Theo tin tức dự báo thời tiết mới nhất tổng hợp trên CNN, AccuWeather, National Geographic (Mỹ), hiện nay trên khu vực Tây Thái Bình Dương xuất hiện cùng một lúc 2 cơn bão mạnh là siêu bão Lekima và bão Krosa.
Hình ảnh vệ tinh song bão xuất hiện trên khu vực Tây Thái Bình Dương: Siêu bão Lekima (trái) và bão Krosa (phải). Ảnh chụp ngày 8/8/2019 giờ địa phương. Nguồn: Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA).
Cả hai cơn bão này đều hình thành khoảng đầu tuần (5/8) tại khu vực Tây Thái Bình Dương. Tính cho đến nay, siêu bão Lekima nâng cấp, trở thành siêu bão mạnh cấp 4 (trên thang bão Saffir-Simpson với sức gió từ 210–249 km/h); Trong khi đó, bão Krosa đã tăng lên cấp 3, với sức gió từ 178–209 km/h, theo thông tin thời tiết mới nhất từ Weather Channel.
Sức mạnh 'quái vật' của siêu bão Lekima: 'Nuốt chửng' áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông
Riêng về siêu bão Lekima, Reuters nhận định đây là siêu bão đặt ra mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng.
- "Nuốt chửng" áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia (Việt Nam), sáng ngày 8/8, trên Biển Đông xuất hiện một áp thấp nhiệt đới, cách đảo Luzon (Philippines) 150km về phía Tây, có sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh từ 40-50 km/h.
Điều đặc biệt là, áp thấp nhiệt đới này được dự báo là nhanh chóng suy yếu dần thành một vùng áp thấp ngoài khơi Thái Bình Dương. Nguyên nhân đến từ siêu bão Lekima đang hướng về Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản, vì siêu bão này có bán kính ảnh hưởng rất rộng nên nó đã hút và 'nuốt chửng' vùng áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông để gia tăng sức mạnh.
- Gây ảnh hưởng nặng nề đến Trung Quốc, Nhật Bản
Các chuyên gia khí tượng của Dịch vụ Thời tiết Quốc gia AccuWeather (Mỹ) nhận định, siêu bão cực mạnh Lekima có thể càn quét các khu vực ở Đài Loan (Trung Quốc) đến quần đảo Ryukyu (Nhật Bản).
Sau khi gây mưa, lốc cực lớn cho các khu vực này, siêu bão Lekima có khả năng vẫn mạnh dần lên và đổ bộ vào đất liền Trung Quốc cuối tuần này, gây lũ lụt, sạt lở đất.. nghiêm trọng.
"Các khu vực từ phía bắc Đài Loan đến miền đông Trung Quốc được dự báo hứng chịu những hậu quả nặng nề từ siêu bão Lekima từ nay cho đến Chủ Nhật (11/8)." - Dave Houk, nhà khí tượng học cấp cao của AccuWeather cho biết. Lượng mưa đo được ở một số khu vực như Thượng Hải (Trung Quốc) và Cao Hùng (Đài Loan) lên tới 150 mm. Riêng khu vực phía Tây Đài Loan, lượng mưa có thể lên đến 200 mm.
Việc siêu bão Lekima xuất hiện ngay sau khi Đài Loan vừa hứng chịu một trận động đất hôm thứ 5 (8/8) đã kích hoạt cảnh báo sạt lở đất nghiêm trọng tại đây. Được biết, ngày 9/8, nhiều trung tâm, trường học... ở Đài Loan đã đóng cửa để tránh bão an toàn. Nhiều tuyến đường giao thông cũng bị gián đoạn do bão lớn.
Với bán kính ảnh hưởng cực rộng, siêu bão Lekima cũng sẽ đổ bộ khu vực phía nam quần đảo Ryukyu của Nhật Bản với mắt bão đi qua thành phố Miyakojima, nơi có 54.000 người sinh sống.
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản mô ta siêu bão Lekima là "cực kỳ lớn" và "hung dữ", và đưa cảnh báo rằng "một thảm họa tự nhiên nghiêm trọng có thể xảy ra."
Cơ quan này cũng cảnh báo hậu quả của siêu bão Lekima có thể gây sóng cao dữ dội, giông bão, lũ lụt, gió mạnh trên quần đảo Ryukyu.
Song bão Thái Bình Dương có thể nhập thành siêu bão cực mạnh?
Xuất hiện cùng lúc với siêu bão Lekima là bão Krosa. Theo tin tức dự báo thời tiết của AccuWeather, từ ngày 6/8, Krosa bắt đầu hình thành ở tây bắc đảo Guam (phía Tây Thái Bình Dương), nhờ hút được năng lượng từ vùng biển ấm, Krosa nhanh chóng mạnh lên thành bão cấp 3 (trên thang bão Saffir-Simpson với sức gió từ 178–209 km/h).
Đây là cơn bão thứ ba hình thành trong vòng 1 tuần ở khu vực Thái Bình Dương.
Ảnh minh họa.
Theo ghi nhận của các chuyên gia khí tượng Mỹ, Krosa hiện đang càn quét khu vực gần Quần đảo Bắc Mariana, gây mưa lớn cho các đảo lân cận, gồm cả đảo Guam, với lượng mưa lên đến 150 mm.
Nhận định về đường đi của bão Krosa, chuyên gia khí tượng cấp cao Eric Leister của AccuWeather cho biết: "Bão Krosa dự báo sẽ tiến thẳng vào Nhật Bản cuối tuần này và gây ảnh hưởng lớn đến quốc gia này đầu tuần sau."
Vì Krosa và siêu bão Lekima rất gần nhau nên hai hệ thống bão được dự báo có thể nhập vào nhau và gây ảnh hưởng lên nhau, do đó, đường đi của Krosa có thể thay đổi và vì thế có những tác động khác nhau lên những vùng khác nhau, AccuWeather nhận định.
AccuWeather đưa ra khuyến cáo người dân tại các khu vực dự báo ảnh hưởng nên thường xuyên cập nhật tin tức dự báo thời tiết mới nhất; tuyệt đối nghe theo sự sắp xếp các cơ quan phòng chống bão để đảm bảo an toàn khi song bão này đổ bộ đất liền trong thời gian tới.
CNN cho hay, vào tháng 9/2018, châu Á phải hứng chịu siêu bão Mangkhut tàn phá khắp Trung Quốc và Philippines, khiến ít nhất 54 người thiệt mạng và hàng triệu người phải sơ tán.
Bài viết sử dụng nguồn: National Geographic, CNN, AccuWeather, Gizmodo
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.