Nếu như Tứ đại mỹ nhân trong thời phong kiến Trung Hoa đại diện cho bốn người phụ nữ đẹp nhất trần đời có dung mạo khiến "hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh", thì trái lại, Ngũ đại xú nhân là một mục xếp hạng để chỉ ra 5 người phụ nữ xấu xí nhất trần đời.
Tuy nhiên, ngoài vẻ xấu xí đó, thì 5 người phụ nữ này lại có tài năng, đức độ được nhiều người thuộc nhiều thời đại ca ngợi, không chỉ vậy, thậm chí có người còn được trở thành Hoàng hậu mà phò tá giúp Vua giữ nước. Vậy 5 người phụ nữ đó là ai?
Chung Vô Diệm
(Ảnh minh họa)
Chung Vô Diệm có tên thật là Chung Li Xuân, người đất Vô Diệm (nay thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc). Bà có tên thường gọi là Chung Li Vô Diệm, là vợ của Tề Tuyên Vương Điền Tịch Cương, tức là Hoàng hậu nước Tề thời Chiến Quốc.
Nhan sắc xấu xí của bà được sử sách ghi lại như sau: "Chung hậu sinh ra trán cao, mắt sâu, bụng dài, chân thô, mũi hếch, xương cổ lòi ra, cổ to, tóc thưa, bụng phệ, lưng gù, da đen đúa...".
Tuy nhiên, trái với vẻ ngoài không được ưa mắt này, bà lại là một người phụ nữ vô cùng thông minh, thường xuyên phò tá và làm quân sư cho chồng trong việc trị nước, chống giặc giữ cả giang sơn.
Thế nhưng, câu chuyện về việc trở thành Hoàng hậu của bà hiện vẫn gây ra khá nhiều tranh cãi, hình thành 2 giai thoại đáng tin cậy.
Giai thoại thứ nhất cho rằng Tề Tuyên Vương là một ông vua háo sắc vì vậy ngay từ lần đầu gặp Chung Vô Diệm, lúc này bà đang xin tiến cung thì ông tỏ ra khinh khi, từ chối,
ấy vậy mà bà đã can đảm quỳ xuống và nói rõ ra tất cả những thói hư tật xấu của Tề Tuyên Vương khiến ông bừng tỉnh, nhận ra bà là một người phụ nữ đặc biệt dù cho vẻ ngoài xấu xí, thế là ông liền đưa bà trở thành Hoàng hậu.
(Ảnh minh họa)
Giai thoại thứ 2, nói rằng thực chất trước khi tiến cung làm vương hậu của Tề Tuyên vương bà là người rất xinh đẹp. Do từ nhỏ đã theo kỳ nhân dị sĩ học đạo, nên Chung hậu đã luyện "Tuyệt Tình Công", tức là đoạn tuyệt mọi tình cảm trai gái.
Sau này vì bà nảy sinh tình cảm với Tuyên Vương, phạm vào điều cấm kỵ của tu đạo nên Chung Vô Diệm phải gánh chịu hậu quả là trên má trái của bà xuất hiện một cái bớt đỏ, khiến gương mặt xinh đẹp của bà trở nên xấu xí.
Hoàng Nguyệt Anh
Hoàng Nguyệt Anh chính là vợ của Khổng Minh Gia Cát Lượng thời Tam Quốc. Theo sử liệu ghi chép, nhan sắc của bà không được đề cập nhiều, chỉ nói rằng bà là một người phụ nữ xấu xí với mái tóc vàng và nước da đen đúa.
Cũng có sách tả bà dáng người cao, thon thả nhưng mặt đen đúa đầy mụn nhọt trông rất khó coi, sách khác lại tả bà hình dáng thô kệch, thấp bé đen gầy, khuôn mặt đầy rỗ.
Tuy nhiên lại có thuyết kể rằng, Hoàng Nguyệt Anh thực ra là người phụ nữ vô cùng xinh đẹp. Nhưng mỗi khi ra ngoài, bà đều mang mặt nạ để tránh gây sự chú ý.
(Ảnh minh họa)
Bỏ qua hết những vẻ ngoài trên, thì Hoàng Nguyệt Anh lại là một người phụ nữ rất dịu dàng và chu đáo.
Khổng Minh đại truyện có ghi rõ, thừa tướng Gia Cát sau khi xuất sơn, mọi việc ở nhà đều được Gia Cát phu nhân chu toàn tất cả, vợ chồng kính nhau như khách, chưa bao giờ xảy ra mâu thuẫn hay xung đột gì.
