Khi nói về khả năng hỗ trợ trên không tầm gần, thì A-10 Thunderbolt II và Su-25 được xem là hai chiếc máy bay nổi bật nhất. A-10 được đánh giá cao với thiết kế chắc chắn, sở hữu pháo GAU-8/A 30mm uy lực, là nỗi khiếp sợ đối với các mục tiêu bọc thép. Một trong những điểm mạnh nhất của chiếc máy bay này là độ bền, nó được chế tạo để có thể chịu được các đòn tấn công từ vũ khí phòng không. Chiếc máy bay này rất xuất sắc khi hoạt động ở độ cao thấp khi bay với tốc độ thấp, mang lại cho nó độ chính xác cần thiết để tấn công các mục tiêu mặt đất.
Trong khi đó, Su-25 cũng nổi bật với vai trò hỗ trợ trên không tầm gần, nhưng nó được đánh giá cao với khả năng cơ động và khả năng hoạt động trong các điều kiện chiến trường khắc nghiệt. Giống như A-10, Su-25 cũng rất chắc chắn và có thể chịu được những đòn tấn công từ vũ khí phòng không.
Su-25 rất linh hoạt trong chiến đấu, có khả năng mang theo nhiều loại vũ khí từ tên lửa không đối đất đến bom. Thêm vào đó, máy bay có thể hoạt động trong điều kiện thời tiết bất lợi, khiến nó trở thành lựa chọn đáng tin cậy trong nhiều tình huống chiến đấu phức tạp.
Điểm khác biệt giữa A-10 với Su-25
Điểm khác biệt giữa A-10 với Su-25 là hệ thống vũ khí và vai trò cụ thể khi tham gia hỗ trợ trên không tầm gần. A-10 tập trung vào việc phá hủy các phương tiện bọc thép hạng nặng bằng hệ thống pháo GAU-8/A 30 mm và khả năng cơ động chậm ở độ cao thấp. Điều này cho phép nó ở lại trên chiến trường lâu hơn, cung cấp hỏa lực hỗ trợ liên tục.
Mặt khác, Su-25 nhanh hơn và linh hoạt hơn, thường được triển khai cho các cuộc tấn công nhanh trong môi trường chiến đấu khắc nghiệt. Su-25 có cấu trúc đơn giản hơn giúp dễ bảo trì và sử dụng hơn trong điều kiện cơ sở hạ tầng hạn chế. Mặc dù súng của Su-25 không mạnh bằng A-10, nhưng Su-25 có thể mang theo nhiều loại vũ khí hơn, mang lại sự linh hoạt trong nhiều tình huống chiến đấu khác nhau.
A-10 Thunderbolt II được chế tạo để chống lại các loại xe tăng trong Chiến tranh Lạnh. Ra mắt chiến đấu lần đầu tiên vào năm 1972, nó đã trở nên nổi tiếng vì hiệu suất chiến đấu cao trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc năm 1991, nơi nó đã tiêu diệt hàng ngàn xe tăng và xe bọc thép của Iraq.
Su-25 cũng tự hào về thành tích chiến đấu đáng gờm. Lần đầu tiên tham gia chiến đấu trong cuộc chiến tranh Afghanistan vào cuối những năm 1970, chiếc máy bay này đã chứng minh được bản lĩnh của mình trong những môi trường khắc nghiệt, cung cấp sự hỗ trợ thiết yếu cho lực lượng mặt đất của Liên Xô.
Kế hoạch loại bỏ A-10 của Mỹ đã gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi giữa các nhà phân tích quân sự và các nhà hoạch định chính sách. Lầu Năm Góc đặt mục tiêu làm mới đội bay của mình bằng các máy bay chiến đấu đa năng, tiên tiến như F-35.
Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, hệ thống hỏa lực mạnh mẽ và khả năng hoạt động hiệu quả ở độ cao thấp của A-10 vẫn có thể mang lại giá trị trong các tình huống cụ thể. Tuy nhiên, việc loại biên chiếc máy bay này được cho là phù hợp với chiến lược rộng hơn của Mỹ, nhằm giải quyết các thách thức quân sự đang phát triển và các mối đe dọa toàn cầu.
Nâng cấp Su-25
Trong khi đó, Nga vẫn đang đổ nguồn lực vào việc nâng cấp máy bay Su-25, với mục tiêu đưa nó lên chuẩn M3. Việc nâng cấp này bao gồm bổ sung các thiết bị điện tử hàng không mới để tăng cường khả năng dẫn đường, nhắm mục tiêu và liên lạc, cùng với các thiết bị điện tử chiến đấu tiên tiến.
Su-25M3 sẽ có các cảm biến và hệ thống vũ khí hiện đại, cho phép nó thực hiện nhiều nhiệm vụ chiến đấu khác nhau. Với các cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine và Syria, Nga coi Su-25 là một thành phần quan trọng của lực lượng vũ trang, đặc biệt là để cung cấp hỗ trợ trên không tầm gần.
Hơn nữa, Nga có kế hoạch tăng cường sản xuất Su-25 để duy trì năng lực quân sự của mình. Việc hiện đại hóa máy bay là một phần của chiến lược lớn hơn nhằm tăng cường sức mạnh quân sự của Nga, thể hiện cam kết đầu tư vào các tài sản chiến đấu thông thường để giải quyết các thách thức mới nổi.
Việc nâng cấp Su-25 lên cấp độ M3 có thể giúp Nga tăng cường hỗ trợ trên không trong ngắn hạn, đặc biệt là ở các khu vực xung đột phức tạp. Nỗ lực hiện đại hóa này cho thấy niềm tin của Nga vào việc nâng cấp các hệ thống máy bay chiến đấu truyền thống, để chúng có thể đáp ứng các yêu cầu hiện đại.
Thách thức trong tương lai
Tuy nhiên, về lâu dài, việc Nga tập trung vào việc hiện đại hóa các máy bay cũ có thể cản trở khả năng áp dụng các công nghệ quân sự mới của nước này.
Những thách thức chính đối với nhiệm vụ hỗ trợ không quân gần trong các cuộc xung đột ngày nay, bắt nguồn từ bối cảnh chiến tranh đang phát triển và những tiến bộ về công nghệ. Đáng chú ý là việc các lực lượng quân sự triển khai ngày càng nhiều các hệ thống phòng không tiên tiến, khiến các hoạt động ở độ cao thấp trở nên cực kỳ nguy hiểm đối với các máy bay như A-10 và Su-25.
Các hệ thống phòng thủ hiện đại như S-300 và S-400 của Nga có có khả năng phát hiện và tiêu diệt máy bay từ khoảng cách xa. Điều này buộc máy bay hỗ trợ không quân gần phải bay ở độ cao lớn hơn hoặc thực hiện các động tác phức tạp để tránh các cuộc tấn công bằng tên lửa.
Sự gia tăng của các phương tiện bay không người lái cũng là một nguyên nhân quan trọng khác. Máy bay không người lái ngày càng đảm nhiệm nhiều vai trò hỗ trợ chiến đấu tầm gần, giúp giảm bớt rủi ro cho phi công.
Hơn nữa, bối cảnh chiến tranh hiện đại đang chuyển sang các hoạt động tập trung vào mạng lưới liên kết, nơi mà truyền thông và chia sẻ dữ liệu đóng vai trò then chốt. Các máy bay truyền thống như A-10 và Su-25 không đáp ứng được các hệ thống liên lạc và nhắm mục tiêu hiện đại, khiến chúng kém hiệu quả hơn trong các kịch bản chiến đấu tích hợp tương lai.