Trung bình, mỗi bài quảng cáo đơn giản cho một thương hiệu, sản phẩm nào đó, người viết sẽ nhận về 500 nghìn đến 1,5 triệu đồng. Nhà văn trẻ bây giờ kiếm tiền dễ thế sao?
Trở về đôi ba thập niên trước, mỗi tác phẩm in ra đời đều được mọi lứa tuổi độc giả đón nhận nồng nhiệt. Họ yêu thích, mê mẩn những tập thơ, cuốn truyện, tờ báo… Và rồi, mạng xã hội ra đời, người ta thích những gì nhanh chóng, tiện lợi.
Nhà văn, nhà thơ rơi vào cảnh chật vật "kiếm sống", cái nghề chẳng đủ sức nuôi nổi đam mê và mơ ước của họ. Đã có hàng loạt những chương trình, giải pháp để "cứu vãn" văn hóa đọc của người Việt, đặc biệt là độc giả trẻ. Bởi ai cũng hiểu, trước khi có các phương tiện nghe nhìn, sách là con đường lớn nhất để họ tiếp cận thông tin, văn hóa, tri thức.
Đọc sách là một trong những cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy. Vậy, vì sao chúng ta lại thờ ơ với nó?
Và rồi, những cuốn sách thuộc dạng tản văn ra đời, một thời kỳ mang tên "sách trẻ" đã lên ngôi, hàng loạt cái tên đình đám với số lượng bản in bán ra thị trường lên tới cả chục ngàn cuốn. Gào, Anh Khang, Phan Ý Yên, Sơn Paris, Iris Cao… đó là những cái tên được độc giả yêu mến.
Nhà văn trẻ Sơn Paris.
Tuy nhiên, khi những sản phẩm của họ thu hút sự quan tâm đông đảo như thế, nhiều ý kiến trái chiều đã được bàn luận rôm rả. Cư dân mạng cho rằng, sách của những nhà văn trẻ hiện nay nội dung còn hời hợt, họ viết theo trào lưu hoặc do đơn đặt hàng, cảm xúc chưa sâu và câu chuyện chưa mang tải giá trị tích cực.
Ngoài chia tay, hận thù rồi nước mắt, rốt cuộc sách trẻ có thêm điều gì? Một phần nữa giúp những nhà văn này chiếm lĩnh thị trường sách trẻ là mối quan hệ trong "showbiz" của họ nhiều, những buổi lễ ra mắt rình rang như nghệ sỹ ra MV, ra phim mới.
Bên cạnh viết sách, những nhà văn "thần tượng" còn hoạt động trong các lĩnh vực khác: PR, quảng cáo, tư vấn chiến lược, MC, biên tập viên… Nghề viết bây giờ "kiếm bộn tiền" như thế thật sao?
Gặp Sơn Paris, cựu thủ khoa của Học viện Ngoại giao, chúng tôi khám phá được nhiều câu chuyện không phải ai cũng biết đằng sau nghề cầm bút đang giúp những nhà văn 9x có thu nhập đáng ngưỡng mộ.
Nếu như nhạc sỹ sáng tác bài hát cho ca sỹ, điện ảnh hay thương hiệu, thì nhà văn trẻ bây giờ cũng có thêm một nghề nữa, đó là…viết status.
Nghe thì có vẻ lạ tai nhưng những bài quảng cáo mà các bạn nhìn thấy mỗi ngày trên cá fanpage, hay trên các tài khoản Facebookers bán hàng, đó chính là "sản phẩm" của những người như Sơn Paris.
Theo nhà văn 9x tâm sự, nghề viết đã giúp cậu rất nhiều. "Nó là nền tảng để mình khai thác ngôn từ tốt hơn. Khi được mọi người biết tới và công nhận rồi, sách của bạn dù chưa "ra lò" đã được các nhà xuất bản đặt hàng.
Thậm chí, với khá nhiều nghệ sỹ hay doanh nhân, những cuốn tự truyện hay bí quyết thành công của họ, cũng là do nhà văn trẻ chắp bút. Nhiều công việc khác liên quan tới truyền thông như: nội dung chiến lược, slogan cho sản phẩm, tài liệu – kịch bản dạy và học…
Tất cả những thứ đó đều đang được lứa nhà văn trẻ tận dụng rất tốt. Nhiều bạn bè của tôi hoạt động trong lĩnh vực văn chương đang là những người âm thầm đứng sau sự thành công của vô vàn thương hiệu, sản phẩm trên thị trường".
Nhiều nhà văn trẻ còn hoạt động trong các lĩnh vực khác như PR, quảng cáo, tư vấn chiến lược, MC, biên tập viên…
Về chuyện một ngày, những nhà văn "đắt hàng" có thể viết tới 10 bài quảng cáo cho các khách hàng, Sơn Paris đã thẳng thắn chia sẻ: "Viết bài quảng cáo đơn thuần không khó, nhưng đòi hỏi bạn phải luôn sáng tạo, tích thu những cái mới, cái hay và đặc biệt là phải thấu hiểu tâm lý của đối tượng khách hàng mục tiêu.
Tôi chỉ mất 4 phút siêu tập trung để viết xong 1 bài quảng cáo trên Facebook thôi. 4 phút đó, bằng thời gian bạn pha một tách trà, bằng thời gian bạn mở hộp kem dưỡng da và thoa đều. Tôi bắt đầu làm quen với kỹ năng siêu tập trung trong 2 năm nay, và tôi không cho phép bản thân phân tâm vào chuyện khác khi đang viết lách".
Cũng theo như nhà văn 9x Sơn Paris cho biết, mỗi cuốn sách ở lượt in đầu tiên, tác giả nhận được từ 30-45 triệu (chưa bao gồm phí thiết kế bìa sách, quảng bá hay tổ chức ra mắt độc giả...). Đối với một cuốn sách "chắp bút" cho các nhân vật khác thì "nhuận bút" cao gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi.
Tuy nhiên thời gian để hoàn thành một cuốn sách khá nan giải. Vì thế, thu nhập từ công việc viết sách được xếp vào nhóm hạn chế hơn những ngành văn hóa, nghệ thuật khác.
Chính bởi điều đó, nhiều nhà văn trẻ rẽ hướng sang công việc PR, viết status kinh doanh, tư vấn nội dung quảng bá... cho các nhãn hàng. Vừa có thể tiết kiệm thời gian, vừa được thỏa sức "nhảy múa" với các con chữ mà vừa có mức thu nhập tốt mỗi tháng.
Nếu như sách truyền thống là "bàn đẩy" giúp tên tuổi của một nhà văn trẻ được biết tới, được khẳng định trên thị trường sách, thì việc viết quảng cáo chính là "kết quả" nhận được từ sự nổi tiếng đó.
Không ra tác phẩm mới cũng đồng nghĩa với việc họ bị lãng quên trong vai trò của một người cầm bút, quảng cáo quá nhiều sẽ bị đánh đồng là đang kinh doanh mặt hàng đó... Vì thế, nhà văn trẻ luôn phải cân bằng cả 2 mảng viết này.