Số người Mỹ đi bỏ phiếu sớm cao kỷ lục, nhìn lại toan tính của ông Trump đằng sau những lá phiếu qua thư

Linh Anh |

Phe ông Trump đang sử dụng nhiều biện pháp nhằm biến hàng loạt lá phiếu qua thư ở Pennsylvania trở nên không hợp lệ, điều được cho là bất lợi cho người Dân chủ. Tuy nhiên, nhiều toan tính không thành.

Tính tới 28/10, số cử tri Mỹ đi bầu cử Tổng thống sớm đã đạt gần 70 triệu người, một con số kỷ lục. Trong đó, có khoảng 46,3 triệu phiếu được bỏ qua thư và 23,1 triệu phiếu bầu trực tiếp. Ước tính, số phiếu bầu qua thư sẽ đạt kỷ lục sau khi một số tiểu bang được phép kéo dài thời gian bỏ phiếu. Cụ thể, chỉ cần phong bì được đóng dấu ngày 3/11 trở về trước, phiếu bầu vẫn sẽ được tính.

Bỏ phiếu qua thư đang trở thành cuộc chiến chủ trốt trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay. Từ nhiều tháng trước, đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump, ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa, đã đưa ra nhiều chỉ trích không bằng chứng về hình thức bầu cử này. Bây giờ, nó vẫn là một trong những trọng tâm trong chiến dịch giành phiếu của người Cộng hòa. Lịch sử cho thấy bỏ phiếu qua thư luôn là có lợi cho người Dân chủ và đó là lý do ông Joe Biden và đảng của mình mạnh tay hỗ trợ phương pháp này.

Lịch sử chính trường Mỹ cho thấy rất hiếm khi phát hiện gian lận trong bầu cử và số lá phiếu gian lận không thể làm thay đổi kết quả. Tuy nhiên, đó là khi chưa có Covid-19. Đại dịch khiến số cử tri Mỹ bỏ phiếu qua thư cao kỷ lục, đe dọa gây áp lực lên các quan chức phụ trách tranh cử, đặc biệt ở các bang chiến trường, khi số lượng phiếu cần kiểm quá lớn.

Trong khi đó, các nhà lập pháp của đảng Dân chủ và Cộng hòa đã không thể thống nhất được ngày kiểm phiếu sớm hơn. Các phiếu sẽ chỉ được kiểm từ ngày bầu cử 3/11 trở đi. Điều này có thể gây ra nhiều rắc rối, nhất là khi các đảng đưa ra những thách thức pháp lý của riêng mình nhằm giành lợi thế trước đối thủ.

Tòa án Tối cao Mỹ chính là nơi được theo dõi. Ngày 28/10, cơ quan này đã bác yêu cầu của đảng Cộng hòa liên quan tới việc chống lại quy định của Tòa án Pennsylvania trong việc cho phép những lá phiếu qua thư vẫn được chấp nhận nếu có dấu bưu điện từ ngày bầu cử 3/11 trở về trước. Điều này được xem là có lợi cho người Dân chủ.

Tuy nhiên, ngày 17/9, Tòa Tối cao cũng đưa ra phán quyết về hình thức các lá phiếu. Nếu nó không được đóng trong 2 phong bì, bao gồm 1 phong bình thông thường bên ngoài và một phong bì đặc biệt bên trong, chúng sẽ không hợp lệ. Quy định này có thể gây ra tác động không nhỏ bởi hàng chục nghìn lá phiếu có thể bị coi là bất hợp lệ. Điều này gây thiệt hại nặng nề cho người Dân chủ bởi họ chiếm phần lớn trong số những lá phiếu được bỏ qua thư.

Theo lý luận của mình, những người Cộng hòa nói rằng quy định này là cần thiết để bảo vệ quyền riêng tư của cử tri và ngăn chặn gian lận. Đảng Dân chủ thì phản đối vì cho rằng đây là quy định không còn phù hợp và nó tước mất quyền của cử tri. Người Dân chủ lập luận rằng 2 phong bì là không cần thiết trong thời đại mà máy móc mở phiếu bầu và những người kiểm phiếu không thể xác định được cử tri.

