Nhóm khoa học gia từ New Zeland đã trình làng một bản đồ kiến tạo và độ sâu của đại dương mới, trong đó hiển thị rõ ràng một lục địa thứ 8, chưa từng được biết đến của trái đất, mang tên "Zealandia".
Theo nhà địa chất học Nick Mortimer từ cơ quan GNS Science, thành viên nhóm nghiên cứu, bản đồ mới của họ cung cấp bức tranh chính xác, đầy đủ và được cập nhật về địa chất của khu vực New Zealand và Tây Nam Thái Bình Dương, về bối cảnh núi lửa, ranh giới mảng, cũng như các bồn địa trầm tích.
Một lục địa hoàn toàn mới hiện ra bên cạnh châu Đại Dương - ảnh: GNS SCIENCE
Lục địa thứ 8 hiện lên với các sắc độ đỏ và cam trong bản đồ địa chất đặc biệt này, với chỉ một phần rất nhỏ trồi lên khỏi mặt nước. Nó được cho là đã tồn tại song song với 7 lục địa (Á, Âu, Phi, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Đại Dương, Nam Cực) rất nhiều năm trong lịch sử trái đất, trước khi bị chìm dần xuống đáy biển từ 23 triệu năm về trước.
Năm ngoái, một nhóm nghiên cứu khác từ Hà Lan, Na Uy và Thụy Sĩ cũng tìm thấy một "lục địa bị thất lạc khác" nằm ở khu vực Địa Trung Hải, mang tên Greater Adria, đã tách khỏi Bắc Phi 200 triệu năm về trước và chôn vùi 100 năm về trước.
Sự xuất hiện, định hình và biến mất của các lục địa là một phần trong quá trình gọi là "kiến tạo mảng" của Trái Đất. Các nghiên cứu trước đây đã chứng minh đất liền từng nhiều lần hợp lại thành siêu lục địa, rồi lại phân rã thành nhiều châu lục. Các lục địa ngày nay đều là "con" của một siêu lục địa tên Gondwana. Lục địa mới Zealandia được cho là vỡ ra khỏi Gondwana khoảng 83-79 triệu năm về trước.