Với Hàn Quốc, số lượng ô tô đăng ký ở quốc gia gần 52 triệu dân này đã đạt 25,5 triệu vào cuối tháng 12/2022, tương đương cứ 1.000 người Hàn Quốc thì có 490 người sở hữu một chiếc xe, theo số liệu của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông.
Tính đến tháng 9/2022, quốc gia đông dân nhất thế giới - Trung Quốc - có 315 triệu ô tô đang lưu hành, theo Bộ Công an Trung Quốc (MPS). Như vậy, số xe trung bình trên 1.000 dân sẽ khoảng hơn 223.
Tính đến tháng 12/2022, Singapore có 852.654 chiếc ô tô được đăng ký. Tương đương với cứ 1.000 dân sẽ có 149 ô tô.
Trên thực tế, Singapore là một trong những nơi có chi phí để sở hữu ô tô đắt nhất trên thế giới. Tại đây, người mua xe mới phải tham gia đấu thầu để có Giấy phép sử dụng ô tô (Certificate of Entitlement - COE). Đấu thầu được tổ chức hai lần mỗi tháng.
Phí COE cho một chiếc xe nhỏ là 25.920 SGD (khoảng 19.000 USD) và có thể dao động tùy theo cung cầu. Người mua xe cũng phải tốn thêm phí đăng kí bổ sung (ARF). Các chí phí này được cho là để giải quyết tắc nghẽn giao thông ở Singapore. Song, chưa có nghiên cứu cụ thể nào đánh giá hiệu quả của chi phí mua xe đến tắc nghẽn giao thông.
Tại Thái Lan, số xe hơi được thống kê vào tháng 1/2023 là 19,9 triệu xe. Tương đương với 280 ô tô trên mỗi 1.000 dân.
Theo dữ liệu từ Cổng thông tin Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến tháng 9/2022, tổng số ô tô đang lưu hành tại Việt Nam là 4,94 triệu chiếc. Như vậy, số xe hơi trên 1.000 dân Việt Nam là khoảng 50 chiếc. Con số này được tính dựa trên toàn bộ số xe đăng ký, không phải số xe sở hữu cá nhân.
Người Việt lần đầu tiên ''xô đổ'' mốc mua nửa triệu ô tô năm 2022
Theo thống kê, lượng xe ô tô mới bán ra tại Việt Nam trong năm 2022 đạt mức kỷ lục 508.547 xe, bao gồm 404.635 xe của VAMA và các hãng nhập khẩu, 81.582 xe của TC Motor - hãng bán xe Hyundai và 22.924 xe của VinFast (chưa gồm số liệu tháng 9,10, do hãng không công bố).
Với chuỗi cung ứng ô tô, vấn đề lớn nhất đối với Việt Nam hiện nay là sản lượng. Con số hơn 500.000 xe trong năm 2022 của Việt Nam, là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy công nghiệp phụ trợ và đầu tư dây chuyền sản xuất ô tô.
Nếu năm 2021, chỉ có Toyota, và Hyundai vượt được ngưỡng 50.000 xe- sản lượng tối thiểu để gia tăng tỷ lệ nội địa hoá, thì năm 2022, những cái tên đạt trên 50.000 xe đã có thêm Kia.
"Trong điều kiện thị trường nhỏ, nếu sản lượng tiêu thụ xe dồn vào một số mẫu xe, thì mới có cơ hội nội địa hóa. Vì không đủ sản lượng để nội địa hóa linh kiện, các công ty lắp ráp buộc phải nhập khẩu, ta không thể trách họ được" - bà Trương Thị Chí Bình, chuyên gia Viện nghiên cứu Chiến lược, chính sách Công Thương cho hay.
Chuyên gia này đánh giá: "Doanh nghiệp nội địa, hầu hết chưa sẵn sàng để sản xuất linh kiện ô tô. Không phải vì doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ kém nên họ không sản xuất được linh kiện ô tô, mà bởi vì sản lượng không đủ. Mà do sản lượng không đủ, thì ngược lại, doanh nghiệp họ không đầu tư, cuối cùng lại thành kém, giống như câu chuyện con gà có trước, hay quả trứng có trước. Nếu đủ sản lượng thì doanh nghiệp tự đầu tư ngay. Giống như xe máy, đâu cần chính sách gì? Doanh nghiệp họ tự đầu tư, tự hình thành ngành linh kiện xe máy. Vì sản lượng đủ để họ sản xuất ngày đêm, máy chạy liên tục".
Hiện nay, sản xuất linh kiện ô tô tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, khi giá thành đang cao hơn 2 tới 3 lần so với khu vực. Do đó, ngay cả khi chi phí nhân công của Việt Nam được đánh giá ở mức cạnh tranh hơn, thì chiếc xe sản xuất nội địa vẫn có chi phí sản xuất cao hơn 10-20% so với Thái Lan, Indonesia.
Việc có đủ sản lượng để doanh nghiệp sản xuất linh kiện có lãi, có thể coi như một điểm sáng với tương lai phát triển công nghiệp ô tô ở Việt Nam.
Bà Trương Thị Chí Bình nhấn mạnh: "Chúng ta có tới gần 100 triệu dân và khi thu nhập trung bình tăng lên, đời sống cao lên, kiểu gì rồi người dân cũng mua ô tô để đi. Với dân số này, với điều kiện địa lý này, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển phương tiện giao thông. Và nếu công nghiệp ô tô không phát triển, chúng ta đã bỏ thị trường ấy cho nước ngoài".