chỉ duy nhất một người có đài Orionton của Hungari. Ngày nghỉ, tôi tranh thủ sang quê ngoại nhờ các cậu học đến cấp 3 giảng cho tôi hiểu về cấu trúc của chiếc đài.

Ngày đội Thế Công thắng CHDC Đức với tỉ số 3 -1, tôi cũng học được cách lắp hoàn chỉnh chiếc đài bán dẫn bằng cách sử dụng thiếc chấm vào nhựa thông, hàn 3 bóng với tụ và trở lên bảng mạch có sẵn.

Chiếc đài bán dẫn tôi mang về, bố mở cho hàng xóm nghe với nhiều niềm vui kỳ lạ.

Ngắm chiếc đài tự tay lắp, tôi hiểu trong một tương lai không xa, những chiếc loa phóng thanh mắc trên cột điện sẽ dần bị gỡ xuống.

Và câu chuyện hôm nay

Cuối năm 1989, tôi chính thức bắt đầu cuộc sống ở thủ đô Hà Nội. Thời ấy chưa có điện thoại di động và Internet, cassette và tivi đã phổ biến nhưng vẫn là tài sản vô cùng lớn.

Và cứ 4 giờ 30 mỗi buổi chiều, tôi gác lại công việc để ngồi lắng nghe những cây cối và cột điện ở Hà Nội đồng thanh "nói chuyện" với nhau trên mỗi con phố.

Đến năm 2005, Internet băng thông rộng bùng nổ với số người sử dụng tăng lên chóng mặt, tính từng ngày.

Vậy nhưng hàng ngàn chiếc loa phóng thanh trên khắp đất nước vẫn thực hiện phát sóng. Nội dung chương trình do bộ phận phụ trách văn hóa phường - xã tự tổng hợp, họ chỉnh các thông tin theo hiểu biết của họ, dựa trên nhu cầu thực tế của từng địa phương.

Tôi có cảm giác thủ đô Hà Nội đã thực sự bị ngược đãi bởi những chiếc loa phường. Cứ 5 giờ 30 mỗi sáng, tôi bị đánh thức bởi tiếng loa phường tập thể dục.

Chương trình phát sóng lúc 7 giờ tối, khi tôi đi làm về. Chỉ còn cách vùi đầu vào trong chăn để bịt chặt đôi tai.

Hỏi nhiều người, tôi chẳng thấy ai quan tâm đến những tin tức đọc trên loa. Nhiều người muốn bịt miệng nó, rồi đưa tất cả thông tin lên Internet.

Suốt nhiều năm trước, người dân đã nỗ lực lên tiếng. Nhưng loa phường vẫn không bị xóa bỏ, mạng lưới của nó vẫn tiếp tục lan rộng trong toàn quốc.

Đã nhiều lần tôi đi bộ dọc đường Đội Cấn, lắng nghe tiếng loa phường và thấy hôm nay nó rè đi rất nhiều.

Trên quãng đường chưa đến 3km, tôi đếm được 61 cái loa. Loa treo nghênh ngang trên cột điện và tỏa đi các hướng, loa vướng vào đám dây điện như mạng nhện, loa kín đáo lấp trong lùm cây.

Những ngôi nhà có loa chĩa thẳng vào, cửa sổ bao giờ cũng đóng im ỉm.

Sống cạnh loa phường, nhẹ cũng bị đau tai - Ảnh 2.

Hệ thống 4 loa treo trên cột điện sát cửa nhà dân tại khu Thành Công, Hà Nội. Ảnh: Hữu Nghị.

Làm bác sĩ, tôi thấu hiểu cho những người đang phải sống cạnh chiếc loa phường. Bị "tra tấn" bởi tiếng ồn, nhẹ thì làm cho người ta đau tai, nặng thì có thể bị bệnh tim mà chết sớm.

Nhưng tôi cho rằng tổn thương thể chất chưa nguy hại bằng tổn thương về tinh thần. Hãy thử tưởng tượng, sẽ tội nghiệp như thế nào nếu một gia đình đang có người hấp hối, mà phải nghe loa phường hát "chưa có bao giờ đẹp như hôm nay".

Có ý kiến cho rằng không được bỏ loa phường vì nó có giá trị cung cấp thông tin, tuyên truyền đường lối chính sách, nhắc nhở lịch tiêm chủng, thông báo lương hưu.

