Sông băng ở Đông Nam Cực tan chảy 70,8 tỷ tấn một năm do nước biển ấm lên

Quỳnh Chi |

Thềm băng Denman ở phía Đông Nam Cực đang tan chảy với tốc độ 70,8 tỷ tấn mỗi năm do sự xâm nhập của nước biển ấm.

Đây là thông tin do các nhà nghiên cứu từ Cơ quan Khoa học quốc gia Australia đưa ra.

Các nhà nghiên cứu của CSIRO, dẫn đầu bởi nhà khoa học cấp cao Esmee van Wijk, cho biết, các quan sát của họ cho thấy, sông băng Denman tiềm ẩn nguy cơ tan chảy không ổn định.

Sông băng ở phía Đông Nam Cực xa xôi này nằm trên đỉnh hẻm núi sâu nhất trên Trái đất, chứa một khối lượng băng tương đương với 1,5 mét mực nước biển dâng.

Cho đến gần đây, người ta vẫn cho rằng phía Đông Nam Cực sẽ không trải qua quá trình thất thoát băng nhanh chóng như ở phía Tây do nước ở khu vực này chủ yếu là lạnh. Tuy nhiên, một số nghiên cứu mới nhất đã chỉ ra rằng nước biển ấm cũng đang ảnh hưởng đến phần lục địa đó.

Các nhà khoa học Australia đã sử dụng các phép đo với phao định hình và phát hiện, nước biển ấm đã chạm tới rãnh sâu kéo dài bên dưới sông băng.

Phao này thu thập các dữ liệu quan sát được với tần suất 5 ngày/lần trong 4 tháng kể từ tháng 12/2020. Từ dữ liệu đó, các nhà khoa học đưa ra ước tính về tốc độ nước ấm khiến thềm băng, phần trước của sông băng trôi trong đại dương, tan chảy.

Sông băng ở Đông Nam Cực tan chảy 70,8 tỷ tấn một năm do nước biển ấm lên - Ảnh 1.

Sông băng Denman tan chảy. (Ảnh: The Weather Network)

Sự tan chảy ở phần nổi của sông băng không làm tăng mực nước biển. Tuy nhiên, Stephen Rintoul, một thành viên của CSIRO và là một trong những tác giả của báo cáo, cho biết, khi thềm băng trở nên mỏng hơn hoặc yếu đi, nó tạo ra ít lực cản hơn đối với dòng chảy của băng từ Nam Cực vào đại dương.

Ông nói: "Chính lớp băng tan chảy từ Nam Cực đến đại dương đã làm tăng mực nước biển".

Theo ông Rintoul, từ dữ liệu, lần đầu tiên sử dụng các phép đo được lấy từ đại dương, nhóm nghiên cứu khoa học kết luận, vùng Đông Nam Cực "có khả năng đóng góp nhiều vào sự gia tăng mực nước biển hơn là chúng ta nghĩ".

Một nghiên cứu khác gần đây cho thấy rằng với tình trạng tuyết rơi ít đi, Denman mất tổng cộng khoảng 268 tỷ tấn băng, tức khoảng 7 tỷ tấn mỗi năm trong thời gian từ năm 1979 đến năm 2017.

Sue Cook, một nhà băng học thềm băng tại Đại học Tasmania, cho biết, sông băng Denman sẽ là trọng tâm nghiên cứu của Chương trình Nam Cực thuộc Australia trong những năm tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại