Ảnh minh hoạ.
Theo PGS Trần Hồng Côn – Giảng viên khoa Hóa học, trường Đại học tự nhiên Hà Nội- nước muối sinh lý là dung dịch natri clorid 9 phần nghìn (NaCl 0,9%).
Công thức hóa học hoàn toàn như muối ăn nhưng được bào chế tinh khiết, loại bỏ tạp chất và pha trong nước cất theo tỉ lệ 9 phần nghìn đúng như dịch nội sinh của cơ thể là dịch đẳng trương, đảm bảo cân bằng điện giải.
Nước muối sinh lý bắt buộc phải có độ mặn là 0,9%. Nếu nhạt quá hay mặn quá cũng không được coi là nước muối sinh lý.
Theo PGS Côn, nếu nước muối sinh lý quá nhạt sẽ khiến cơ thể phải tiết thêm muối; quá mặn sẽ gây thừa muối, cả hai đều không tốt cho cơ thể.
Trước thông tin nước muối sinh lý sản xuất thủ công, không an toàn cho sức khoẻ, PGS Côn cho rằng đó là vi phạm bởi theo quy định nước muối sinh lý phải đảm bảo vô khuẩn, vô trùng và đảm bảo đủ độ tinh khiết.
Ở vị trí người tiêu dùng, PGS Côn cho rằng không ai có thể tự nhận biết nước muối sinh lý nào đảm bảo vì đây là nước có vị lợ lợ, trong suốt nên khó phát hiện chất bẩn.
Thạc sĩ, bác sĩ truyền nhiễm Nguyễn Danh Đức – Bệnh viện đa khoa Medlatec cho hay, nước muối sinh lý có thành phần giống với dịch trong cơ thể nên khi cần rửa sạch bụi bặm, có thể dùng để nhỏ mắt hàng ngày giúp bảo vệ mắt khỏi bị dính bụi, khỏi mờ mắt, cộm mắt.
Nước muối sinh lý còn được dùng để nhỏ mũi, nhỏ tai, súc miệng hàng ngày để làm vệ sinh, loại bỏ những tác nhân bên ngoài dễ gây bệnh.
Trong sinh hoạt hàng ngày, nếu nhỏ 1- 2 giọt nước muối giúp ta làm sạch, thông thoáng đường thở, tai đỡ bị ù, giảm thính lực.
Khi viêm răng miệng, họng, đờm nhiều, miệng hôi, súc miệng bằng nước muối tạo môi trường khoang miệng sạch sẽ, nhanh khỏi bệnh hơn.
Tuy nhiên, thạc sĩ Đức cho biết không nên sử dụng nước muối tự pha vì chúng ta không thể kiểm soát được nồng độ của nước muối.
Thạc sĩ Đức cho hay, hàng ngày anh gặp rất nhiều bệnh nhân bị những bệnh liên quan đến mũi họng và họ có thói quen ngậm muối, súc miệng nước muối tự pha, thậm chí pha với nồng độ muối rất cao vì nghĩ càng mặn càng tốt.
Tuy nhiên, khi có nồng độ muối cao, muối mặn tích tụ làm thừa muối cho cơ thể, từ đó gây ra các bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, hạn chế hấp thụ canxi.
Ngoài ra, khi sử dụng nước muối tự pha không đúng liều lượng, quá mặn thì muối mặn vào miệng, họng sẽ bị tổn thương, trợt loét các tế bào niêm mạc họng, gây viêm họng, gặp vi khuẩn sẽ dễ dàng sinh ra nhiễm khuẩn.
Việc rửa mũi, súc miệng, súc họng bằng nước muối sinh lý giúp ngăn ngừa vi khuẩn tấn công đã được nhiều chuyên gia khuyên dùng và được nhiều người áp dụng nhưng việc dùng nước muối thế nào cho đúng không phải ai cũng biết.
Thạc sĩ Đức khuyến cáo nên sử dụng nước muối sinh lý được sản xuất đảm bảo bởi các công ty dược được Bộ Y tế cấp phép.
Ngoài ra, khi súc miệng ta nên chú ý đến thời gian súc miệng và súc miệng trước khi súc họng. Đó là ta súc miệng lâu khoảng 5 phút chứ không phải súc rồi nhả ra luôn và tốt nhất là súc nước muối nhạt, chỉ mặn hơn nước canh một chút là đủ.
Sau khi súc họng xong bằng nước muối loãng thì nên súc miệng lại bằng nước lọc để rửa hết lượng muối cũng như mảng bám đã bong ra lúc súc miệng bằng nước muối.