Những ngày gần đây, dư luận Hàn Quốc dậy sóng với đoạn clip một người đàn ông Hàn Quốc liên tục đánh đấm vào người vợ mình một cách tàn nhẫn .
Đáng nói là sự việc diễn ra ngay trước mặt đứa con nhỏ chỉ mới tầm 2 tuổi. Mặc cho đứa trẻ sợ hãi, khóc lóc, người đàn ông bạo lực vẫn không chịu dừng tay.
Cô vợ trong clip được xác định là người Việt Nam, do sống ở xứ người chưa lâu, chưa thạo tiếng, lại gặp phải người chồng hay say xỉn, thường vin vào cớ này để bạo hành cô.
Hình ảnh người đàn ông thẳng tay hành hung vợ ngay trước mặt đứa con nhỏ khiến dư luận bức xúc
Luật nhập cư còn nhiều hạn chế góp phần khiến bạo lực gia đình gia tăng
Tuy nhiên, người phụ nữ Việt Nam này chỉ là một trong số nhiều trường hợp cô dâu ngoại quốc bị bạo hành gia đình bởi hệ thống nhập cư ở xứ sở kim chi.
Ban đầu, luật pháp thường yêu cầu các ông chồng Hàn Quốc phải chi trả cho thị thực và các khoản chi phí nhập cư của vợ mình và cả khi xin gia hạn visa hoặc đăng ký thường trú.
Nhưng điều luật đã được bãi bỏ từ tháng 12/2011 để bảo vệ tốt hơn quyền con người của người nhập cư.
Dù vậy, các nhóm dân sự cho biết, nếu không có sự giúp đỡ của người chồng thì những thủ tục pháp lý còn lại vẫn gây khó khăn cho những người vợ nước ngoài khi muốn được ở lại hoặc nhập quốc tịch Hàn Quốc.
"Người nước ngoài cần trải qua một cuộc phỏng vấn sau khi nộp đơn xin nhập quốc tịch Hàn Quốc.
Nhưng cho đến năm ngoái, nếu các ông chồng Hàn Quốc không đi cùng người vợ nước ngoài của mình đến cơ quan di trú thì họ sẽ không có cơ hội tham gia phỏng vấn", Kang Hye-sook, một đồng đại diện của Trung tâm Nhân quyền Phụ nữ Di cư Hàn Quốc cho biết.
Và chính vì khả năng ngôn ngữ chưa được trang bị đầy đủ cộng thêm nhiều quy trình pháp lý phức tạp và mơ hồ khiến những người vợ ngoại quốc gần như phải trao toàn bộ quyền kiểm soát số phận của họ vào tay người chồng Hàn Quốc nếu như muốn định cư.
Đây chính là lý do tại sao nhiều phụ nữ chỉ đành chịu đựng bạo lực và lạm dụng mà không báo cáo với cơ quan thực thi pháp luật.
Những người vợ ngoại quốc chỉ có thể có quyền hợp pháp để sống ở Hàn Quốc mà không cần sự giúp đỡ của người chồng nếu anh ta qua đời hoặc bỏ rơi họ.
Ngoài ra, khi những người vợ nước ngoài ly dị người chồng Hàn Quốc, họ phải đấu tranh với đối phương tại tòa án để chứng minh rằng đó là lỗi người chồng.
Người đàn ông Hàn Quốc hành hung chính thức lộ diện tại tòa án Gwangju, thành phố Mokpo, tỉnh Nam Jeolla hôm 8/7.
Theo Bộ Tư pháp, tính đến tháng 12/2018, đã có 132.391 phụ nữ nước ngoài đã được đăng ký là người nhập cư theo dạng kết hôn, con số này chiếm 1/10 tổng số người nước ngoài sống ở Hàn Quốc.
Một cuộc khảo sát năm 2017 của Ủy ban Nhân quyền Quốc gia cho thấy 42,1% trong số 920 người được hỏi thừa nhận mình đã phải chịu đựng bạo lực gia đình.
38% cho biết mình bị lạm dụng thể chất, trong khi gần 20 % kể rằng họ bị đe dọa bằng vũ khí.
Tuy nhiên, có đến 31,7% cho biết họ không tìm kiếm sự giúp đỡ nào, 25% cho biết họ không muốn người khác biết về bạo lực, 20,7% không biết tìm sự giúp đỡ ở đâu, và 20,7% khác nói rằng họ nghĩ người khác sẽ không thể giải quyết tình huống giúp mình.
Một nghiên cứu năm 2015 của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình (MOGEF) cũng cho thấy 6,4% người vợ nhập cư thú nhận bạo lực gia đình và sự đối xử tệ bạc là lý do họ ly dị chồng.
Đồng đại diện của Trung tâm Nhân quyền Phụ nữ Di cư Hàn Quốc Kang Hye-sook nhận thấy nên có một hệ thống mang lại sự bình đẳng trong mối quan hệ cho các cặp vợ chồng giữa các chủng tộc.
"Một nền văn hóa gia đình phân biệt giới tính và một hệ thống nhập cư nghèo nàn là lý do tại sao những người vợ ngoại quốc phải chịu bạo lực ở đây", bà nói.
Sự gia trưởng ở Hàn Quốc khiến địa vị người phụ nữ trở nên thấp kém trong xã hội
Bên cạnh đó, tình trạng phân biệt đối xử, bất bình đẳng giới ở xứ sở kim chi hiện nay cũng khiến người phụ nữ càng không có tiếng nói trong gia đình.
Là một nơi mà tư tưởng gia trưởng và phân biệt đối xử với phụ nữ đã ăn sâu vào suy nghĩ, không khó để thấy được thực trạng đáng sợ từ ngược đãi khi hẹn hò, bạo lực trong gia đình đến quấy rối nơi công sở hoặc thậm chí còn đáng sợ hơn là trả thù bằng clip "nóng" và giết người tại Hàn Quốc.
Việc đối xử bất công với người phụ nữ đến nay vẫn là một vấn đề nhức nhối ở đây.
Hàn Quốc vẫn là nơi trọng tư tưởng Nho giáo, coi nam giới có vai trò quan trọng hơn phụ nữ trong xã hội.
Một hệ thống tôn ti trật tự đã tồn tại dựa trên tuổi tác và giới tính, trong đó nam giới nắm giữ các vị trí quyền lực được duy trì trong hàng thế kỷ qua.
Bên cạnh đó, ở trong xã hội Hàn Quốc, phụ nữ luôn mặc định là người phải "nghe lời" trong các mối quan hệ. Việc tính cách của người phụ nữ phù hợp với tư tưởng và nhu cầu của người đàn ông được xem là sự hấp dẫn của cô ấy.
Theo một nghiên cứu do Viện Tội phạm học Hàn Quốc (KIC) thực hiện năm 2017, sau khi khảo sát 2.000 người đàn ông thì có đến 1.593 người (khoảng 79,7%) thừa nhận bản thân từng có hành vi ngược đãi bạn gái khi hẹn hò và khoảng 71% trong số đó nói rằng họ kiểm soát hầu hết các hoạt động cá nhân của bạn gái.
Ngoài ra, còn có những hành vi nghiêm trọng hơn như: quấy rối tình dục, ngược đãi tinh thần, ngược đãi thể xác, lạm dụng tình dục và cố ý gây thương tích.
Một thành viên của KIC, Hong Young Oh cho rằng tình trạng này bắt nguồn từ tư tưởng gia trưởng hình thành từ lâu đời trong xã hội Hàn Quốc.
Họ thậm chí còn không ý thức được hoặc không nghĩ rằng hành động của mình chính là ngược đãi khi hẹn hò.
Quay trở lại sự việc chồng Hàn đánh vợ Việt suốt 3 tiếng đến gãy xương nói trên, tình tiết mới của vụ việc hé lộ người chồng này đã quen thói vũ phu, lần đầu tiên cô bị chồng mình đánh là ngay tại quê nhà Việt Nam .
Trước khi gặp cô, anh ta đã trải qua 2 cuộc hôn nhân thất bại với những người vợ Hàn Quốc. Ở mỗi lần kết hôn, anh ta đều có con trai nhưng sau khi đổ vỡ lại giao hết trách nhiệm chăm sóc và nuôi dưỡng con cái cho vợ cũ.
3 năm trước, sau khi nghe người phụ nữ Việt Nam nói đang mang thai con của mình, người đàn ông Hàn Quốc lập tức yêu cầu cô phá thai. Lúc đó, cả hai vẫn đang trong thời gian hẹn hò.
Khi bị cảnh sát bắt để điều tra vụ hành hung vợ, anh ta nói với các phóng viên rằng hi vọng trường hợp của mình sẽ được xem xét lại vì người chồng vũ phu này vẫn cho rằng "những người đàn ông khác cũng như vậy".
Tư tưởng "đàn ông luôn đúng" đã ăn sâu vào gốc rễ khiến những người đàn ông có hành vi bạo lực gia đình thậm chí không nhận ra được lỗi sai của mình kể cả khi sự việc khiến dư luận bất bình và kịch liệt lên án.