Tôi không đồng tình với ý kiến này. Bởi trong thời đại công nghệ, tôi vào Internet sẽ thấy đủ mọi thứ, từ chuyện quả cam tiến vua tranh nhau mua với giá 60 ngàn đồng, cho đến chuyện thầy bói ở Nga dự đoán tương lai của Tổng thống Mỹ Donal Trump.

Lịch tiêm chủng hay lương hưu của các cụ, sẽ không thiếu gì cách thông báo hiệu quả hơn cái loa phường.

Ý kiến khác có vẻ thuyết phục hơn, cho rằng loa phóng thanh sẽ trở thành "đặc sản" văn hóa chỉ có ở Việt Nam, nên không thể xóa bỏ nó.

Sự thật thì ngược lại. Mỹ mới là nước đầu tiên nghiên cứu bài bản về loa phóng thanh, quân đội Mỹ coi nó như một loại "vũ khí thánh chiến" và sử dụng nó triệt để.

Trong thế chiến II, đồng minh của Mỹ lần đầu tiên sử dụng loa phóng thanh là cuộc đổ bộ Normandy năm 1944. Đến cuộc xung đột Triều Tiên (1950 – 1953), cả lực lượng Liên Hiệp quốc, cho đến Trung Quốc và Triều Tiên, đều đua nhau dùng loa phóng thanh.

Chiến tranh Hàn Quốc, chiến tranh Ấn Độ cũng vậy, loa phóng thanh luôn được coi là vũ khí đặc biệt.

Năm 1974, nước Mỹ đã ra hẳn một Đạo luật Kiểm soát ô nhiễm, loa phóng thanh chính thức bị "tử hình" trong đời sống xã hội Mỹ.

Đạo luật ấy quy định: một cái loa phóng thanh sẽ vi phạm pháp luật khi hoạt động trên đường phố, với bất cứ mục đích nào, vào thời gian nghỉ ngơi từ 9 giờ tối cho đến 8 giờ sáng hôm sau; từ 8 giờ sáng đến 9 giờ tối, ngoại trừ mục đích chính trị hay thông báo những tình huống khẩn cấp, loa phóng thanh cũng vi phạm pháp luật khi phát đi những thông tin quảng cáo, thương mại, kinh doanh và giải trí.

Học tập nước Mỹ, các quốc gia trên thế giới cũng nghiêm cấm sử dụng loa phóng thanh gây ra ô nhiễm tiếng ồn, vi phạm có thể bị phạt tù.

Sống cạnh loa phường, nhẹ cũng bị đau tai - Ảnh 3.

Một gia đình chỉ cần mở cửa nói ồn ào, chưa cần mở loa chĩa sang, đã bị hàng xóm nhắc nhở, thậm chí là kiện đến cơ quan chức năng. Trung Quốc xóa bỏ hoàn toàn loa phường cách đây 30 năm.

Tôi đồng ý rằng bỏ hay không bỏ loa phóng thanh, cần phải có những nghiên cứu đầy đủ về nó.

Nếu nghiên cứu chỉ ra rằng, loa phường ở Hà Nội là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm tiếng ồn có ảnh hưởng trực tiếp đến người dân tiếp xúc gần với nó, chi phí của loa phường là rất tốn kém trong khi hiệu quả truyền thông lại thấp, đặc biệt là người dân không chấp nhận loa phường; thì sẽ chẳng có lý do gì để chúng ta giữ lại.

Cũng như vậy, chúng ta cần phải nghiên cứu về loa phóng thanh ở những vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu vùng xa.

Chỉ có những nghiên cứu thực sự khoa học, thì mới đưa ra được những quyết định thực sự sáng suốt về việc tiếp tục duy trì hay loại bỏ loa phóng thanh ra khỏi đời sống xã hội ở khu vực nông thôn.

Tôi cho rằng tâm lý loa phường đang tồn tại trong cộng đồng là một thực tế, nhưng cũng cho thấy nó là một trong những di tích khó dỡ bỏ nhất.

Tuy thế, việc dỡ bỏ loa phường sẽ là dấu hiệu biến mất cuối cùng của những cuộc chiến tranh, trong một đất nước đang hiện đại hóa nhanh chóng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại