Ông Christopher Harley, một giáo sư trong khoa động vật học tại Đại học British Columbia đã tìm thấy vô số con vẹm chết há mồm và thối rữa trong vỏ của chúng tại bãi biển Kitsilano hôm 11/7.
Ông Harley chuyên nghiên cứu những tác động của biến đổi khí hậu đối với hệ sinh thái của các bờ đá nơi trai, sò, vẹm hay sao biển sinh sống.
Vì thế, ông đã tới bãi biển Kitsilano để xem các động vật không xương sống có thể sống sót trong đợt nắng nóng kỷ lục tấn công khu vực này vào tuần trước hay không.
"Tôi có thể ngửi thấy mùi xác chết tại bãi biển từ xa. Đã có rất nhiều động vật biển chết ngày hôm trước, dù đó không phải là ngày nóng nhất", giáo sư Harley nói.
"Có một thảm họa ở đó. Có một bãi vẹm rất rộng lớn bao phủ bờ biển nhưng hầu hết những con vật đó đã chết vì nắng nóng", ông nói thêm.
Ngao, sò chết la liệt trên bãi biển Canada vì nắng nóng.
Harley và sinh viên của ông đã đo được nhiệt độ trên bãi biển lên tới 51,6 độ C (dù ngày 11/7 không phải là ngày nóng nhất).
Theo ước tính sơ bộ của vị giáo sư này, sức nóng kinh hoàng trên bãi biển những ngày qua có thể đã giết chết khoảng một tỷ con trai và các sinh vật biển khác ở biển Salish, bao gồm eo biển Georgia, Puget Sound và eo biển Juan de Fuca.
Vào thời điểm này trong năm, thủy triều rút vào thời điểm nóng nhất trong ngày vì vậy các loài động vật sống trên bờ biển như vẹm, sò... không thể sống sót cho đến khi thủy triều lên trở lại, giáo sư Harley giải thích.
Các nhà khoa học khí hậu gọi đợt nắng nóng ở British Columbia và Tây Bắc Thái Bình Dương ở Mỹ là "chưa từng có" và cảnh báo rằng biến đổi khí hậu sẽ khiến những sự kiện này diễn ra thường xuyên và dữ dội hơn.
Theo phân tích của các nhà khoa học, các hoạt động của con người đã góp phần gây ra thảm họa biến đổi khí hậu và điều này vô cùng nguy hiểm.
Thị trấn Lytton, British Columbia đã phá kỷ lục mọi thời đại của Canada vào ngày 30/6 khi nhiệt độ tăng lên đến 49,4 độ C. Vì quá nắng nóng, thị trấn đã bị phá hủy trong một trận cháy rừng chết người.
Có 719 trường hợp tử vong được báo cáo cho các nhân viên điều tra của tỉnh trong khoảng thời gian từ ngày 25/6 đến ngày 1/7 - nhiều gấp ba lần so với khoảng thời gian đó trong những năm trước, theo một tuyên bố từ Lisa Lapointe, trưởng nhân viên điều tra của British Columbia. Trong khi đó, hàng trăm người ở Mỹ cũng thiệt mạng và nhiều người khác phải nhập viện vì nắng nóng kỷ lục tuần qua.