Nếu không nhờ có bà làm hậu phương vững chắc phía sau, Khổng Minh tiên sinh chưa chắc đã có thể toàn tâm phò trợ cho Lưu Bị. Thế mới biết câu "tề gia trị quốc bình thiên hạ" là một thứ tự có cơ sở...
Mô Mẫu
Mô Mẫu có thể coi là người phụ nữ xấu nhất Trung Hoa cổ đại, với sử sách ghi chép lại chỉ dùng vài chữ để khắc họa dung nhan của bà trong quyển "Tứ tử giảng đức luận" của Vương Tứ Uyên đời Hán như sau: "Mô Mẫu người lùn tịt, mặt rỗ chằng chịt".
Thậm chí, trong lịch sử Trung Hoa, người ta còn ví bà với quỷ Dạ Xoa, nhưng bà là người hiền đức, thông minh hơn người.
(Ảnh minh họa)
Chính vì vậy Hoàng Đế đã lấy bà làm vợ. Trong "Cửu chương, tích vãng nhật", Khuất Nguyên đã đánh giá Mô Mẫu rất cao về đức độ, trí thông minh cũng như là tấm lòng nhân hậu của bà, thậm chí bà còn được nhiều người phụ nữ đương thời kính trọng.
Một số giai thoại xưa cũng có nói, Hoàng đế đánh bại Viêm Đế, diệt Xi Vưu, đều có công của Mô Mẫu giúp đỡ bên trong. Cũng có giai thoại nói rằng, Mô Mẫu còn là người phụ nữ đầu tiên trên thế giới làm ra chiếc gương soi.
Mạnh Quang
Tương truyền, Mạnh Quang là vợ của Lương Hồng, đồng thời bà là một người phụ nữ xấu xí với dáng người to béo, da dẻ lại ngăm đen, thậm chí bà còn có sức mạnh ngang với đàn ông khi bê nổi cả một cối đá.
Trong khi đó, người chồng Lương Hồng của bà là một người vô cùng có danh tiếng về trí tuệ. Trước khi lấy vợ, có rất nhiều con gái nhà danh giá muốn gả cho ông, ông đều từ chối và chỉ lấy Mạnh Quang về làm vợ.
(Ảnh minh họa)
Trung Quốc có câu "Cử án tề mi" (dâng mâm lên ngang mày) chính là câu chuyện trong đời sống vợ chồng của Lương Hồng và Mạnh Quang.
Mỗi lần Lương Hồng đi làm về, nàng Mạnh Quang lo cơm nước chu tất, dâng thức ăn ngang mày mời chồng ăn, nói thế để thấy, đôi khi nhan sắc không là gì cả trong mối quan hệ hôn nhân gắn kết bất kể thời nào.
Sau ngày cưới, Mạnh Quang bỏ khăn che mặt, mặc quần áo hằng ngày để làm việc nhà. Cũng có khi, nàng cùng chồng lên núi ở, chồng cày cấy, vợ dệt vải, ngày ngày ngâm thơ đàn hát, sống cuộc sống thanh bần mà hạnh phúc.
Nguyễn Thị
Nguyễn Thị vốn là con gái của Nguyễn Đức Uy, không rõ tên thật là gì, sử sách cũng không ghi chép nhiều về dung mạo của bà, tuy nhiên nằm trong "ngũ xú" này thì chắc chắn bà cũng phải là một người có nhan sắc kém xinh.
Kém xinh tới mức, tương truyền bà được gả cho Hứa Doãn, và vào đêm tân hôn, bà đã khiến Hứa Doãn phải bỏ chạy nhiều lần vì dung mạo "kinh dị" của mình.
(Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, trong lần ngồi lại bên vợ, Hứa Doãn có hỏi Nguyễn Thị rằng: "Trong tứ đức thì nàng có mấy đức?". Nguyễn Thị trả lời: "Thiếp chỉ thiếu đức dung". Sau đó, Nguyễn thị liền hỏi lại Hứa Doãn: "Người quân tử có 100 đức, chàng có được bao nhiêu đức?".
Hứa Doãn trả lời: "Ta có đủ 100 đức". Nguyễn Thị nói: "Trong một trăm đức, chữ đức đứng đầu. Chàng ham sắc mà khinh tài, vậy có thể coi là đủ một trăm đức không?", Hứa Doãn không nói được gì và từ đó về sau chàng yêu mến và quý trọng vợ hơn bởi màn đối đáp tài tình ngày nào.
(Nguồn: Baike.Baidu, Qulishi, Kknews.cc)