Thần điêu đại hiệp là một trong những tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng nhất của Kim Dung, đã được chuyển thể thành phim nhiều lần.
Trong tất cả những phiên bản phim đã chiếu, có 3 bản Thần điêu đại hiệp thành công nhất là 1983, 1995 và 2006. Và 2 bản 1995 và 2006 thường được đem ra so sánh rất nhiều lần.
Bối cảnh và các yếu tố khác trong phim
Nói về điểm này, Thần điêu đại hiệp 2006 chắc chắn sẽ nhận được nhiều lời khen về bối cảnh cũng như kỹ xảo đẹp hơn bản 1995.
Được đầu tư một khoản lớn nên đương nhiên, Thần điêu đại hiệp 2006 có nhiều lợi thế hơn bản 1995 từ việc lựa chọn kỹ lưỡng bối cảnh cho đến kỹ xảo cũng như tạo hình.
Một cảnh trong phiên bản năm 1995…
…và năm 2006.
Mặc dù kỹ xảo trong phim Thần điêu đại hiệp 1995 không đẹp như bản 2006 nhưng nhiều khán giả nhận xét, bản 1995 trong chân thật và gần gũi hơn so với bản 2006.
Dàn diễn viên
Có thể nói, cả 2 phiên bản phim đều rất chú trọng trong việc tìm kiếm diễn viên thích hợp nhất cho bộ phim.
Phiên bản 1995 có vẻ bị áp lực hơn nhiều khi đó là phiên bản làm lại của bộ Thần điêu đại hiệp 1983 kinh điển trước đó.
Vai Dương Quá: Cổ Thiên Lạc (1995) – Huỳnh Hiểu Minh (2006)
Cổ Thiên Lạc
Trong phiên bản Thần điêu đại hiệp 1995, Cổ Thiên Lạc nhận được rất nhiều lời khen ngợi bởi vẻ ngoài vô cùng điển trai và làn da trắng. Cùng với tạo hình, Dương Quá của Cổ Thiên Lạc được cho là trông rất giống với một thư sinh.
Dù là một diễn viên mới nhưng Cổ Thiên Lạc lại có diễn xuất rất tự nhiên và chân thật.
Huỳnh Hiểu Minh
Huỳnh Hiểu Minh trong phiên bản 2006 khiến cho người xem cảm nhận được rõ ràng nhất hình ảnh của Dương Quá trong truyện của Kim Dung, thông minh lém lỉnh và cũng rất "ngông".
Thế nhưng, điểm trừ của Huỳnh Hiểu Minh chính là anh quá già khi vào vai Dương Quá (khi đóng Dương Quá, Huỳnh Hiểu Minh đã 29 tuổi) và tạo hình có phần giống… cái bang.
Vai Tiểu Long Nữ: Lý Nhược Đồng (1995) – Lưu Diệc Phi (2006)
Lý Nhược Đồng
Vai diễn Tiểu Long Nữ của Lý Nhược Đồng (1995) được coi là kinh điển nhất. Dù chưa có quá nhiều kinh nghiệm trong nghiệp diễn nhưng Lý Nhược Đồng vẫn thể hiện thành công vai diễn Tiểu Long Nữ.
Ngoài khả năng diễn xuất được đánh giá cao, tạo hình và cách trang điểm đơn giản của Lý Nhược Đồng cũng được coi là rất thích hợp với hình ảnh của một người con gái ở trong Cổ Mộ, khiến cho Tiểu Long Nữ của cô khắc sâu trong tâm trí của khán giả cho đến tận bây giờ.
Lưu Diệc Phi
Khi đóng vai Tiểu Long Nữ, Lưu Diệc Phi mới 19 tuổi và cũng chưa có quá nhiều kinh nghiệm trong diễn xuất.
Tiểu Long Nữ của Lưu Diệc Phi có tạo hình được chăm chút kỹ lưỡng, trông rất đẹp.
Nhưng tuy vậy, nhiều người vẫn cho rằng, trông Lưu Diệc Phi trông khá giống một vị tiểu thư. Diễn xuất của Lưu Diệc Phi cũng không quá nổi trội như Lý Nhược Đồng nhưng không thể phủ nhận, cô có một vẻ đẹp hiếm có, thanh cao thoát tục như thần tiên.
Vai Lý Mạc Sầu: Tuyết Lê (1995) – Mạnh Quảng Mỹ (2006)
Tuyết Lê (trái) – Mạnh Quảng Mỹ
Lý Mạc Sầu của Tuyết Lê trong phiên bản 1995 được đánh giá rất cao và được cho là kinh điển nhất. Dù không có nhan sắc nổi bật nhưng Tuyết Lê vẫn gây ấn tượng với một Lý Mạc Sầu độc ác, lạnh lùng và cũng rất vô tình.