Năm 2016, ông Trump giành chiến thắng ở Pennsylvania với 44.000 phiếu bầu nhiều hơn so với bà Hillary Clinton. Tuy nhiên, con số này ít hơn nhiều so với lượng phiếu bầu mà các quan chức tin sẽ bị vô hiệu hóa trong năm nay vì không được đựng trong các phong bì đặc biệt. Thậm chí, người ta còn ước tính rằng có tới 150.000 lá phiếu bị loại trở lên.

Nếu tỷ lệ thắng thua chỉ ở mức 0,5%, luật của bang Pennsylvania sẽ yêu cầu kiểm phiếu lại. Luật tiểu bang cũng cho phép cử tri tranh luận về kết quả của cuộc bầu cử mà họ nghĩ là "bất hợp pháp" trong 20 ngày. Nếu bị đối thủ vượt với số phiếu không đáng kể, ông Trump và ông Biden đều có thể thúc giục người ủng hộ đâm đơn kiện để xác định lại kết quả.

Trong khi đó, ông Trump có kế hoạch điều động các quan sát viên và luật sư để theo dõi các nhân viên bầu cử đếm phiếu qua thư. Họ muốn đảm bảo rằng bất cứ lá phiếu nào không nằm trong 2 phong bì đều sẽ bị ném bỏ. Tuy nhiên, họ cần đàm phán với các quan chức địa phương để đòi hỏi quyền tiếp cận với một lượng quan sát viên nhiều chưa từng có.

Bên cạnh đó, việc thương lượng về quy trình kiểm phiếu cũng đang diễn ra. Thông thường, một người kiểm phiếu được trả lương sẽ kiểm tra từng lá phiếu và chỉ yêu cầu những người quan sát của đảng phái cân nhắc khi có điều gì đó không ổn. Hai bên sẽ cố gắng thống nhất về ý định của cử tri. Nếu một trong 2 bên không đồng ý, họ có quyền thách thức tính hợp pháp của lá phiếu. Hội đồng bầu cử quận sẽ là người ra phán quyết.

Chiến dịch tranh cử của ông Trump đang tranh luận để có cơ hội cân nhắc tính hợp lệ của bất cứ lá phiếu nào chứ không phải chỉ những lá phiếu mà viên chức kiểm phiếu của quận thấy nghi ngờ. Điều này có thể khiến việc kiểm phiếu trở nên phức tạp và kéo dài thời gian hơn so với các phương thức truyền thống.

Ngoài ra, lãnh đạo 2 đảng ở địa phương cũng đang tiếp tục tranh chấp. Ví dụ, người quan sát của đảng Cộng hòa không được quyền tiếp cận các khu vực do người Dân chủ kiểm soát ở quận này nhưng được phép tiếp cận ở quận khác vì nơi đó do người Cộng hòa chiếm đa số. Chính những quy định khác nhau ở từng địa phương trong chính 1 bang có thể trở thành lý do cho những vụ kiện sau bầu cử.

Tại Philadelphia, thành phố lớn nhất bang Pennsylvania, ông Trump muốn bố trí mỗi bàn một quan sát viên trong số 20 bàn. Họ có kế hoạch để các nhân viên làm việc suốt ngày đêm. Tuy nhiên, Philadelphia chưa phản hồi họ có chấp nhận yêu cầu từ phía ông Trump hay không. Philadelphia là nơi do người Dân chủ kiểm soát.

Ngoài đội ngũ của ông Trump, các nhóm bảo thủ cũng đang đào tạo tình nguyện viên ở nhiều bang để thách thức phiếu bầu. Trong số này có FreedomWorks, một nhóm đã tổ chức các cuộc biểu tình chống lại tình trạng đóng cửa vì virus corona trong đợt bùng phát dịch đầu tiên. FreedomWorks ưu tiên Pennsylvania và có kế hoạch triển khia một nhóm lớn ở đây để đảm bảo tính hợp pháp của cuộc bầu cử.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại