Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội bị kiện với lý do ‘làm khó’ khiến doanh nghiệp thua lỗ

Hoàng An |

TAND TP Hà Nội vừa mở phiên sơ thẩm vụ án hành chính xem xét đơn của Công ty Cổ phần Truyền thông Vietart khởi kiện Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vì cho rằng "kéo dài thời gian, gây khó khăn" cấp phép vở cải lương Tiếng trống Mê Linh khiến họ thua lỗ.

Khởi kiện vì cho rằng bị làm khó

Tại phiên xử, bị đơn là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vắng mặt, song có đơn giải trình, Tòa vẫn tiếp tục vì bên khởi kiện không yêu cầu hoãn xử.

Theo đơn khởi kiện và nội dung trình bày của đại diện Công ty Cổ phần Truyền thông Viettart cho thấy, ngày 5/8/2022, doanh nghiệp này nộp hồ sơ đến Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội xin tổ chức biểu diễn chương trình “Ngôi sao Phương Nam số 10” với vở cải lương “Tiếng trống Mê Linh”.

Trong hơn một tháng sau đó, Sở có 3 văn bản phúc đáp đề nghị Vietart bổ sung hồ sơ liên quan quyền tác giả, tác quyền; thông báo về việc giao Tiểu ban sân khấu, tạp kỹ thẩm định về tư tưởng, nội dung và chất lượng nghệ thuật; thông báo tiếp tục thẩm định lần 2 sau khi chỉnh sửa kịch bản.

Đến ngày 3/10/2022, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chấp thuận cho Vietart, tổ chức biểu diễn. Tuy nhiên, thời điểm được cấp phép này chỉ còn cách buổi biểu diễn chính thức có 9 ngày. Vietart cho rằng, khoảng thời gian ngắn không để doanh nghiệp quảng cáo, bán vé khiến chương trình bị thua lỗ.

"Khán giả của chương trình chủ yếu là người trung niên nên phải quảng cáo bằng băng rôn, quảng cáo trực tiếp chứ khó dùng nền tảng Internet. Ít ngày như vậy nên càng khó bán vé. Hai đêm biểu diễn chúng tôi xuất 1.100 vé với giá trung bình một triệu đồng/vé, nhưng chỉ bán được 200, thu về 200 triệu đồng", đại diện Vietart nói tại tòa.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội bị kiện với lý do ‘làm khó’ khiến doanh nghiệp thua lỗ - Ảnh 1.

Đại diện doanh nghiệp Vietart tại tòa.

Một tình tiết nữa được Vietart trình bày, trước buổi biểu diễn 3 ngày, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội còn yêu cầu tổng duyệt chương trình. Yêu cầu này là không hợp lý bởi làm tăng chi phí ăn ở, vé máy bay, doanh nghiệp phải "bù" thêm chi phí cho nghệ sĩ, ekip từ TP HCM ra Hà Nội. "Thông thường việc tổng duyệt diễn ra trước một ngày hoặc buổi sáng, chiều cùng ngày biểu diễn", đại diện doanh nghiệp lý giải.

Từ những phân tích trên, đại diện Công ty Vietart cho rằng quá trình giải quyết hồ sơ đề nghị tổ chức biểu diễn nghệ thuật, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có hành vi "kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính; yêu cầu bổ sung hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định". Đây là hành vi gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp.

Do đó, Vietart đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phải xin lỗi công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và bồi thường thiệt hại 672 triệu đồng chi phí sản xuất chương trình, 1.000 đồng tiền bồi thường về danh dự.

Sau khi nghe đại diện doanh nghiệp trình bày, Chủ tọa cho hay, phiên tòa chỉ xem xét đơn khởi kiện hành chính, việc yêu cầu bồi thường Vietart nên dành cho vụ án dân sự khác.

"Thứ mà doanh nghiệp cần là một lời xin lỗi công khai từ Sở, chúng tôi không cố gắng chứng minh hay đưa ra các chứng cứ để xác định thiệt hại mà cần tòa phân định để có sự minh bạch và nhìn thấy rõ sai sót của Sở. Hôm nay đứng trước tòa chúng tôi cần sự công bằng, không chỉ cho mình mà còn là tiền lệ cho các doanh nghiệp khác", đại diện Vietart đáp lại ý kiến của chủ tọa.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội bị kiện với lý do ‘làm khó’ khiến doanh nghiệp thua lỗ - Ảnh 2.

HĐXX vụ án.

Bác khởi kiện

Sau khi nghị án, HĐXX TAND Hà Nội bác bỏ toàn bộ khởi kiện của Công ty Vietart. Đồng thời, buộc doanh nghiệp này phải chịu 300.000 đồng án phí sơ thẩm và hơn 30 triệu đồng án phí dân sự.

HĐXX nhận xét, ngay từ khi Vietart nộp hồ sơ, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tiếp nhận, xử lý đúng quy định pháp luật, đúng thời gian.

Mặt khác, trong suốt quá trình xin cấp phép, Vietart không có bất kỳ khiếu nại nào, cho rằng các thủ tục, quy trình của Sở là chính đáng, đúng quy định pháp luật.

Khi chưa được cấp phép, phía Công ty Vietart cũng đã tự quảng cáo bán vé trên mạng xã hội.

“Ngay từ đầu, Vietart đã không chủ động thực hiện đúng quy định về quyền tác giả và các quyền liên quan. Thực tế là Vietart đã nhiều lần bị phản ánh đến Sở Văn hóa và Thể thao về việc không tuân thủ quy định quyền tác giả. Vì vậy, khi xin cấp phép vở cải lương, Sở yêu cầu Vietart bổ sung thêm thông tin là cần thiết”, HĐXX nhận định.

Đối với nội dung khởi kiện liên quan chỉnh sửa kịch bản, HĐXX cho rằng “Tiếng trống Mê Linh” là vở cải lương kinh điển tại Việt Nam, được công diễn lần đầu năm 1977, nói về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng trong lịch sử. Vở diễn để khơi dậy tinh thần yêu nước nhưng Vietart tập hợp nhiều diễn viên, nghệ sĩ hải ngoại, nghệ sĩ tự do, để tổ chức biểu diễn.

Do đó, Sở yêu cầu doanh nghiệp chỉnh sửa kịch bản là đúng, việc làm của Sở cũng nhằm mục đích để tổ chức buổi biểu diễn đảm bảo an ninh chính trị, an toàn xã hội.​​​​​​​

Do vắng đại diện nguyên đơn, tại tòa, chủ toạ công bố văn bản giải trình của Sở Văn hóa và Thể thao cho hay, ngoài vở kịch này, năm 2022, Vietart còn đề nghị tổ chức biểu diễn 4 chương trình nghệ thuật khác và được Sở giải quyết đúng thời hạn. Vì thế Vietart nói Sở gây phiền hà, khó khăn là chưa khách quan.

Giải thích về các vấn đề bị khởi kiện, Sở cho rằng chương trình vở cải lương Tiếng trống Mê Linh chưa xin phép chủ sở hữu quyền tác giả nên đơn vị mới đề nghị công ty này bổ sung văn bản chấp thuận. Mặt khác, dù ngày 3/10/2022 Sở Văn hóa và Thể thao mới có văn bản chấp thuận cho VietArt tổ chức chương trình nhưng doanh nghiệp này đã quảng cáo bán vé trên mạng xã hội từ đầu tháng 9. Về vấn đề đẩy thời gian tổng duyệt lên sớm hơn 3 ngày so với ngày biểu diễn, Sở cho rằng làm như vậy để có thời gian xem và thẩm định nội dung biểu diễn, đặc biệt là về lời thoại, trang phục diễn viên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại