Sở thông tin và Truyền thông tiếp nhận đơn tố cáo, xử lý nghiêm tài khoản bôi nhọ

Vân Sơn - Trạch Dương |

Đại diện Sở thông tin và Truyền thông TPHCM cho biết thời gian qua có nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội để lan truyền thông tin sai sự thật, có mục đích riêng. Cơ quan chức năng rà soát, tiến hành xử lý riêng từng trường hợp để răn đe.

Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM liên tiếp nhận đơn kiến nghị, tố cáo

Chiều 15/8, tại cuộc họp thường kỳ tại Trung tâm báo chí TPHCM , Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM lên tiếng về tình trạng nhiều tài khoản mạng xã hội, trong đó có người nổi tiếng, TikToker có hành vi tung tin sai sự thật, vu khống nhằm mục đích riêng.

Liên quan tình trạng vu khống, bôi nhọ người khác, ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, cho biết cơ quan chuyên môn tiếp nhận đơn kiến nghị của ban tổ chức Miss Grand Vietnam 2024 và đơn tố cáo của người mẫu Thanh Hằng.

"Chúng tôi mời Thanh Hằng và đại diện ban tổ chức Miss Grand Vietnam 2024 lên làm việc nhằm hướng dẫn xử lý trường hợp cụ thể" - ông Hồi nói.

"Cơ quan quản lý sẽ điều tra theo đúng quy trình. Nếu phát hiện các tài khoản sử dụng không gian mạng để xúc phạm người khác, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ để xử lý", ông Hồi nói thêm.

Tuy khác nhau về tên gọi, về bản chất, đơn tố cáo của Thanh Hằng và đơn đề nghị xử lý hành vi vi phạm từ ban tổ chức Miss Grand Vietnam 2024 với tài khoản mạng đều phản ánh họ bị vu khống, tung tin sai sự thật và làm ảnh hưởng uy tín, danh dự.

Trường hợp của ban tổ chức Miss Grand Vietnam, họ cầu cứu vì một số người trên mạng xã hội cho rằng kết quả cuộc thi thiếu minh bạch. Hoa hậu được dọn đường vì là người nhà của ban tổ chức.

"Thông tin trên lan truyền chóng mặt trên Facebook, TikTok. Nhiều bài đăng cố tình xuyên tạc sự thật, nhận nhiều bình luận trái chiều, xúc phạm danh dự, uy tín và gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức liên quan", ban tổ chức Miss Grand Vietnam nêu trong đơn.

Ngoài ra, đơn vị này kiến nghị Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM rà soát, xử lý tài khoản đăng bài suy diễn trưởng ban tổ chức và tổng đạo diễn là sân sau của thế lực xấu, biến hình ảnh áo dài thành quan điểm chính trị để tấn công cá nhân và doanh nghiệp.

"Đằng sau những hội nhóm anti không đơn thuần là thể hiện cảm xúc, đó là hành vi có động cơ xấu, lợi dụng sự nổi tiếng của người khác để trục lợi. Điều quan trọng hơn là họ lợi dụng cảm xúc của cộng đồng để kinh doanh và phục vụ mục đích xấu khác", nội dung đơn.

Trong khi đó, Thanh Hằng gửi đơn tố cáo Hoàng Thùy, đề nghị xử lý thông tin đăng trên Facebook có hơn 300.000 người theo dõi của Á hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017.

Trong đơn tố cáo, Thanh Hằng trình bày từ 11-16/7, Hoàng Thùy liên tục đăng loạt bài viết qua series "Chị chị em em", "Anh anh em em". Bức ảnh chụp màn hình có dòng chữ Thanh Hang doesn't want..." (tạm dịch: Thanh Hằng không muốn) được phía siêu mẫu cho là Hoàng Thùy nhắc trực tiếp tên cô, có hành vi bôi nhọ.

"Tất cả bài viết, hình ảnh Hoàng Thùy đăng trên mạng xã hội đều có tính toán, chủ đích, cắt ghép và không có tính xác thực. Hệ quả xảy đến là có nhiều thành phần quá khích đã tấn công, bạo lực mạng với tôi", Thanh Hằng viết trong đơn gửi Sở TT&TT TPHCM.

Thanh Hằng và ban tổ chức Miss Grand Vietnam 2024 gửi đơn đề nghị xử lý cá nhân, tổ chức đưa tin bôi nhọ.

Xử lý nghiêm đối tượng sẵn sàng đóng phạt để gây tranh cãi

Tại buổi họp ngày 15/8, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM đồng thời lên tiếng về việc nhiều người nổi tiếng, TikToker có hành vi đăng tải nhiều thông tin chưa được xác minh, nhằm mục đích câu like, tăng tương tác, bất chấp việc ảnh hưởng danh dự người khác.

Ông Nguyễn Thanh Hòa , Trưởng phòng Thông tin điện tử, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, cho biết thời gian qua nhiều vụ ồn ào chủ yếu do người nổi tiếng, nhà sáng tạo nội dung, tài khoản nhiều người theo dõi gây ra. Họ lan truyền thông tin sai sự thật dựa trên mô hình "kinh doanh dựa trên sự chú ý".

Đại diện Sở thông tin và Truyền thông TPHCM cho biết đa số trường hợp trải qua 6 bước giống nhau. Ban đầu là tạo sự kiện gây sốc mạng xã hội, sau đó hình thành hai nhóm fan và antifan, mục đích để các nhóm khán giả tranh cãi, thu hút sự chú ý về phía mình.

Tiếp theo, họ tìm đến luật sư, tiến hành làm việc với cơ quan chức năng. Nhiều người bất chấp, sẵn sàng đóng phạt 7,5 triệu đồng (mức phạt hành chính cho hành vi lợi dụng mạng xã hội để lan truyền thông tin sai sự thật), sau đó lại livestream bán hàng.

Ông Nguyễn Thanh Hòa cho biết việc quản lý, đánh giá thông tin trên mạng xã hội khó hơn nhiều người nghĩ, do đặc thù tính ẩn danh, núp bóng tài khoản ảo. Ngoài ra, hiệu ứng lan truyền của mạng xã hội mạnh hơn nhiều so với môi trường thực, gây ra nhiều tiêu cực.

Để giảm thiểu tình trạng nhiều người cố tình gây sốc trên mạng xã hội, ông Hòa đề nghị quy trách nhiệm cho nhà cung cấp nền tảng livestream.

"Chúng tôi sẽ làm việc với cơ quan chức năng thành phố, xử lý từng vụ để răn đe. Các đơn vị quảng cáo, nhà sáng tạo nội dung cũng bị xử lý nếu bỏ tiền đầu tư video xấu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến danh dự của các tổ chức, cá nhân", đại diện Sở chia sẻ.

Phát ngôn mới của đại diện Sở Thông tin Truyền thông TPHCM làm đậm sự quả quyết của cơ quan chức năng về việc xử lý tình trạng phát ngôn gây sốc, lan truyền thông tin sai sự thật trên mạng xã hội. Năm 2023, Bộ Thông tin Truyền thông cũng phối hợp Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xây dựng danh sách đen nghệ sĩ sai phạm nhằm thanh lọc môi trường mạng xã hội.

Sở thông tin và Truyền thông tiếp nhận đơn tố cáo, xử lý nghiêm tài khoản bôi nhọ - Ảnh 2.Trường ĐH Hà Nội khẳng định không còn lưu hồ sơ tuyển sinh, bằng tốt nghiệp cấp 3 của ông Vương Tấn Việt

Ngôi trường đại học đầu tiên mà ông Vương Tấn Việt nộp hồ sơ tuyển sinh hiện khẳng định không còn lưu giữ bằng tốt nghiệp cấp 3 của ông này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại