Hai nhà khoa học Brenhin Keller và Alexander Cox từ Trường Đại học Dartmouth (Mỹ) đã khai thác sức mạnh của 128 bộ xử lý dữ liệu để xác định nguyên nhân hợp lý nhất cho sự tuyệt chủng của loài khủng long và cho thấy đó không thể là tiểu hành tinh Chicxulub.
Thủ phạm tiềm năng nhất là một "Hỏa Diệm Sơn" phiên bản "quái vật" của thời cổ đại.
Khủng long có thể đã bị tiêu diệt do thảm họa núi lửa mạnh tới nỗi làm biến đổi khí hậu Trái Đất, chứ không phải do một tiểu hành tinh - Ảnh: SCIENCE NEWS
Theo đài Sputnik, nhóm nghiên cứu đã xem xét các lõi trầm tích hình trụ được khoan từ sâu bên dưới đại dương, với những lớp đất lốm đốm sinh vật foraminifera. Chính chúng đã cung cấp manh mối về độ axit của đại dương theo thời gian cũng như lượng carbon dioxide và sulfur dioxide trong môi trường quá khứ. Hai loại khí này được cho là có vai trò lớn trong đại tuyệt chủng cuối kỷ Phấn Trắng (66 triệu năm về trước), tiêu diệt toàn bộ loài khủng long cũng như các họ hàng bò sát lớn trên trời và dưới biển của chúng: dực long, thương long, ngư long...
Chúng được giải phóng bởi lý do gì? Đó là một cuộc tranh cãi kéo dài nhiều năm.
Sau khi mô phỏng các kịch bản khác nhau và sử dụng mô hình thống kê Monte Carlo chuỗi Markov để tính toán xác suất, các tác giả kết luận chỉ có hoạt động núi lửa mạnh mẽ mới là lời giải thích đầy đủ cho những thay đổi môi trường xảy ra vào thời điểm đó.
Chỉ là tình cờ, tiểu hành tinh "oan uổng" Chicxulub đã lao xuống Trái Đất vào đúng thời điểm hỗn loạn đó. Tuy nó để lại một miệng hố va chạm khổng lồ, nhưng ít có tác dụng gì cho việc tạo nên đại tuyệt chủng.
Trong khi đó, một số nghiên cứu trước đây cho rằng Chicxulub có thể không trực tiếp tiêu diệt loài khủng long nhưng đã gây sóng thần mạnh trong cú va chạm, cũng như tác động đến sự ổn định của hành tinh và kích hoạt chuỗi hoạt động địa chất mạnh mẽ - bao gồm núi lửa.
Sự kết hợp chết người này có thể đã khiến "thế giới quái vật" tàn lụi dần vì gọng kìm của thảm họa và môi trường khắc nghiệt.