Lucy là một "Người vượn phương Nam", tức Australopithecus afarensis, loài nằm ở ngay điểm giao thời giữa những cá thể phần lớn giống vượn với những loài bắt đầu sở hữu những đặc điểm có thể gọi là người.
Lucy được các nghiên cứu cho là một cá thể nữ, cao khoảng 105 cm khi còn sống. Theo ước tính, cá thể này sinh sống ở miền đất nay là Ethiopia (thuộc Đông Phi) vào khoảng 3,2 triệu năm trước.
Tượng sáp vượn nhân hình Lucy trong bảo tàng - Ảnh: SMITHSONIAN MAGAZINE
Trong nghiên cứu mới, nhà nghiên cứu độc lập Ashleigh Wiseman, người đang cộng tác với Viện Nghiên cứu khảo cổ học McDonald (thuộc Đại học Cambridge - Anh) đã thực hiện một mô hình dựa trên phần xương thân dưới hóa thạch của Lucy.
Cụ thể, theo bài công bố vừa đăng tải hôm 14-6 trên tạp chí Royal Society Open Science, 36 cơ ở mỗi chân của Lucy đã được tái tạo thành công bằng kỹ thuật số.
Điều này nhằm trả lời câu hỏi về việc con người tiến hóa dáng đứng thẳng để thích nghi với cuộc sống mặt đất thay vì trên cây từ lúc nào.
Trước đó, loài Người vượn phương Nam mà Lucy thuộc về được cho là những vượn nhân hình phần lớn còn giống vượn, bộ não nhỏ và dáng đi lom khom.
Mô hình của TS Wiseman và các cộng sự chỉ ra điều đó không đúng. Bộ não của Lucy có thể còn nhỏ, khuôn mặt chưa giống người nhưng đã bước đi với khớp gối duỗi thẳng, tư thế khớp hông và dáng đứng thẳng y hệt loài Homo sapiens (Người Tinh Khôn, tức người hiện đại chúng ta).
Mô hình còn tiết lộ tỉ lệ mỡ và cơ chân, cho thấy đôi chân này có cơ bắp giống chân người thay vì chân vượn. Do đó, Lucy đã bước đi và leo cây theo cách của con người, không phải của vượn; mặc dù khớp gối hãy còn mở rộng cho phép di chuyển trên cây giỏi hơn chúng ta ngày nay.
Phát hiện này có thể khiến các nhà khoa học lần nữa phải viết lại các trang sách về lịch sử tiến hóa của nhân loại.
Trong suốt nhiều thập kỷ, người ta từng tin rằng loài đầu tiên đứng thẳng và đi như người hiện đại là Homo erectus (còn gọi là Người Đứng Thẳng), ra đời cách đây 2 triệu năm, tức sau Người vượn phương Nam tới vài triệu năm.