Hoạn quan hay thái giám, công công… là cách gọi chung dùng để chỉ những người đàn ông phải trải qua quá trình "tịnh thân" (thiến) để được vào làm việc trong cung đình.
Trong lịch sử Trung Hoa nói riêng, tầng lớp này đã xuất hiện từ thời Tây Chu và chuyên dùng vào những việc như truyền lệnh, canh gác, quét dọn, hầu hạ phi tần…
Theo đó, những quan lại thuộc tầng lớp thái giám vốn không có quyền can dự vào chính sự. Tuy nhiên do thường xuyên kề cận bên cạnh các nhân vật hoàng tộc với tư cách là những người hầu hạ thân tín, tình trạng hoạn quan chuyên quyền làm bậy đã từng xảy ra nhiều lần tại nước này vào thời nhà Đông Hán, Đường, Minh…
Thế nhưng sự thực là dù có được quyền cao chức trọng tới đâu, thì những người mang thân phận hoạn quan, thái giám cũng khó có được một cuộc sống bình thường, bởi lẽ họ đã mang trên mình khiếm khuyết sinh lý vĩnh viễn không thể thay đổi.
Giờ đây mỗi khi nhắc tới giai thoại về các thái giám phong kiến, hậu thế vẫn thường kể lại cho nhau nghe nhiều câu chuyện rùng rợn về quá trình "tịnh thân" đầy đau đớn của những người thuộc tầng lớp này.
Những bí mật ít biết về thủ thuật biến nam nhân trở thành thái giám chỉ bằng một nhát dao
Xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử Trung Hoa, tầng lớp hoạn quan, thái giám đã trở thành một nhóm người gần như không thể thiếu đối với cuộc sống của hoàng tộc phong kiến. (Ảnh minh họa).
Tại Trung Hoa phong kiến, quá trình biến một người đàn ông thành thái giám thường được gọi với nhiều tên khác nhau như "tịnh thân", "yêm cát", "cung hình", "thiến", "hoạn"…
Theo những nghiên cứu của các học giả hiện đại, việc các nam tử Trung Hoa xưa chấp nhận "tịnh thân" để trở thành hoạn quan thường xuất phát từ 3 nguyên nhân dưới đây.
Thứ nhất, họ là những tội phạm, tù binh hoặc kẻ phản nghịch phải chịu hình phạt cắt sinh thực khí.
Thứ hai, những người này là cống phẩm của các địa phương hoặc chư hầu tiến cống vào cung đình, để có thể ở lại hầu hạ trong cung, họ chỉ có một lựa chọn duy nhất là tịnh thân.
Thứ ba, đa số các hoạn quan thời xưa đều vì xuất thân nghèo khó hoặc mưu cầu danh vọng mà tự nguyện xin được thiến để bước chân vào chốn cung đình.
Vào thời đại y học còn tương đối lạc hậu, quá trình "tịnh thân" của các thái giám diễn ra một cách vô cùng đau đớn và tồn tại không ít rủi ro.
Nếu loại trừ số ít những người đã bị khiếm khuyết cơ quan sinh dục bẩm sinh, thì tất cả các hoạn quan đều phải trải qua quá trình tịnh thân đầy đau đớn.
Theo ghi chép của các nguồn sử liệu, thủ thuật tịnh thân của tầng lớp thái giám có nhiều loại khác nhau. Trong đó phổ biến hơn cả là 4 hình thức được liệt kê trong "Nam tinh thái giám khốc hình", cụ thể là:
Hình thức thứ nhất: Cắt bỏ toàn bộ cơ quan sinh dục, bao gồm cả dương vật và tinh hoàn.
Hình thức thứ hai: Chỉ cắt bỏ tinh hoàn.
Hình thức thứ ba: Đè hoặc bóp cho vỡ nát tinh hoàn.
Hình thức thứ tư: Cắt bỏ ống dẫn tinh.
Theo bà Lưu Nguyệt Bình (Phó Giám đốc bảo tàng Thái giám Bắc Kinh), quá trình tịnh thân thời xưa thường được tiến hành theo trình tự như sau:
"Những bé trai khi bị thiến, tứ chi phải được buộc cố định, sau đó đem sinh thực khí buộc đứng lên, dùng nước lạnh chườm một lúc rồi dùng dao cắt đi. Cắt cũng có nhiều cách cắt, một dạng là đem tinh hoàn cắt bỏ, còn có một dạng là cắt hết toàn bộ sinh thực khí".
Bên cạnh những cách làm nêu trên, cuốn "Mạt đại thái giám bí văn" còn đề cập tới một loại phương pháp có tên là "thằng hệ pháp". Theo đó, người ta sẽ dùng dây cột chặt tinh hoàn của những đứa bé trai ngay từ khi còn nhỏ.
Hình thức này không ảnh hưởng tới việc đi vệ sinh nhưng ức chế sự phát triển của cơ quan sinh dục, khiến cho đứa trẻ sau khi trưởng thành thì không nảy sinh ham muốn tình dục và cũng không còn khả năng quan hệ chăn gối.
Ngay cả khi đã thực hiện xong quá trình "tịnh thân", việc họ có thể sống sót để trở thành hoạn quan hay không vẫn là điều không mấy ai dám chắc chắn. (Ảnh minh họa).
Trong vòng 3 ngày sau khi tiến hành tịnh thân, những người này sẽ không được ăn uống hay để cơ thể đụng vào nước. Nếu người đó sau 3 ngày có thể đi tiểu tiện bình thường thì xem như đã qua thời kỳ nguy hiểm.
Những trường hợp không thể tiểu tiện được nghĩa là sinh thực khí đã bị thu hẹp hoặc bịt kín, điều này đồng nghĩa với việc họ chỉ còn nước… nằm chờ chết!
Do y học thời bấy giờ còn tương đối lạc hậu, cho nên quá trình tịnh thân vẫn bị xem như một cực hình đau đớn và thậm chí còn có nguy cơ đe dọa tới tính mạng. Cũng bởi vậy mà trước khi tiến hành thủ thuật này, họ sẽ phải lập một bản giao kèo trước sự làm chứng của nhiều người.
Bản giao kèo ấy cũng giống như hợp đồng ngày nay, nội dung chỉ đề cập tới việc người này tự nguyện muốn tịnh thân và không được gây khó dễ cho "đao phủ" nếu xảy ra chuyện ngoài ý muốn.
Thế nhưng ngay cả khi đã có đơn từ làm chứng, những "đao phủ" trước lúc xuống tay vẫn thường hỏi những người này rằng "có hối hận hay không". Chỉ khi người bị tịnh thân chắc chắn với quyết định của mình thì thủ thuật mới được thực hiện.
Số phận "vật dư thừa" của các thái giám sẽ ra sao sau khi bị cắt bỏ?
Đã từng có giai đoạn Tử Cấm Thành còn đặt riêng một căn phòng tên là "phòng bảo bối" để cất giữ "vật dư thừa" của các thái giám trong cung. (Ảnh minh họa).
Nếu may mắn sống sót sau màn thủ thuật đau đớn và đầy rủi ro nêu trên, bộ phận sinh dục đã bị cắt rời sẽ được các hoạn quan xử lý như thế nào?
Cổ nhân Trung Hoa có quan niệm thân thể là do phụ mẫu ban, cho nên không thể tùy ý khiến bản thân mình bị thương. Vì vậy mà sau khi tịnh thân, phần âm hành đã bị cắt bỏ sẽ được các thái giám gọi là "bảo bối" và được bảo quản vô cùng cẩn thận.
Phương pháp lưu giữ "bảo bối" phổ biến nhất thường được tiến hành theo những bước sau:
Đầu tiên, đem "bảo bối" đặt vào một hộp vôi phấn để thấm hút máu cùng các chất dịch khác. Sau đó dùng vải ướt lau sạch sẽ, tiếp tục ngâm trong dầu mè, chờ đến khi dầu thẩm thấu thì đem cất vào một chiếc thăng hoặc một chiếc hộp gỗ và niêm phong kín bằng vải đỏ.
Tiếp đó, các thái giám sẽ chọn ngày giờ hoàng đạo, đem "bảo bối" treo lên xà nhà ở từ đường hoặc tại nơi mình đang ở, có một số thời đại trong Tử Cấm Thành còn đặt riêng một căn phòng có tên là "phòng bảo bối", chuyên dùng để cất giữ của quý của các thái giám.
Việc giữ gìn "bảo bối" và treo lên xà nhà thường được gọi là "hồng bộ cao thăng", ngụ ý cầu chúc cho người tịnh thân sẽ gặp nhiều may mắn và từng bước thăng tiến trên con đường làm hoạn quan của mình.
Ngay cả khi đã buộc phải cắt bỏ một phần thân thể để trở thành hoạn quan, thì "bảo bối" vẫn là thứ được các thái giám trân trọng và bảo quản cả đời. (Ảnh minh họa).
Về tục lệ giữ gìn bộ phận sinh dục sau khi đã tịnh thân của các thái giám, có hai nguyên nhân lý giải chủ yếu.
Thứ nhất là bởi vật này giống như một chiếc "giấy thông hành" chứng minh cơ thể của họ đã đạt yêu cầu để trở thành hoạn quan.
Thứ hai là để lúc qua đời sẽ được an táng chung cùng phần thân thể này, từ đó có một di thể vẹn toàn để được đầu thai làm đàn ông ở kiếp sau.
Trong trường hợp các thái giám quên lấy lại của quý sau khi tịnh thân, "bảo bối" này của họ sẽ được các "đạo phủ" giữ lại, chờ tới khi họ vào cung và dư dả tiền bạc thì sẽ chuộc về. Thậm chí nếu chẳng may làm mất hay làm hỏng thứ đồ này, các hoạn quan sẽ tìm đủ mọi cách để mua hay thuê "bảo bối" của người khác chứ tuyệt đối không nhắm mắt làm ngơ.
Cổ nhân Trung Hoa tin rằng kẻ nào mất đi "của quý" thì khi xuống âm tỳ địa phủ sẽ bị Diêm Vương biến thành con la cái. Chính quan niệm ấy đã trở thành một trong số những nguyên nhân khiến các thái giám sống chết phải bảo vệ "của quý" của mình.
Tới khi mất đi, người nhà của họ sẽ đem chúng khâm liệm cùng di thể của người quá cố, đồng thời đốt bỏ hết những giấy tờ liên quan tới việc tịnh thân để họ có mặt mũi đi gặp liệt tổ liệt tông nơi suối vàng.
*Dịch từ các báo nước ngoài