Khi săm soi những tảng đá vừa lộ ra ven biển, cậu sinh viên đã có "phát hiện của cả đời người". Các nhà cổ sinh vật học vào cuộc và mất 5 năm cố gắng chạy đua với thủy triều, họ mới "trình làng" được với thế giới nghiên cứu về loài quái vật lần đầu tiên được tìm thấy trên thế giới.
Phiến đá chứa hóa thạch - Ảnh: Gregory Funston
Đó là một "nữ hoàng bầu trời" thuộc nhóm bò sát bay gọi chung là dực long. Nó được đặt tên khoa học là Dearc sgkathanach.
Theo Science Alert, quái vật có sải cánh dài hơn 2,5 mét, có niên đại 170 triệu tuổi, tức thuộc kỷ Jura. Và nó là con dực long lớn nhất kỷ Jura từng được ghi nhận, cho thấy nhóm bò sát quái vật này có thể phát triển lớn hơn nhiều trong kỷ Jura, so với suy nghĩ trước đây.
Quái vật mới được tái hiện trong ảnh đồ họa - Ảnh: Natalia Jagielska
Giáo sư Steve Brusatte từ Đại học Edinburgh, tác giả chính của nghiên cứu cho biết trước đây dực long được cho là trở nên ngoại cỡ từ kỷ Phấn Trắng, khi chúng bắt đầu phải cạnh tranh với các loài chim sơ khai. Nhưng quái vật mới này đã buộc các nhà cổ sinh vật học lật lại lịch sử tiến hóa.
Hóa thạch trong tình trạng đặc biệt tốt, gần như nguyên sơ, từ xương đến khớp nối gần như hoàn chỉnh, những chiếc răng vẫn giữ nguyên lớp men sáng bóng "như mới chết hôm qua", theo nhận định của các tác giả. Ảnh chụp cắt lớp cho thấy não nó có thùy thị giác lớn, tức thị lực phải cực tốt. Chúng được cho là săn cá và mực để tồn tại.
Mẫu vật sẽ được đưa đến Bảo tàng Quốc gia Scotland để nghiên cứu thêm.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Current Biology.