Nghiên cứu dẫn đầu bởi Đại học Bath (Anh) cho thấy cho dù có những cộng đồng sống cạnh nhau và hôn phối dị chúng, tổ tiên chúng ta và loài anh em Neanderthals, hay "Homo neanderthalensis", vẫn thường xuyên chiến đấu với nhau để sinh tồn.
Nguồn gốc của chúng ta và rất gần gũi. 600.000 năm trước, một nhánh của chi Người chia đôi, một nhóm ở lại châu Phi, tiếp tục tiến hóa và phát triển thành loài mới Homo sapiens vào 300.000 năm về trước.
Nhóm di cư sang châu Âu tiến hóa thành loài riêng biệt trước – là người Neanderthals.
Một hộp sọ Neanderthals bị vỡ đôi do cú tấn công của tổ tiên chúng ta - ảnh: VIỆN SMITHSONIAN
Sự việc xảy ra khi Homo sapiens – loài cuối cùng của chi Người - cũng quyết định rời châu Phi như các người anh em khác.
1 nhánh tiến về phía châu Á và có thời gian chung sống với người Denisovans. Nhóm tiến về phía châu Âu đụng độ Neanderthals.
Cùng với sư tử, sói, Homo sapiens và Neanderthals được coi như những kẻ săn mồi đứng đầu chuỗi thức ăn ở vùng đất nay là châu Âu.
Động vật có vú săn mồi trên cạn có tính lãnh thổ, vì vậy cuộc đối đầu giữa 2 loài người thông minh này không tránh khỏi.
Bằng chứng được tìm thấy trên cơ thể các cá thể nam của cả 2 loài, Homo sapiens thường bị chấn thương sọ não do vật cứng đập vào đầu, một số ít hơn hộp sọ Neanderthals cũng có dấu vết này.
Một số bộ xương Neanderthals có dấu vết mũi giáo đâm xuyên ngực. Nam giới của 2 loài thường xuyên bị gãy cánh tay – dấu hiệu của chiến tranh, bởi người ta thường xuyên dùng tay đỡ đòn.
Khai quật tàn tích loài người tuyệt chủng Neanderthals tại hang Pozzo Cucù (Ý) - Ảnh: O.NACARBONARA
Các chấn thương do chiến tranh có bản chất khác biệt so với chấn thương do săn bắn nên không thể bị lầm lẫn.
Các phân tích mới cho thấy người Neanderthals đặc biệt xuất sắc trong chiến tranh, phù hợp với những nghiên cứu trước về bản chất của Neanderthals: gần như là những siêu nhân, săn ma mút tài tình, bơi như người cá, thị giác cực tốt trong đêm, thân hình rắn chắc, một số kỹ năng có thể còn phát triển trước người hiện đại như kỹ năng dệt sợi, chế tác vũ khí…
Những lợi thế này đủ đẩy người hiện đại lui bước về châu Phi hoặc thậm chí bị tuyệt chủng như nhiều loài cổ xưa hơn.
Nhưng các dấu tích cổ xưa cũng cho thấy Homo sapiens đã bắt đầu dành được lợi thế bởi phát minh ra vũ khí tầm xa như cung tên, các loại giáo, gậy dùng để ném.
Thân hình thanh mảnh, chân dài cũng giúp họ thành công trong việc tấn công từ xa rồi rút chạy.
Khả năng thích nghi tuyệt vời, thức ăn đa dạng (ăn được cá, nhiều thực vật chứ không quá phụ thuộc vào thịt như các loài người khác) đã giúp Homo sapiens xây dựng những bộ lạc lớn hơn và dần áp đảo về số lượng.
Tác giả chính Nicholas R. Longrich, chuyên gia sinh học tiến hóa, nhấn mạnh rằng cuộc trỗi dậy cuối cùng của Homo sapiens đã bắt đầu hơn 125.000 năm trước và kéo dài gần 100.000 năm sau đó.
Đó có thể là lời giải thích cho sự tuyệt chủng của người Neanderthals, với hồ sơ khảo cổ đứt đoạn từ khoảng 30.000 năm về trước.