Trong khi đó, phiên bản 2006 của Mạnh Quảng Mỹ lại bị "ném đá" tơi bời chỉ vì quá độc ác, làm mất lòng khán giả xem phim.
Thêm vào đó, kiểu tóc "pha trộn" màu mè giữa màu đen, tím, xanh cũng khiến cho Mạnh Quảng Mỹ mất điểm trầm trọng.
Vai Quách Tương: Lý Ỷ Hồng (1995) – Dương Mịch (2006)
Lý Ỷ Hồng (trái) – Dương Mịch
Lý Ỷ Hồng đã thể hiện khá tốt vai diễn Quách Tương, một cô gái hoạt bát và đáng yêu. Mới bước vào làng giải trí chưa lâu nhưng Lý Ỷ Hồng đã tạo được ấn tượng tốt bởi sự thành công ngoài mong đợi của vai diễn Quách Tương.
Trong khi, vai diễn Quách Tương của Dương Mịch được cho là thành công nhất trong các phiên bản. Dù khi đóng vai này Dương Mịch mới 20 tuổi nhưng cô đã thể hiện xuất sắc nét ngây thơ trong sáng của Quách Tương.
Vai Quách Phù: Phó Minh Hiến (1995) – Trần Tử Hàm (2006)
Phó Minh Hiến (trái) – Trần Tử Hàm
Thể hiện vai Quách Phù kênh kiệu, không coi ai ra gì, rất đáng ghét và còn chặt tay của Dương Quá, Phó Minh Hiến được cho là đã diễn rất tròn vai. Cộng thêm nhan sắc xinh đẹp, Phó Minh Hiến thật sự đã được khen ngợi khá nhiều cho vai Quách Phù này.
Cũng giống như Phó Minh Hiến, Trần Tử Hàm trong phiên bản 2006 được đánh giá là đã thể hiện tốt hình ảnh của Quách Phù trên màn ảnh.
Ngoài ra, những nhân vật phụ khác trong 2 phiên bản cũng được đánh giá là tròn vai, thể hiện tương đối tốt vai diễn của họ.
Những điểm không hợp lý
Nói đến những điểm không hợp lý trong phim, phiên bản năm 2006 xuất hiện nhiều lỗi hơn so với bản năm 1995. Bản 1995 được cho là có nhiều cảnh tốt, tuy vẫn có lỗi nhưng không lớn và cũng chẳng ảnh hưởng gì đến phim.
Một trong những cảnh đầu gây chú ý nhất chính là khi Tôn bà bà vì cứu Dương Quá nên đã đánh nhau với người của Trùng Dương cung. Bà bị đánh trọng thương và khó lòng qua khỏi. Đang lúc tình hình nguy cấp thì Tiểu Long Nữ xuất hiện giải nguy.
Nhưng nếu Tiểu Long Nữ của 1995 xuất hiện nhanh chóng để "cứu nguy" thì Tiểu Long Nữ của bản 2006 lại khá… lề mề. Tiểu Long Nữ của Lưu Diệc Phi đứng trên mái nhà, từ từ bay xuống với sự phụ họa của những dải lụa trắng. Trong lúc nguy cấp như thế mà nàng vẫn ung dung, xuất hiện với hình ảnh của một nàng tiên giáng trần.
Xuất hiện với hình ảnh cực đẹp nhưng Tiểu Long Nữ của Lưu Diệc Phi bị cho là quá… lề mề khi lúc đó đang là lúc nguy cấp.
Thêm vào đó, cảnh đánh nhau giữa Tiểu Long Nữ và Lý Mạc Sầu (bản 2006) cũng bị cho là quá "lố" bởi sự xuất hiện của những chiếc ô đủ màu sắc chẳng biết từ đâu ra.
Muốn tạo cảnh đẹp mắt nhưng rốt cuộc lại bị chê "lố".
Trong cảnh trùng phùng với Tiểu Long Nữ sau 16 năm xa cách trong bản 2006 cũng bị chê khá nhiều. 16 năm cách biệt nhưng có vẻ như Tiểu Long Nữ sống ở vực sâu khá… vui vẻ, thoải mái và hạnh phúc. Đó không giống như hình ảnh của một người con gái phải chịu chia ly với người mình yêu.
Còn bản 1995 lại được khen bởi sự đơn giản, không quá phô trương cầu kỳ như bản 2006.
Tiểu Long Nữ của Thần điêu đại hiệp 2006 tuy phải sống trong cảnh chia ly với Dương Quá nhưng có vẻ vẫn rất vui vẻ và hạnh phúc.