Honda BR-V hoàn toàn mới vừa ra mắt thị trường Việt Nam với nhiều nét mới mẻ về thiết kế cũng như được trang bị nhiều tính năng tiện ích và hệ thống an toàn đa dạng, điều này giúp xe có những lợi thế cạnh tranh nhất định trong phân khúc MPV giá rẻ với 2 đại diện dẫn đầu hiện nay gồm: Mitsubishi Xpander và Toyota Veloz Cross.
Vẫn "theo truyền thống", Honda BR-V có giá cao hơn so với các đối thủ còn lại, cho dù có nhiều nhận định về việc HVN đã "thực tế" hơn khi định giá chiếc MPV giá rẻ trước các đối thủ khác - vốn đã khẳng định vị thế tại thị trường Việt Nam.
Và trên thực tế, phiên bản thấp nhất của mẫu MPV này, chiếc Honda BR-V G có giá bán cũng đã cao hơn cả các phiên bản cao cấp nhất của Xpander và Veloz Cross. Vậy với tầm tiền đó, các mẫu MPV giá rẻ này có gì để "thuyết phục" người tiêu dùng Việt Nam?
Theo đó, Honda BR-V G đắt hơn 3 triệu đồng so với 2 đối thủ, và cũng được nhập khẩu từ Indonesia, tương tự Mitsubishi Xpander trong khi MPV của Toyota được lắp ráp trong nước. Và đây chính là lợi thế của Veloz Cross với việc được hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ từ Chính phủ cho xe lắp ráp trong nước, từ nay đến hết năm 2023.
Về kích thước, Mitsubishi Xpander dường như vẫn cho thấy sự nổi bật với cả chiều dài x rộng x cao, trục cơ sở và cả khoảng sáng gầm xe. Trong khi đó, Toyota Veloz Cross lại có lợi thế ở bán kính vòng quay và trọng lượng nhỏ hơn tuy nhiên chỉ được sở hữu bánh mâm chỉ 16 inch, kém so với 2 đối thủ còn lại.
Thiết kế ngoại thất của cả 3 mẫu xe này đều có hướng ưu tiên vẻ cứng cáp và thể thao, nhưng Honda BR-V có ngoại hình ấn tượng hơn và cũng vừa ra mắt nên sẽ được nhiều người tiêu dùng chú ý. Tuy nhiên đối với một mẫu MPV, ngoại hình cũng chỉ là một yếu tố để đánh giá trong khi còn khá nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý người mua như trang thiết bị, độ bền, chi phí sở hữu và vận hành, cũng như như năng thanh khoản về sau.
Honda BR-V chia sẻ động cơ i-VTEC 1.5L với City và có sức mạnh 119 mã lực cùng momen xoắn cực đại 145 Nm. Trong khi đó, Mitsubishi Xpander có động cơ với công suất nhỏ hơn, đi kèm hộp số tự động 4 cấp vốn không được đánh giá cao về độ mượt mà nhưng rõ ràng, đã mang lại cho nhà sản xuất sự tối ưu về đầu tư nghiên cứu phát triển - và đương nhiên công nghệ cũ, động cơ cũ đã khiến Xpander phải đánh đổi bằng mức tiêu thụ nhiên liệu cao hơn các đối thủ còn lại.
Lượng trang bị tiện ích trên 3 mẫu xe này khá dồi dào so với mức giá và không quá chênh lệch nhau, đặc biệt ở trang bị đèn (đèn pha và đèn hậu đều sử dụng công nghệ LED). Chỉ có khác biệt ở việc Honda BR-V G không có đèn sương mù trong khi Toyota Veloz Cross CVT không có đèn định vị ban ngày, nhưng bù lại cả hai đều có sẵn thanh giá nóc để tăng khả năng chở đồ trong khi mẫu xe Mitsubishi lại có có chút điểm nhấn với tay nắm cửa mạ Chrome.
Trong khoang cabin, Xpander AT Premium cũng cho thấy độ cao cấp với ghế được bọc da, màn hình giải trí cảm ứng với kích thước tới 9 inch và phanh tay điện tử. Trong khi đó, Toyota Veloz Cross lại là mẫu xe duy nhất có cụm đồng hồ kỹ thuật số hoàn toàn với 7 inch, cùng tính năng sạc không dây và điều hòa tự động.
Nội thất của cả 3 mẫu xe này đều được thiết kế theo hướng thực dụng để tận dụng được tối đa không gian vốn không quá rộng rãi của những chiếc MPV giá rẻ. Trong đó, Mitsubishi Xpander được cho sẽ mang lại không gian tốt nhất với kích thước cơ bản và trục cơ sở lớn nhất, Honda BR-V có thiết kế nội thất đơn giản nhất nhưng sở hữu một số tính năng khá cao cấp mà nhà sản xuất trang bị cho thị trường Việt Nam.
Về an toàn và hỗ trợ lái, Honda BR-V có lợi thế lớn khi được trang bị gói hệ thống hỗ trợ lái chủ động mới nhất - Honda Sensing, thậm chí trên phiên bản BR-V G này cũng có đầy đủ các tính năng. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mà Honda lại không trang bị hệ thống kiểm soát lực kéo, một tính năng không có gì là quá đặc biệt với một mẫu xe hiện nay tại Việt Nam (thậm chí mẫu xe hạng A là VinFast Fadil cũng đã từng được trang bị).
Trong khi đó, Toyota Veloz Cross lại có ưu thế trước hai đối thủ với việc trang bị phanh đĩa cho cả phía trước và sau, cùng với các tính năng như cảnh báo điểm mù, cảnh báo xe cắt ngang phía sau và trang bị tới 6 túi khí cùng cảm biến hỗ trợ đỗ xe phía sau. Mặc dù vậy, thật oái oăm khi mà Toyota lại không trang bị hệ thống kiểm soát hành trình cho Veloz Cross, một trang bị không thể thiếu đối với một mẫu xe MPV trên những hành trình dài.
Và thật đáng tiếc, trong khi hai đối thủ từ Honda và Toyota có nhiều điều để nói tới thì Mitsubishi Xpander dường như sở hữu ít tính năng nhất an toàn nhất...
Với giá bán và lượng trang bị như trên, Honda BR-V G sẽ cần những đợt ưu đãi và giảm giá mạnh từ hãng để có thể cạnh tranh với 2 đối thủ khi điểm mạnh nhất của xe hiện chỉ nằm ở động cơ, trong khi việc nhập khẩu từ Indonesia khiến cho HVN khó chủ động về nguồn cung (tương tự Xpander).
Mitsubishi Xpander AT Premium vẫn là lựa chọn tốt trong tầm giá này, do đã có danh tiếng từ trước và sở hữu điểm mạnh đồng đều về các khía cạnh, nhưng MPV này vẫn bất lợi hơn trong nửa năm tới khi chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ dành cho ô tô lắp ráp trong nước tiếp tục được áp dụng.
Khá bất ngờ khi Toyota Veloz Cross lại có nhiều lợi thế trong thời điểm này, ngoài việc sở hữu nhiều trang bị an toàn và tiện ích, xe còn được lắp ráp trong nước để hưởng ưu đãi lệ phí trước bạ và chủ động hơn về nguồn cung. Nửa cuối năm 2023 có thể sẽ chứng kiến mức tăng trưởng mạnh về doanh số xe nếu Toyota Việt Nam thực hiện tốt các chiến dịch Marketing và bán hàng của mình.
Hiện tại vào thời điểm này, trong khi Toyota Veloz được ưu đãi 50% lệ phí trước bạ từ Chính phủ thì Mitsubishi "mạnh tay hơn" khi MMV ưu đãi bằng tiền mặt tương đương 100% lệ phí trước bạ. Hãy cùng chờ xem Honda Việt Nam sẽ "làm thế nào" để cạnh tranh với các đối thủ đồng hương này.
Theo Thế Giới Phương Tiện