Nghiên cứu từ Trường Tâm lý và Khoa học thần kinh (Đại học St Andrews - Anh) và Trường nhân chủng học và bảo tồn (Đại học Kent - Mỹ) đã theo dõi sự xuất hiện và lây lan của hành vi đào giếng nước trong một cộng đồng tinh tinh hoang dã tại Đông Phi.
Một con tinh tinh cái đang đào giếng giữa rừng già Đông Phi - Ảnh: Primate
Theo Sci-News, mọi thứ bắt đầu bởi Onyofi, một con cái trẻ gia nhập cộng đồng từ năm 2015, đã thể hiện kỹ năng tưởng chừng chỉ có ở con người này và nhanh chóng được các con khác chú ý. Kể từ đó, một số con tinh tinh Waibira non và con cái trưởng thành khác đã bắt chước hành vi.
Không thấy các con đực trưởng thành đào giếng, nhưng chúng thường xuyên sử dụng giếng được các thành viên khác trong cộng đồng đào sẵn.
Điều này đã giúp các con tinh tinh "khỏe re" trước tình trạng khô hạn đang bao trùm Đông Phi vào thời điểm đó.
Với sựu thay đổi ngày càng tăng của khí hậu, hành vi này giúp các cộng đồng như tinh tinh Waibira tiếp tục phát triển.
Thú vị hơn, hành vi ban đầu của Onyofi, với thao tác đào giếng rất thành thạo, cho thấy nó phải lớn lên ở một cộng đồng biết đào giếng khác!
Chưa kể, theo tác giả cấp cao Catherine Hobaiter từ Trường Tâm lý và Khoa học thần kinh của Đại học St Andrews, họ còn quan sát thấy phản ứng khá thú vị của những con đực, bao gồm cả những con "có địa vị" trong đàn: Hết sức lịch sự khi chờ đợi Oniofy đào giếng, chờ nó uống xong rồi mới mượn giếng để uống nước.
Nghiên cứu sơ bộ đã được công bố trên tạp chí Primate, tuy nhiên nhóm tác giả cho biết họ sẽ theo dõi cộng đồng thú vị này thêm nhiều năm.