Một đoạn video phát trên đài truyền hình nhà nước Triều Tiên đã cho thấy một cỗ máy có nhiều ống và lỗ thông hơi, với hình dáng gợi nhiều suy tưởng đối với một số chuyên gia Mỹ từng quen thuộc với động cơ Liên Xô trước đây.
Chưa từng thấy
"Nó làm tôi bị sốc"- ông Michael Elleman, một chuyên gia vũ khí - người chú ý tới sự tương tự khó tin giữa động cơ được Bình Nhưỡng thử nghiệm hồi tháng 3 với động cơ ông thường thấy ở Nga vào cuối Chiến tranh Lạnh. "Động cơ đó dường như đến từ nơi không ai biết"- vị chuyên gia nói.
Sau khi mổ xẻ sâu hơn, ông Elleman, vốn là một cựu cố vấn tại Lầu Năm Góc, và các chuyên gia khác báo cáo rằng họ phát hiện các đặc điểm thiết kế đa dạng trong động cơ tên lửa mới của Triều Tiên đồng điệu với loại động cơ ngựa kéo kier nguyên những năm 1960 của Liên Xô gọi là RD-250.
Một số tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: BBC
Theo Washington Post, cho tới nay không hề có ghi nhận chính thức nào về việc Bình Nhưỡng có được các tài liệu về động cơ tên lửa của Nga, và các chuyên gia cũng cho rằng nước này không có những tài liệu đó.
Tuy nhiên, những phát hiện về sự tương đồng nói trên lại một lần nữa lôi kéo nhiều sự chú ý về nghi vấn đã khiến nhiều chuyên gia Mỹ đau đầu ít nhất trong 2 năm qua: Làm cách nào Triều Tiên đạt được những bước tiến mau lẹ tới sửng sốt trong chương trình tên lửa của mình bất chấp cấm vận về kinh tế và những lệnh cấm khác liên quan tới nhập khẩu công nghệ quân sự?
Nhiều chuyên gia về vũ khí nói rằng việc Triều Tiên bắt đầu phô diễn sức mạnh tên lửa phản ánh sự phát triển của công nghệ vũ khí ngày càng gia tăng của nước này, cũng như quyết tâm của giới lãnh đạo Bình Nhưỡng nhằm tạo vị thế cho nước này trong câu lạc bộ hạt nhân.
Nhưng không ít chuyên gia vẫn chưa hết nghi ngờ về khả năng có sự hậu thuẫn từ bên ngoài cho chương trình tên lửa của Triều Tiên, trong đó nhiều ánh mắt hướng về phía Nga và Trung Quốc.
Sợ rằng đã đánh giá thấp Triều Tiên
Liệu sự trợ giúp từ bên ngoài có đóng vai trò quyết định trong vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Bình Nhưỡng hôm 4/7 hay không thì không thể xác nhận một cách chắc chắn. Tuy nhiên, những bằng chứng từ cuộc thử nghiệm động cơ được Triều Tiên công bố trên truyền hình hồi tháng 3 vẫn chưa hết gây tranh cãi, và khiến các nhà phân tích đau đầu.
Câu hỏi đặt ra là lẽ nào Triều Tiên đã được Liên Xô chuyển giao bí mật vũ khí tên lửa trong quá khứ mà không bị phát hiện mãi cho tới vụ thử nghiệm động cơ hồi tháng 3?
"Điều đó có nghĩa là Triều Tiên có một mạng lưới liên hệ với Liên Xô cũ rộng lớn hơn chúng ta vẫn tưởng"- ông Elleman nhận định, "Câu hỏi đầu tiên ập tới trong đầu tôi là họ còn có gì khác nữa mà chúng ta không biết?".
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và các quan chức Triều Tiên ăn mừng sau vụ phóng tên lửa thành công hôm 4/7. Ảnh: Reuters
Tên lửa Hwasong-14 phóng ngày 4-7 của Triều Tiên đã được xác nhận là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đầu tiên của nước này có khả năng bay hơn 5.500 km, tầm xa đủ để được gọi là một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Cựu phó giám đốc CIA David Cohen, người từng cố vấn cho chính quyền tổng thống Barack Obama về vũ khí Triều Tiên, đã nêu bật lên sự cẩn trọng về khả năng đáng giá thấp Triều Tiên trong chương trình vũ khí.
"Đừng mắc sai lầm nghĩ rằng Triều Tiên lạc hậu và thậm chí còn chẳng tiếp cận được với Internet. Họ có rất nhiều bất lợi nhưng phần lớn nhất của nền kinh tế chính phủ này là chương trình tên lửa và hạt nhân, thế nên những nhân lực thông minh nhất của họ đều tập trung cho lĩnh vực này"- ông Cohen nhận định.
Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh: "Tôi sợ rằng mọi người đã đánh giá thấp Triều Tiên".