Thời kì đầu những năm “Đại cách mạng văn hóa vô sản” Trung Quốc (1966-1986), tôi là lưu học sinh quân sự ở Nam Kinh, cho đến năm 1969 mới tốt nghiệp về nước. Sau này, người Trung Quốc nhìn lại thời kì đó đúc kết lại thành mấy từ cô đọng gọi là “thời kì động loạn”.
“Đại cách mạng văn hóa vô sản” do Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc, Mao Trạch Đông đích thân phát động, được tiến hành đúng cách mà ông vạch ra, tạo dư luận trước, hành động sau. Lí luận dẫn đường của ông: ngoài đảng có đảng, trong đảng có phái.
Nhớ lại, khi nổ ra “Đại cách mạng văn hóa”, các lưu học sinh dân sự Việt Nam đều về nước, vì hệ thống đại học Trung Quốc đóng cửa để sinh viên đi “xâu chuỗi” làm cách mạng. Riêng lưu học sinh quân sự được phía Trung Quốc cho lưu lại học nốt chương trình để trở về phục vụ cho cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Từ 1965, Trung Quốc cải tiến giáo dục, đề cao vai trò tự học của học viên, giảng viên chỉ làm nhiệm vụ hướng dẫn học tập, tôi hay đi thư viện đọc báo và tò mò xem báo chữ lớn. Những cây bút xung kích như nêu trên, tôi chú ý một cái tên với giọng văn xung kích, hừng hực Hồng vệ binh, sẵn sàng bùng nổ: Thích Bản Vũ.
Thông tin ở Trung Quốc ngày đó, ngoài những kênh chính thống như Nhân dân nhật báo, Giải phóng quân nhật báo, Hồng kỳ tạp chí, Đài truyền hình trung ương, thì một kênh khác cũng không kém phần quan trọng là Báo chữ to. Rất nhiều thông tin về các bố trí chiến lược của Chủ tịch Mao, những chỉ thị miệng của Chủ tịch, của Giang Thanh vợ ngài được đưa đến quần chúng bằng con đường Báo chữ to. Thời kì cao trào “Đại cách mạng văn hóa vô sản”, Thích Bản Vũ còn rất trẻ, mới ngoài ba mươi tuổi, chuyên viết những bài khảo cứu bình luận lịch sử, đã nổi tiếng với ngoại hiệu mà Hồng vệ binh gán cho, Thích Đại Soái.
Tuy nhiên tôi thực sự biết đến cây bút này là vào tháng 12 năm 1965 khi Thích Bản Vũ cho đăng trên tạp chí Hồng Kỳ bài “Nghiên cứu lịch sử vì cách mạng”, một bài báo tuyệt đối hóa quan điểm giai cấp trong nghiên cứu lịch sử, đứng hẳn về phía Diêu Văn Nguyên phê phán vở kịch lịch sử “Hải Thụy bãi quan” của Ngô Hàm. Bài báo của Thích Bản Vũ liền sau đó được xem là vũ khí lí luận của Hồng vệ binh.
Thích Bản Vũ sinh năm 1931 ở Uy Hải tỉnh Sơn Đông. Năm 1950 tốt nghiệp trung học, vừa lúc Văn phòng trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc cần tuyển người, Thích cùng hai người khác tự nộp hồ sơ ứng tuyển. Là người đã tham gia hoạt động bí mật ở Thượng Hải, năm 1949 vào đảng, nên Thích Bản Vũ được tuyển vào kiến tập ở Ban thư kí, rồi được biên chế vào phòng thư tín báo chí.
Theo phân công, Thích chịu trách nhiệm đọc các báo xuất bản ở vùng Đông Bắc, lọc ra tin tức, bài viết đáng quan tâm, hàng ngày nộp cho người phụ trách trình lên cho Chủ tịch Mao. Học vấn trung học, nhưng thông minh, ngửi được mùi vị chính trị của lãnh đạo trung ương nên những tin và bài mà Thích lựa chọn, thường được lãnh tụ Mao chú ý, gạch đít hoặc khuyên tròn, bút phê và cao hơn còn chỉ thị đăng lại trên báo trung ương.
Thích Bản Vũ kể, làm việc ở Văn phòng trung ương, lại ở phòng thư tín báo chí, anh chàng nhân viên trẻ có điều kiện quan sát Chủ tịch Mao đọc sách. Khi đọc, Chủ tịch Mao thường gạch đít, đánh dấu, khuyên tròn, viết lời bình bên lề. Thích mua cuốn sách mà lãnh tụ đọc, đem về đọc cũng học theo gạch đít, khuyên tròn, viết lời bình ở những chỗ mà Mao đã làm, cứ thế đọc hết “Triết học đại cương”, “Đại chúng triết học”, “Chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử”, đọc cả “Tây du kí” và “Liêu trai chí dị”. Rõ ràng Thích Bản Vũ là một người có ý chí và rập khuôn, mơ thành một “Mao con”. Ở đó Thích được tham gia vào tổ biên tập xuất bản Mao tuyển các tập 1,2,3. Làm ở khâu đọc đối chiếu. Theo thuật lại của Thích Bản Vũ trong “Hồi ức lục”, nhờ thời gian làm nhiệm vụ đọc đối chiếu Mao tuyển 1,2,3, Thích đã học được cách hành văn của Mao Trạch Đông, nên những bài báo viết ra đều phảng phất giọng điệu của Chủ tịch Mao, rất làm vừa lòng lãnh tụ.
Ở Văn phòng Trung ương Đảng, Thích Bản Vũ tiến từng bước lên trưởng phòng, cục trưởng, phó chủ nhiệm rồi quyền chủ nhiệm Văn phòng. Con đường làm báo của Thích cũng tiến không kém, từ tổ trưởng biên tập lên đến phó tổng biên tập tạp chí lí luận của Đảng cộng sản Trung Quốc, tạp chí Hồng Kỳ. Thời kì đầu “Đại cách mạng văn hóa vô sản” Thích Bản Vũ được Chủ tịch Mao Trạch Đông và Giang Thanh chọn làm thư kí, cùng với Vương Lực, Quan Phong gọi là nhóm Vương- Quan-Thích tham gia chủ chốt “Tiểu tổ cách mạng văn hóa”, quyền bính tương đương Văn phòng trung ương đảng.
Năm 1962, ở cương vị Trưởng phòng của Ban thư kí, Thích Bản Vũ được điều sang Văn phòng trung ương phụ trách tạp chí phát hành nội bộ, tạp chí “Quần chúng phản ánh” với cương vị Tổng biên tập. Với phong cách sắc sảo, bắt trúng tần số chính trị lãnh đạo, các bài vở mà Thích chọn đăng luôn được các cán bộ cao cấp ở văn phòng trung ương chú ý. Đặc biệt Chủ tịch Mao không ít lần bút phê khen ngợi.
Thích Bản Vũ bắt đầu tìm đột phá khẩu nhằm mở con đường tiến thân của mình. Chủ tịch Mao đã nhiều lần lặp đi lặp lại, đấu tranh giai cấp là nền tảng học thuyết của ông (dĩ giai cấp đấu tranh vi cương). Ơreca, Thích đã tìm ra con đường của mình rồi. Thích Bản Vũ ném lên diễn đàn một trái bộc phá “Thảo luận với các ông La Dĩ Cương, Lương Cổ Hộ, Lữ Tập Nghĩa… về ‘Tự thuật của Lý Tú Thành’.” Trước đó, khi nghiên cứu về Trung vương Lý Tú Thành, một trong những lãnh đạo chủ chốt của Thái Bình Thiên Quốc bị Tăng Quốc Phan bắt, các nhà nghiên cứu đã nhận định, việc Lý Tú Thành viết bản ‘Tự thuật’ là trá hàng để bảo toàn lực lượng trở về “Nước Trời”.
Thích Bản Vũ đưa ra quan điểm ngược lại, Lý Tú Thành đã phản bội lại Thái Bình Thiên Quốc, phản bội lại lí tưởng “sống làm nhân kiệt, chết làm ma anh hùng”. Bài báo bị Chu Dương, phụ trách Ban tuyên giáo cho là có sai lầm chính trị, đã tổ chức hội thảo, phê phán mạnh, khiến Chủ tịch Mao quan tâm. Năm 1964, Thích Bản Vũ viết tiếp về Lý Tú Thành, “Đối xử thế nào với hành động đầu hàng phản bội của Lý Tú Thành?” Bài viết được Giang Thanh gợi ý đưa cho Khang Sinh đọc. Dựa vào ý kiến của Khang Sinh, bài viết được mở rộng đến các nhân vật Uông Tinh Vệ và Cauxki của Đảng cộng sản Liên Xô. Bài này được đăng trên Quang Minh nhật báo, chấn động Trung Quốc, vấn đề “phản bội” đã được đề cập một cách chính thức. Dường như những bài báo này đều tạo cơ sở dư luận để hạ bệ Lưu Thiếu Kỳ về tội phản bội khi bị bắt trong thời kì hoạt động ở vùng đất do Quốc dân đảng kiểm soát.
Thích Bản Vũ lúc về già
Vậy là cây bút nghiên cứu phê bình lịch sử Thích Bản Vũ từ đây đã tự nguyện biến mình thành cây bút công cụ cho Mao Chủ tịch và Giang Thanh.
Năm 1965, Chủ tịch Mao quyết tâm mở cuộc chiến lật đổ phe nhóm Lưu Thiếu Kỳ, giao cho Giang Thanh đi Thượng Hải tổ chức viết bài bình luận về vở kịch lịch sử “Hải Thụy bãi quan” của Ngô Hàm, nhà nghiên cứu lịch sử, đang là phó thị trưởng thành phố Bắc Kinh của Bành Chân. Giang Thanh gặp Trương Xuân Kiều, trưởng ban tuyên huấn Thành ủy Thượng Hải và Diêu Văn Nguyên vạch kế hoạch bí mật viết bài “Bình vở kịch lịch sử viết mới Hải Thụy bãi quan” của Ngô Hàm. Khi bài báo được công bố trên báo Văn Hối của Thượng Hải đăng ngày 10/11/1965, Bắc Kinh chấn động.
Ngày ấy, tôi đang ở Nam Kinh, chúi đầu vào sách vở vì thời gian ở Trung Quốc chưa dài, tiếng Hoa còn kém cỏi, không nắm bắt được động thái chính trị và phản ứng của dư luận. Tuy nhiên về mặt linh cảm của một người lính có chút ham mê đọc sách, tôi thấy số phận của chúng tôi chắc chắn sẽ long đong. Nói thêm, trước đó chúng tôi đã được gửi đi Liên Xô học tập, giữa lúc cuộc chiến ngôn từ giữa N. Khrutxop và Mao Trạch Đông đang ở cao trào. Vì Liên Xô lúc đó được xem là đi theo đường lối xét lại phản Mác- Lê, chúng tôi được rút về rồi sau đó gửi sang Trung Quốc học tiếp. Nhưng nào ngờ Trung Quốc cũng không ổn định, đấu tranh phe phái ngày càng bộc lộ khốc liệt. Và vì thế chúng tôi được bất đắc dĩ chứng kiến một giai đoạn hỗn độn chưa từng có ở nước đông dân nhất thế giới.
Sau này đọc “Hồi ức lục” của Thích Bản Vũ tôi mới biết thêm được nhiều điều gọi là thâm cung bí sử. Trước khi cái tên Diêu Văn Nguyên nổi lên, Thích Bản Vũ vừa được Trần Bá Đạt xin với Chủ tịch Mao đưa về tạp chí Hồng Kì, làm trưởng ban biên tập lịch sử. Sau khi bài phê bình “Hải Thụy bãi quan” của Diêu gây chấn động, Giang Thanh bèn tìm Thích Bản Vũ, nói chuyện. Thích đón được ý của Chủ tịch Mao, viết bài “Nghiên cứu lịch sử vì cách mạng” đăng trên tạp chí Hồng Kì tiếp lửa cho Diêu Văn Nguyên.
Đối với hai bài báo nêu trên, Chủ tịch Mao đánh giá cao bài của Thích Bản Vũ, vì làm toát lên một chân lí lịch sử quan trọng mà Mao muốn nói: “Tạo phản hữu lí” (mang ý: Có thể phản đối, phản ứng thậm chí lật đổ ai đó mà vẫn “có lý”). Sau này khi tiếp kiến Hồng vệ binh, Mao Trạch Đông đã kêu gọi đám sinh viên học sinh giương cao ngọn cờ “Tạo phản hữu lí”. Chỉ có thế, Mao Trạch Đông mới có thể viết một bài báo chữ to dán ở Trung Nam Hải “Nã pháo vào bộ tư lệnh” được. Đã đến lúc Mao Trạch Đông rửa nỗi nhục Đại hội Đảng cộng sản lần thứ 8, do sai lầm trong “Đại tiến vọt” dẫn đến nạn đói chết hàng chục triệu người, thất thế, phải lui lại tuyến sau để cho Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình chủ trì công việc.