Sợ viễn cảnh ác mộng ập xuống, Nga dùng vũ khí đỉnh cao để níu kéo Mỹ?

Kiệt Linh |

Nga đã sẵn sàng để đưa cả hai tên lửa tối tân hàng đầu là Avangard và Sarmat vào Hiệp ước START Mới (Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược) khi hiệp ước này được gia hạn, Ngoại trưởng Sergey Lavrov đã cho biết như vậy trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên chương trình Bolshaya Igra (tạm dịch là Trò chơi Lớn) trên Kênh 1 Đài truyền hình Nga.

"Chúng tôi đã nói với người Mỹ (tại một cuộc họp của ủy ban tư vấn được thành lập theo Hiệp ước START Mới) rằng chúng tôi sẵn sàng đưa các hệ thống vũ khí mới, trong đó có vũ khí siêu âm vào hiệp ước.

Chúng tôi nghĩ rằng, tên lửa Avangard và tên lửa Sarmat nằm trong khuôn khổ quy định của Hiệp ước. Chúng tôi sẵn sàng đưa những hệ thống vũ khí này cùng với những hệ thống hiện tại vào Hiệp ước START mới hiện nay (khi nó được gia hạn)", Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh.

"Chúng tôi đã công khai tên lửa Avangard cho người Mỹ và chúng tôi sẵn sàng làm như vậy với tên lửa Sarmat vào một thời điểm nhất định nào đó", ông Lavrov cho biết thêm.

Tuy nhiên, không phải tất cả những hệ thống vũ khí mới mà Tổng thống Nga Vladimir Putin "khoe" trong thông điệp liên bang hồi tháng Ba đầu năm đều thuộc diện vũ khí được quy định trong hiệp ước START Mới.

"Chúng tôi nói rằng, về những hệ thống vũ khí này và về những hệ thống vũ khí tối tân mới của Mỹ, chúng tôi sẵn sàng tiến hành các cuộc đối thoại song phương riêng rẽ. Nó chắc chắn nên được tiến hành như một phần của cuộc thảo luận về toàn bộ các vấn đề có ảnh hưởng đến sự ổn định về mặt chiến lược", ông Lavrov nhấn mạnh.

Theo ông Lavrov, một hiệp ước không thể quy định tất cả các vấn đề tồn tại trong an ninh chiến lược bởi các công nghệ mới đang được phát triển.

Những phát biểu trên cho thấy giới chức Nga đang thực sự lo ngại về viễn cảnh ác mộng phía trước sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF) và hiệp ước START Mới đang đứng trước ngưỡng cửa hết hạn mà không được gia hạn tiếp.

Chính vì thế, Nga đã có những phát biểu cũng như bước đi cho thấy sự "xuống nước" rõ ràng nhằm thuyết phục Mỹ gia hạn hiệp ước START Mới. Mỹ đã rút ra khỏi INF và nếu START Mới không được gia hạn, sẽ không còn bất kỳ cơ chế nào để kiểm soát vũ khí chiến lược.

Đây được xem là một ác mộng bởi nó được cho là sẽ kéo theo một cuộc chạy đua vũ trang khốc liệt, tốn kém và chứa đựng nhiều nguy cơ. Hơn ai hết, Nga hoàn toàn không muốn một lần nữa bị kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang từng làm nước này lao đao. Chính vì lý do đó, Nga đang tìm một cách để thuyết phục Mỹ tiếp tục gia hạn hiệp ước START Mới.

Avangard là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa chiến lược được trang bị phương tiện phương tiện lướt siêu vượt âm. Theo các nguồn tin công khai, vũ khí "đột phá" này được phát triển bởi Hiệp hội Nghiên cứu và Chế tạo máy ở thành phố Reutov thuộc khu vực Moscow.

Loại vũ khí mới đã được đưa vào thử nghiệm từ năm 2004. Phương tiện lướt có khả năng bay ở tốc độ siêu vượt âm trong những tầng dày đặc của khí quyển và có thể điều khiển đường bay, độ cao cũng như xuyên thủng bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào.

Tên lửa siêu thanh Avangard là loại tên lửa có thể bay và hoạt động ở khí quyển tầng cao với tốc độ trên Mach 5. Điều này khiến cho các tên lửa Avangard trở nên khó chặn hơn các đầu đạn thông thường.

Trong khi đó, RS-28 Sarmat là loại tên lửa đạn đạo liên lục địa sử dụng nhiêu liệu lỏng hiện đại, hiện đang được phát triển cho quân đội Nga.

Hệ thống tên lửa này được thiết kế để thay thế các tên lửa R-36M Voevoda. Sarmat được cho là có khả năng "xóa sổ" cả nước Pháp hay cả bang Texas của Mỹ. Bên cạnh đó, tốc độ "thần tốc" của nó còn có thể "qua mặt" mọi hệ thống phòng thủ tên lửa trên thế giới.

Vũ khí chiến lược mới này của Nga được xem là để đối chọi với Hệ thống tấn công chớp nhoáng toàn cầu (PGS - Prompt Global Strike). Các chuyên gia quân sự bình luận, Sarmat là hệ thống vũ khí 'độc nhất vô nhị' chưa tìm được đối thủ 'xứng tầm'.

Nó có khả năng bay qua Bắc Cực và Nam Cực, mang theo đầu đạn phân tách tiên tiến, phóng từ các bệ phóng cơ động.

Mặc dù chưa có nhiều thông tin chính xác về thông số kĩ thuật của Sarmat, nhiều nguồn tin đáng tin cậy ở Nga cho biết, tầm bắn của tên lửa này vào khoảng 10.000km và trọng lượng của nó là 100 tấn, trong đó từ 4 đến 10 tấn là đầu đạn.

Tên lửa Sarmat được trang bị các đầu đạn dẫn hướng độc lập, có thể tấn công nhiều mục tiêu khác nhau khi được phóng đi ở kì cuối của đường bay. Nga sẽ trang bị cho tên lửa này nhiều hệ thống chống nhiễu tín hiệu để xuyên thủng được lá chắn tên lửa của Mỹ.

Nhiều thông tin cho rằng, nó có thể được sử dụng như một loại vũ khí siêu thanh trong các xung đột phi hạt nhân.

Ngoài ra, có thông tin cho biết, tên lửa Sarmat dự kiến sẽ được trang bị các hệ thống đối phó điện tử tiên tiến, một hệ thống chỉ huy và kiểm soát phức hợp và có khả năng cơ động cao, cho phép nó thâm nhập được vào các hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại