Việc sử dụng động vật trong các nghiên cứu về du hành vũ trụ - dù gây rất nhiều tranh cãi - nhưng không phải quá xa lạ với chúng ta. Có thể thấy lịch sử đã từng vinh danh nhiều trường hợp tinh tinh, khỉ, hay chó Laika... về đóng góp của chúng với nền khoa học của nhân loại.
Tuy nhiên, cô mèo Félicette thì khác. Cùng là đối tượng thí nghiệm, thậm chí còn là cô mèo đầu tiên sống sót sau khi trở về từ vũ trụ, nhưng Félicette không được may mắn như Laika, như tinh tinh hay các loài vật khác. Không những số phận bi thảm, cô còn phải chịu đựng một sự bất công mà có lẽ ai nghe xong cũng cảm thấy thật đau lòng.
Đây chính là Félicette
Dự án đưa một cô mèo trở thành vĩ đại
Năm 1963, giới khoa học Pháp thực hiện chương trình nghiên cứu chuẩn bị bay vào không gian. Và họ bắt đầu nó bằng việc thu thập 14 con mèo, trong đó có Félicette.
Đây được xem là cột mốc hết sức quan trọng đối với ngày khoa học của Pháp. Đó là thời điểm Pháp mới trở thành quốc gia thứ 3 thành lập Cơ quan hàng không vũ trụ sau Mỹ và Liên Xô. Và với sự trợ giúp của những chú mèo này và Félicette nói riêng, Pháp đã chính thức bước chân vào cuộc đua du hành vũ trụ đang cực kỳ "hot" trên thế giới.
Những chú mèo tham gia nghiên cứu
Ý tưởng của chương trình này là muốn tìm hiểu xem môi trường vi trọng lực sẽ có tác động thế nào đến cơ thể của động vật. "Nếu động vật có thể tồn tại trong vũ trụ, thì con người cũng vậy" - báo cáo nghiên cứu cho biết. Thế nên, 14 con mèo được tham gia huấn luyện y như con người.
Kết thúc khóa huấn luyện, Félicette đã được chọn, vì đây là cô mèo ngoan ngoãn, hiền lành nhất. Nhưng cũng có tin đồn cho rằng lý do đơn giản chỉ bởi 13 con mèo "không may" kia bị thừa cân mà thôi.
18/10/1963, Félicette chính thức trở thành con mèo đầu tiên được du hành vũ trụ. Cô được đặt trong một chiếc hộp chuyên dụng, gắn lên tên lửa Véronique AG1, và phóng vào vũ trụ với tốc độ gấp 5 - 6 lần tốc độ âm thanh.
Mô phỏng lại thiết bị dùng trong thí nghiệm của Félicette
Hành trình của cô kéo dài 50 phút. Sau đó, chiếc hộp được tách ra, bung dù và hạ cánh trong sự chào đón của giới khoa học Pháp.
Cái chết vì khoa học, nhưng công lao bị quên lãng
Khi hạ cánh, Félicette vẫn bình an vô sự, nhưng số phận của cô sau đó thì thật không may. Trước chuyến bay, não của Félicette được gắn một điện cực. Các nhà khoa học muốn hiểu được sự ảnh hưởng của môi trường vi trọng lực lên não bộ, và để làm được điều đó thì phải mổ phanh não của Félicette.
Cô mèo nhanh chóng bị buộc phải chịu cái chết nhân đạo, nhưng dù sao cũng có thể coi là một sự hy sinh vì mục đích cao cả hơn.
Nhưng vấn đề là ở chỗ sự đóng góp của Félicette gần như bị chìm vào quên lãng.
Trên thực tế thì đến năm 1997, Pháp có phát hành bộ tem để kỷ niệm chú mèo đầu tiên bay vào vũ trụ. Tuy nhiên, không rõ vì sao mà cái tên Félicette lại bị chuyển thành Felix, và giới tính của cô thì thành mèo đực.
Theo một số ý kiến, lý do được cho là vì Félicette vốn chỉ là nhân vật thay thế cho một chú mèo đực tên Felix, do cậu mèo này bỏ trốn trước khi thử nghiệm diễn ra. Tuy nhiên, có lẽ lý do thực sự đến từ quan niệm phân biệt giới tính thời kỳ ấy, cho rằng chỉ có đàn ông là được đứng đầu, nhất là với khoa học.
Vậy đấy! Chú tinh tinh đầu tiên bay vào vũ trụ được chôn tại Đài danh vọng vũ trụ Quốc tế. Chú chó đầu tiên bay vào vũ trụ nhận được một bức tượng đồng. Còn Félicette thì nhận được một bộ tem kỷ niệm thậm chí chẳng in đúng tên, trong khi đóng góp của cô cho nền khoa học vũ trụ thế giới thực sự không hề nhỏ một chút nào.
Tháng 11/2017, một startup tại Pháp đã kêu gọi vốn để nhằm xây dựng một đài tưởng niệm dành riêng cho Félicette. Tuy nhiên, chưa rõ khi nào chúng ta mới được thấy công trình được hoàn thiện, để cái tên Félicette chính thức được vinh danh trong bản đồ khoa học hàng không vũ trụ thế giới.
Tham khảo: Space, NASA...