Reuters đưa tin ngày 25.10, trong một cuộc họp kín tại NATO, Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao Mỹ và các quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia đã thông báo cho các phái viên của liên minh về quyết định của Tổng thống Donald Trump về rút khỏi hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) năm 1987.
Các nhà ngoại giao cho biết, Đức và các đồng minh Châu Âu khác kêu gọi Washington có nỗ lực cuối cùng để thuyết phục điện Kremlin ngừng những gì phương Tây gọi là vi phạm INF hoặc đàm phán lại để có sự tham gia của cả Trung Quốc.
"Các đồng minh muốn nhìn thấy một nỗ lực cuối cùng để tránh việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận" - một nhà ngoại giao NATO giấu tên nói.
"Không ai phản đối việc Nga vi phạm hiệp ước, nhưng việc rút khỏi khiến Mátxcơva dễ dàng đổ lỗi cho chúng ta vì đã kết thúc thỏa thuận mang tính bước ngoặt này" - nhà ngoại giao khác nhấn mạnh.
NATO từ chối bình luận về các chi tiết của cuộc họp nhưng phát một tuyên bố nói rằng, các đồng minh đánh giá "những tác động từ hành vi bất ổn của Nga đối với an ninh của chúng ta".
"Các đồng minh NATO sẽ tiếp thục tham vấn về vấn đề quan trọng này" - tuyên bố nêu rõ.
Cuộc họp diễn ra 2 ngày sau khi Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton thông báo với Tổng thống Nga Vladimir Putin về kế hoạch rút khỏi hiệp ước INF của Mỹ trong cuộc gặp tại Mátxcơva.
Đầu tuần này, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước INF với việc phát triển SSC-8 (hay còn gọi là Novor 9M729) - tên lửa hành trình tầm trung phóng từ mặt đất.
Nga phủ nhận các cáo buộc về việc vi phạm hiệp ước.
Các đồng minh NATO, trong đó có Bỉ và Hà Lan - nơi đặt các cơ sở vũ khí hạt nhân của Mỹ ở Châu Âu cảnh báo về sự phản đối kịch liệt nếu Mỹ tìm cách lắp đặt vũ khí hạt nhân tầm trung trên lãnh thổ của họ một lần nữa. Cảnh báo này được đưa ra tại Hội đồng Bắc Đại Tây Dương - cơ quan ra quyết định cao nhất của NATO.
Trong ngày 24.10, ông Stoltenberg không nghĩ rằng, việc rút khỏi hiệp ước sẽ dẫn đến triển khai các tên lửa của Mỹ ở Châu Âu như đã xảy ra trong những năm 1980.
Các đồng minh NATO ở Châu Âu xem hiệp ước INF như một trụ cột kiểm soát vũ khí, đồng thời lo ngại sự sụp đổ của hiệp ước có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới, theo Reuters.