Chị N.H (30 tuổi - Hà Nội) sau 3 ngày tai bị đau nhức dữ dội, cảm giác đầy, bít, nút tai, nghe kém nên đã tới bệnh viện để thăm khám. Kết quả nội soi tai mũi họng cho thấy chị bị viêm ống tai ngoài khá nặng, ống tai phải phù nề, xuất hiện nhọt đã vỡ mủ. May mắn, màng nhĩ 2 bên vẫn bình thường, không bị ảnh hưởng.
Chị H cho biết, từ đầu mùa hè, chị thường xuyên đi bơi "tránh nóng". Đến khi tai đau nhức với nhiều dấu hiệu bất thường kèm theo, chị vẫn không nghĩ nguyên nhân đau tai đến từ sở thích bơi lội của mình.
Theo ThS.BS.Nguyễn Xuân Quang (Trưởng khoa Tai Mũi Họng và Phẫu thuật Đầu cổ - Bệnh viện Hồng Ngọc), viêm ống tai ngoài do bơi lội (Swimmer's ear) xảy ra do nhiễm trùng lớp da mỏng khoang tai, tác nhân thường là vi khuẩn hoặc vi nấm.
"Ống tai ngoài ứ đọng nước, kết hợp với thời tiết nóng ẩm tại Việt Nam là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi, gây viêm nhiễm. Vào mùa hè, mọi người thường xuyên bơi lội, nước vào trong tai không được lấy đúng cách - khiến tỷ lệ viêm tai ngoài gia tăng. Chưa kể, nhiều bể bơi không đảm bảo vệ sinh càng khiến tình trạng viêm tai ngoài phổ biến hơn trong những ngày hè", bác sĩ Quang chia sẻ.
Ảnh: BSCC
Cần làm gì để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh về tai khi đi bơi?
Liên quan đến cách phòng tránh, ThS.BS Xuân Quang cho biết: "Khi bơi lội mùa nắng nóng, cần sử dụng nút bịt tai hoặc vỏ bọc bảo vệ tai. Trong khi bơi tránh để bản thân bị sặc nước, hạn chế nước lọt vào mũi, họng. Bên cạnh đó, người dân cũng cần lựa chọn các bể bơi có nguồn nước đảm bảo vệ sinh, tránh tình trạng tai nhiễm bẩn, gây viêm tai".
Bác sĩ Quang cũng khuyến cáo thêm, người dân cần thực hiện một số phương pháp vệ sinh tai sạch sẽ sau khi bơi để ngăn ngừa nguy cơ viêm tai. Cụ thể:
- Sau bơi cần nghiêng đầu sang từng bên, day nhẹ nắp ống tai để nước chảy ra ngoài
- Sử dụng bông gòn đặt nhẹ vào ống tai ngoài, để yên trong khoảng 3-5 phút để bông thấm hút hết nước
- Dùng nước muối sinh lý vệ sinh mắt, mũi, họng để tránh viêm mũi họng có thể chuyển biến thành viêm tai
Chia sẻ thêm về viêm tai, bác sĩ Quang nói: "Người có tiền sử viêm tai giữa, viêm xoang, viêm mũi dị ứng càng nên cẩn trọng khi đi bơi, sau khi bơi cần vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý để loại bỏ các tác nhân kích thích dị ứng hoặc mầm bệnh trong nước bể bơi. Khi có dấu hiệu ngứa, tai chảy dịch, đau đỏ,... người dân cần tới cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và có chỉ định điều trị kịp thời".